Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, hàng năm, do sự tăng dân số cơ học nên số học sinh dự tuyển vào lớp 10 trên địa bàn tăng nhanh, trong khi số trường, lớp bổ sung, xây mới chưa đáp ứng kịp thời.
Do đó, Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất Bộ GD-ĐT cho phép địa phương áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập tại các quận và một số địa bàn huyện giáp ranh khu vực nội thành từ năm học 2023-2024.
Trong đó có 3 nội dung liên quan đến tăng sĩ số học sinh/lớp; tăng số lớp/trường.
Cụ thể, Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường).
Thứ hai là cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp). Thứ ba, cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT xây dựng các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng hàng năm, trung hạn làm căn cứ để các địa phương thực hiện.
Chia sẻ với VietNamNet, các hiệu trưởng các trường THPT tại Hà Nội có những cái nhìn khác nhau về tính khả thi, phù hợp của từng đề xuất.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, cho hay quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học, sĩ số học sinh/lớp của Bộ GD-ĐT áp dụng chung cho tất cả các địa phương tuy nhiên, Hà Nội có đặc thù, khó khăn riêng như tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, việc xây mới trường học gặp khó khăn về quỹ đất.
Do đó, theo bà Quỳnh, nội dung đề xuất của Sở GD-ĐT khá phù hợp và có thể áp dụng được trong thực tiễn đối với trường có diện tích đất, đáp ứng được cơ sở vật chất.
Bà Quỳnh phân tích như ở Trường THPT Việt Đức, hiện tại, mỗi lớp học đang có sĩ số 45, nhưng kê 24 bàn, mỗi bàn 2 học sinh.
“Như các phòng học của Trường THPT Việt Đức, diện tích hoàn toàn đủ rộng để có thể kê lên 25 bàn (mỗi bàn ngồi 2 học sinh) và đáp ứng được 50 học sinh/lớp.
Tuy nhiên, việc tăng số lớp học phải phụ thuộc vào diện tích của từng trường có đủ rộng để xây thêm phòng học, rồi cơ sở vật chất. Giải pháp xây chồng thêm tầng còn phải tính đến kết cấu móng có đảm bảo an toàn, chứ không phải muốn làm là được”, bà Quỳnh cho biết.
Bà Quỳnh cũng cho rằng đề xuất cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh khi tính trường chuẩn quốc gia là phù hợp với điều kiện của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là các quận trung tâm.
“Thay vì diện tích đất, có thể tính diện tích sử dụng là tổng diện tích các phòng học. Điều này tôi nghĩ là hợp lý”, bà Quỳnh nói.
Hiệu trưởng một trường THPT ở quận Đống Đa lại cho rằng đề xuất cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường) là phù hợp, còn đề xuất xin cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp) thì không.
“Lý do là diện tích phòng học hiện tại ở các trường THPT được thiết kế đáp ứng sĩ số 45 học sinh/lớp. Trong khi học sinh khối THPT có thể hình, chiều cao, cân nặng phát triển gần như người trưởng thành nên việc tăng sĩ số sẽ dẫn đến tình trạng không gian lớp học bị thu hẹp, chật chội; khó khăn trong hoạt động dạy và học; thậm chí có thể gia tăng bệnh học đương như cận thị, cong vẹo cột sống...”, vị này phân tích.
“Xu hướng của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới là giảm sĩ số lớp học đối với bậc học phổ thông để quá trình giáo dục học sinh đạt hiệu quả tốt nhất, chú trọng phát huy năng lực của từng cá nhân học sinh. Không lẽ, giờ chúng ta lại đi ngược lại xu hướng tiến bộ trên thế giới?”.
Vị hiệu trưởng này cho rằng những kiến nghị về tăng số lớp/trường và cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh là giải pháp có thể tạm tháo gỡ được vấn đề trong bối cảnh hiện nay. Song, về lâu dài vẫn cần nhiều giải pháp khác như xây trường, giãn dân ở các quận nội thành...
Hiệu trưởng một trường THPT khác ở quận Nam Từ Liêm nêu quan điểm: “Việc tăng số lớp 10% trong nhà trường là khó thực hiện với việc cơ sở vật chất của các trường ở Hà Nội khó đáp ứng chưa nói đến biên chế giáo viên khó khăn để đảm nhận. Việc tăng số học sinh trong một lớp lại khiến áp lực, khối lượng công việc giáo viên tăng cao. Khi khối lượng công việc cao, chất lượng giáo dục sẽ khó đảm bảo”, vị này nói.
Vị này ủng hộ đề xuất thay việc tính diện tích đất bằng diện tích sử dụng/học sinh.
“Với đặc thù của Hà Nội, các trường sẽ hướng tới xây dựng 100% trường chuẩn quốc gia, trong đó diện tích tối thiểu là 10m2 cho một học sinh. Nếu theo cách tính thông thường, khi tăng số học sinh lên chỉ số này sẽ giảm xuống. Vì vậy, ở các đô thị lớn, việc xây dựng trường có nhà cao tầng và tính theo diện tích sử dụng là phù hợp với thực tiễn”.
Để giải quyết, theo thầy giáo này cần nhanh chóng xây thêm trường ở những khu vực mật độ dân số cao.
Đồng quan điểm, một số nhà giáo khác cho rằng, giải pháp căn cơ vẫn là Hà Nội rà soát quỹ đất để xây mới thêm trường học, kể cả trường có số lượng lớp học ít. Bên cạnh đó, Hà Nội cần có chính sách để hỗ trợ các trường ngoài công lập phát triển về quy mô và chất lượng; đầu tư hơn nữa cho hệ thống trường nghề để học sinh được đào tạo có việc làm, thu nhập tốt từ đó thu hút ngược lại sự quan tâm của phụ huynh, học sinh.
Theo Thanh Hùng (VietNamNet)