Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình từng quảng bá là tác phẩm "khai thác góc nhìn hiện đại hơn về các mối quan hệ trong gia đình, đặc biệt là mẹ chồng - nàng dâu". Quả nhiên, phim mang đến cho khán giả nhiều trải nghiệm thú vị, khác hẳn với những bộ phim về cuộc sống nơi nhà chồng, chí ít là so với những bộ phim gần đây của VFC, gần nhất như Dưới Bóng Cây Hạnh Phúc. Đó là chuyện mẹ chồng bao dung, yêu thương con dâu, là những chị em dâu thương nhau như ruột thịt, là một nếp nhà có nhiều niềm vui mà tai ương chủ yếu xuất phát từ bên ngoài,... Thoạt nhìn qua thì đúng là vậy, thế nhưng trên thực tế, phim vẫn còn lồng ghép rất nhiều tư tưởng cổ hủ, định kiến về vai trò của từng người trong gia đình.
Phụ nữ tự nguyện gánh vác việc nhà
Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình tập 1 mở đầu bằng cảnh tượng bà Cúc tất bật đi chợ nấu đồ ăn sáng, Phương cũng vất vả lo toan công việc, trong khi đó, cánh đàn ông và cả Hà (một trường hợp ngoại lệ trong nhà) thì vẫn còn ngủ. Ngay từ cảnh phim đầu tiên, khán giả đã có thể thấy rõ được sự phân chia công việc trong gia đình này, rằng chị em phụ nữ phải là người làm và tự nguyện làm những công việc trong gia đình. Đàn ông dường như không cần đụng một ngón tay nào. Bất kể người phụ nữ đó, như chị Phương, có công việc ổn định, thậm chí còn là người gánh kinh tế trong nhà, thì sau đám cưới của chú út, chị vẫn phải là người tất bật trong bếp, trong khi chồng, em chồng và bố chồng thì nghỉ ngơi, thậm chí là tìm người đấm lưng cho mình.
Phải cho đến khi chị Phương mang bầu, vì từng sảy 2 lần, nên chị mới nhẹ gánh việc nhà. Nhưng người thay chị làm là mẹ chồng cùng sự hỗ trợ ít nhiều từ Hà, còn Công (chồng Phương) được tung hô chỉ vì tất bật đi chợ, gom góp hết tất cả những đồ ăn sẵn như bún, bánh, cháo,... về cho vợ ăn sáng. Không một ai trong nhà nghĩ đến việc phân chia chuyện bếp núc, nhà cửa trong thời gian Phương ốm nghén, thứ duy nhất khiến họ bận lòng là không ai trông cửa hàng tạp hóa.
Trong phim có một câu thoại, khi Danh tuyên bố từ nay mỗi tháng sẽ có một ngày dành cho các chị em phụ nữ, khi cánh đàn ông trong nhà sẽ tự nguyện lo việc gia đình. Nghĩa là chuyện "làm việc nhà" với bố con ông Thoại không phải trách nhiệm hiển nhiên, mà chỉ là một sự "ban ơn", khi các anh ngẫu hứng muốn vung tay hỗ trợ mẹ, vợ, chị mình. Lần hiếm hoi người ta thấy đàn ông nhà này vào bếp có lẽ là khi Danh sang nhà mẹ vợ, ghi điểm với mẹ khi đứng bếp để hai mẹ con Trâm Anh có thời gian hàn gắn yêu thương. Nhưng sau đó vẫn là khoảnh khắc Trâm Anh xắn tay lo việc bếp núc còn mẹ thì vô cùng hài lòng khi con gái mình đã trưởng thành (bằng việc biết lo toan việc nhà). Có thể thấy, tất cả các nhân vật trong phim đều hướng về một tư tưởng, rằng phụ nữ là phải nữ công gia chánh, sau đó hẵng tính đến chuyện ngoài cánh cổng gia đình, còn đàn ông thì nghiễm nhiên là được tận hưởng mỗi khi về nhà.
Lấy chồng là phải theo chồng
Chuyện Trâm Anh chọn sống với nhà chồng cho đến nay vẫn là vấn đề khiến khán giả khó chịu nhất ở Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình. Đương nhiên, chuyện lấy chồng theo chồng hay không là lựa chọn của mỗi người cũng là một hệ tư tưởng không có gì để chê trách ở ngoài đời nhưng đối với trường hợp của Trâm Anh thì nó thực sự "có vấn đề". Cách cô "giáng một cú đòn" quá đau đớn vào mẹ mình khi đột ngột thông báo không về sống chung nữa thực sự là một hành động quá nhẫn tâm.
Lý giải cho sự đường đột đó chỉ là "con vui" khi sống chung với gia đình chồng và muốn "thuận theo tự nhiên" khi đưa ra quyết định này. Không có lời lý giải hợp tình hợp lý nào, khi mà Trâm Anh chọn vui cho riêng mình và cho 8 con người ở nhà chồng mà quên đi niềm vui của mẹ. Nếu bà Ngọc có một người bạn đồng hành thì việc Trâm Anh ở với nhà chồng sẽ hợp tình hợp lý hơn nhiều, nhưng ở đây, bà Ngọc hoàn toàn đơn độc, không có bất kỳ ai để nương tựa trong căn nhà rộng lớn của mình. Không bắt buộc Trâm Anh phải ở với mẹ nhưng ở trường hợp này, nếu cô ở riêng để có thể lo cho cả hai gia đình, thì có lẽ sẽ ổn thỏa hơn, nhưng hơn hết, phim muốn quy tất cả về một mối để "thuận theo tự nhiên".
Tư tưởng lấy chồng là phải theo chồng trong phim vô cùng nặng nề, tới mức một đứa trẻ học cấp 1 như bé Long đã thấm nhuần nó, khi tuyên bố sau này có lấy vợ cũng sẽ ở nhà mình. Chính bởi vậy, nên mới có cảnh chia tay đẫm nước mắt ở đêm mà Danh chuẩn bị sang nhà vợ. Khoảnh khắc Danh thưa chuyện với bố, từng câu nói vô cùng cảm động nhưng lại được áp đặt những thành kiến nặng nề, rằng anh ta đang hi sinh vì vợ, để vợ vui nên mới một lần làm tổn thương bố mẹ. Những câu nói đậm chất hi sinh này như sát muối vào lòng Trâm Anh, khiến cô "quay xe" chỉ một khoảnh khắc, từ bỏ hoàn toàn ý định về sống với mẹ mình.
Vì Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình được xây dựng bằng những tình tiết hài hước, tương đối nhẹ nhàng nên dù cài cắm nhiều tư tưởng chưa thực sự hiện đại nhưng, khán giả lại không quá để ý. Thế nhưng không vì thế mà có thể để cho nó "trôi tuột", vì rõ ràng, phim chẳng hề "hiện đại" như cách mà ekip kể lể về nó từ ban đầu.
Theo Lệ An (Phụ Nữ Số)