Biếu Tết bố mẹ thực ra chỉ là một hành động thể hiện lòng hiếu thảo, sự quan tâm của con cái đối với đấng sinh thành. Biếu ít hay nhiều không quan trọng, nó phụ thuộc vào thực tế tài chính của mỗi người. Bởi chỉ cần con cái biết chăm lo, hướng về gia đình là bố mẹ đã mãn nguyện, ấm lòng rồi.
Tuy nhiên, nhiều người lại đặt quá nhiều áp lực vào chuyện biếu Tết, coi đó là thể diện của bản thân khiến vợ chồng mâu thuẫn. Từ đó làm không khí Tết bỗng nhiên trở nên căng thẳng không đáng có. Giống câu chuyện của người vợ trẻ tâm sự dưới đây:
"Chồng có tính sĩ diện hão, thu nhập ít nhưng chi tiêu hoang phí vô cùng. Kể ra lại buồn nhưng lấy anh ấy 5 năm nay, chẳng mấy khi em được nhìn thấy đồng lương của chồng. Kiếm được bao nhiêu anh toàn nướng vào bia rượu, tụ tập bạn bè. Đại khái chồng em chỉ quảng giao với bạn bè, thiên hạ còn vợ con sống thiếu thốn thế nào anh không quan tâm. Chẳng hạn đi đám cưới bạn, ngày trước người ta mừng vợ chồng em 300k, vài tháng sau họ cưới, chồng em phải mừng ít nhất 500k, còn không phải nhiều hơn thế. Tức là với anh ấy, đi sau phải lớn hơn đi trước mới giữ được thể diện. Em mà nói thì anh lại mắng vợ là đàn bà tính toán.
Trong họ có việc cần đóng góp cũng thế, chủ trương là dựa trên tinh thần tự nguyện nhưng chồng em lúc nào cũng phải ướm người ta góp 1 thì mình phải góp rưỡi hoặc gấp đôi. Không có tiền thì anh đi vay để đóng góp chứ nhất quyết không bao giờ chịu kém người khác.
Vì chuyện chi tiêu bất hợp lý của anh ấy mà chúng em cãi vã không ít lần. Song chiến tranh 'nóng lạnh' chán, chồng không chịu thay đổi, em cũng đành chấp nhận nặng gánh kinh tế chẳng hi vọng, trông ngóng gì tiền chồng đưa về.
Mệt mỏi nhất là ngày Tết. Tính chồng em sĩ, tiền ít mà lúc nào cũng thích tiêu nhiều để thể hiện bản thân. Đặc biệt là với bên nhà nội, Tết nào anh cũng mua sắm biếu ông bà linh đình như kiểu anh giàu có, dư giả lắm. Nói thật, nếu vợ chồng em có kinh tế, tất nhiên em sẽ không tính toán, tiếc tiền với bố mẹ. Đằng này lương lậu đã có hạn, tiền nhà nợ chưa trả xong, 2 đứa con ăn học, trăm thứ phải tiêu như thế mà chồng thì 'toàn bóc ngắn cắn dài', em phải gồng sức theo cũng đủ mệt.
Tết năm nay cũng vậy, công việc của anh ấy bị ảnh hưởng của dịch nên hầu như không có thu nhập. Mọi chi tiêu trong nhà dồn cả cho em gánh. Thế mà hôm vừa rồi nhận thưởng Tết, em bàn với chồng năm nay không có thì biếu ông bà nội ngoại đôi bên mỗi nhà 3 triệu. Vừa nghe em nói, chồng trợn luôn mắt: 'Biếu 3 triệu thì biếu làm gì cho mang tiếng. Bên nhà ngoại em biếu thế nào anh không quan tâm, nhà nội đã biếu là phải đàng hoàng. Mang 3 triệu đưa bố mẹ cho anh nhục mặt à. Còn anh em trong nhà nhìn vào nữa chứ, họ sẽ đánh giá anh thế nào'.
Lối suy nghĩ của chồng thực sự làm em nản. Bực lên em bảo luôn: 'Nếu anh thấy ít thì tự nghĩ cách thêm vào chứ sức em tới thế là cạn rồi. Anh cũng thừa hiểu kinh tế vợ chồng mình như thế nào. Sau Tết là tới hạn trả nợ tiền nhà, đủ thứ phải chi tiêu. Hơn nữa việc biếu Tết bố mẹ chẳng qua là thể hiện sự quan tâm của mình với các cụ. Quý là ở tấm lòng chứ không phải ở tiền biếu bao nhiêu, nhiều hay ít. Em có thế nào biếu thế đó. Điều quan trọng là bất cứ khi nào bố mẹ cần, em đều có mặt. Các cụ ốm đau em không bỏ mặc. Tiền nong không khẳng định được sự hiếu thảo của con cái đâu anh'.
Em nói xong quay luôn đi, hôm sau không nhắc lại chuyện tiền nong biếu xén nữa. Tuy nhiên sáng nay thấy vợ chuẩn bị đưa con về nội chơi, anh ấy gọi em bảo: 'Thôi, biếu Tết bố mẹ thế nào em cứ chủ động nhé, anh không tham gia. Miễn em cân đối hợp lý tài chính là được'.
Nghe vẻ những lời vợ nói đã có chút tác động tới chồng nên em cũng nhẹ lòng. Đấy, nhiều khi vợ chồng cũng phải va chạm, to tiếng thế mới ra vấn đề chứ không phải cứ nhịn mà được đâu".
Biếu Tết bố mẹ vốn là việc làm ý nghĩa thể hiện tình cảm của con cái dành cho người sinh ra mình. Song đúng như những gì người vợ trên nói, quà cáp tiền bạc chỉ là vật tượng trưng, quan trọng vẫn là tấm lòng hiếu thảo, sự quan tâm thật sự của con cái dành cho người sinh thành. Tùy thuộc vào khả năng kinh tế của bản thân, chúng ta không nên quá áp lực giá trị lớn nhỏ của quà biếu mà mất đi ý nghĩa của hành động đẹp đẽ này.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)