Càng những ngày cuối năm, các diễn đàn xã hội lại càng xôn xao bàn luận về chuyện đón Tết ở đâu. Người khoe được chồng tâm lý cho về ngoại, người than thở kết hôn 5, 6 năm chưa được về đón giao thừa với bố mẹ đẻ bao giờ. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng nói chung tâm lý của phụ nữ là mong được chồng tạo điều kiện cho thi thoảng được đón xuân bên bố mẹ đẻ của mình.
Cùng mang tâm sự ấy, mới đây một cô vợ trẻ đã vào group chung than thở về chuyện gia đình mình như sau: "Em cưới cũng hơn 5 năm rồi mà chưa bao giờ được về ngoại đón Tết. Năm đầu thì bảo dâu mới phải ở lại nhà chồng đón xuân. Năm thứ 2 sinh con, bố mẹ chồng giữ cháu bảo con đầu cháu sớm, Tết nhất phải có cháu đích tôn mới vui. Năm thứ 3 thì anh trai chồng ở nước ngoài về, chồng em cũng không cho đi vì chẳng mấy khi anh em trong nhà hội họp. Năm thứ 4 bố chồng ốm, em không được về. Cảnh lấy chồng xa như mất quê, nhiều khi tủi, gọi điện về nhà nghe giọng bố mẹ mà nhớ nhà tới rơi nước mắt. Mấy lần nói chuyện, chồng hứa năm nay sẽ cho vợ con về ngoại đón Tết làm em mừng thầm, háo hức từ đầu năm.
Vậy nhưng tới tháng cuối năm, em để ý chẳng thấy chồng đả động gì tới chuyện về ngoại. Sốt ruột, mấy lần em hỏi mà anh toàn chẹp miệng bảo từ từ để tính.
Hôm qua đi làm về, tự nhiên anh rút chục triệu đặt mặt bàn bảo vợ: 'Mai em chuyển khoản về biếu bố mẹ. Mọi năm biếu 5 triệu, năm nay anh biếu gấp đôi luôn. Như thế ông bà thoải mái mua sắm đón Tết, khỏi đòi hỏi con gái phải về nhé'.
Mặt anh lạnh băng nói với giọng trịnh thượng, nghe như ban phát tiền cho bên nhà vợ. Kiểu như 10 triệu đó sẽ giải quyết tất cả vấn đề. Ức quá em đáp lại: 'Anh nghĩ bố mẹ em thiếu tiền hay sao mà anh mang tiền ra mua thời gian em đoàn tụ với gia đình. Nói anh nghe, cái họ cần là được nhìn thấy con cháu, cùng con cháu quây quần bên mâm cơm giao thừa. 10 triệu kia không cần tới anh, tự em cũng có thể biếu bố mẹ được. Chẳng qua em muốn có sự thống nhất giữa hai vợ chồng cũng như em tôn trọng chồng nên mới hỏi ý kiến anh về chuyện về ngoại. Nhưng anh nói mà không biết giữ lời thì cũng đừng có trách về sau vợ ăn ở không đúng đạo'.
Vừa nói em vừa về phòng cầm cặp vé máy bay để mặt bàn: 'Tết này em nhất định đưa con về ngoại. Anh muốn thế nào là tùy'.
Chồng em ngây người nhìn đôi vé vợ đặt trước đó cả tháng. Anh không nghĩ rằng em đã tự chủ động đặt lịch như vậy. Chiều 29 bay ra, mồng 3 bay vào. Tiền biếu bố mẹ đẻ, em tự liệu không cần tiền của anh ấy. Đó cũng coi như thông báo ngầm đầu tiên với chồng rằng mọi việc em làm trước nay chẳng qua vì tôn trọng chồng. Còn lại thực sự em có thể sống độc lập tự chủ, tự em có thể định đoạt, chẳng cần phụ thuộc ai".
Xưa nay trong hôn nhân, đàn ông luôn mặc định "giao phó" cho phụ nữ vai trò là người "giữ lửa" hôn nhân, phải biết nhẫn nhịn chồng. Rằng "cơm sôi" phải biết "bớt lửa" thì gia đình mới ấm êm mà không quan tâm tới cảm xúc, suy nghĩ của vợ.
Mày râu cần biết, nhẫn nhịn nhiều sẽ tới lúc bão hòa, sức đè nén càng cao thì sự bộc phá càng mạnh. Anh chồng trong câu chuyện trên cũng vậy, sự vô tâm của anh khiến vợ phải "vùng dậy" như thế. Nếu anh biết đặt mình vào lập trường của vợ để suy nghĩ cho cô ấy, hẳn rằng vợ anh sẽ không chẳng bao giờ có màn "đứng lên", đanh thép tới thế.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)