Tết đến gần, trong các group kín của mạng xã hội thường được chia sẻ rất nhiều tâm sự của hội chị em bàn về việc biếu Tết bố mẹ hai bên. Ngoài những câu hỏi trao đổi "Tết nên biếu bố mẹ chồng thế nào cho hợp lý" thì cũng có không ít lời than thở từ chị em về việc chồng phân biệt nhà ngoại.
Chẳng hạn như câu chuyện sau: "Lấy chồng xong không còn biết tới cảm giác được đón Tết bên bố mẹ đẻ đã đành. Đến cảnh sắm Tết biếu nhà ngoại cũng bị chồng mang ra cân đong, khiến em bực không tả được.
Giá bảo em lấy chồng xa hẳn, Tết không được về ngoại đã đành. Đằng này nhà chồng cách nhà đẻ chưa đầy chục km mà năm nào cũng phải tận chiều mùng 3 mới được về ngoại. Nói thật, hôm ấy nhiều nhà làm cơm hóa vàng tiễn các cụ rồi, còn gì Tết nữa. Nhiều lần tủi thân, em đề nghị chồng cho về ngoại đón Tết 1 năm với bố mẹ từ chiều 30, hết ngày mồng 1 sẽ về nội. Tuy nhiên chồng em tính bảo thủ, anh ấy toàn bảo: 'Phụ nữ lấy chồng theo chồng. Tết phải ở nhà chồng đủ 3 ngày, sau muốn về ngoại hay đi đâu tôi không cấm'.
Không chỉ chuyện đón Tết ở đâu mà chuyện biếu tiền Tết bố mẹ hai bên anh cũng thiên vị kinh khủng. Năm nào cũng thế, nhận lương thưởng cuối năm là chúng em chia rõ ràng các khoản trong đó tiền biếu hai nhà là tách riêng, đưa trước Tết để bố mẹ chủ động mua sắm. Cận Tết vợ chồng được nghỉ, đưa nhau đi mua thêm gì thì mua.
Có điều khoản biếu này chồng em luôn phân biệt giữa hai bên nội ngoại. Bên nội năm nào anh cũng biếu 10 triệu, chưa tính các khoản lặt vặt mua thêm. Có lần biếu tiền mặt xong, anh còn mua biếu ông bà nội thêm chiếc tivi hơn chục triệu nữa. Trong khi đó, nhà ngoại vẫn chỉ vỏn vẹn đúng 3 triệu không bao giờ có tăng. Em mà ý kiến thì anh bảo, nội mới là nhà mình, đương nhiên phải lo nhiều hơn.
Năm nay cũng vậy, Tết dương anh biếu nhà nội 2 triệu, ngoại 500 nghìn em đã bực rồi. Hôm qua đi làm về, ngồi ăn cơm lão ấy kể sáng đã nhận được tiền công trình và mua biếu luôn ông bà nội chiếc ghế Massage, rồi chuyển khoản biếu ông bà nội 15 triệu nữa. Anh nói năm nay sẽ chi Tết cho bên nội thật tươm tất, đàng hoàng. Em cứ lặng yên ngồi nghe xem nhưng không thấy chồng đả động gì tới nhà ngoài nên hỏi. Vậy mà lão vừa ăn vừa thủng thẳng bảo: 'Thì cứ như mọi năm thôi'.
Song rồi lão hỏi khi nào vợ nhận thưởng tết. Em thản nhiên trả đáp: 'Em đã lấy nhưng tiêu hết rồi'. Lão trợn mắt hỏi em tiêu gì mà hết, em nói thẳng: 'Em mua biếu bố mẹ chiếc bếp từ 10 triệu, biếu tiền mặt 10 triệu'.
Chồng em trợn mắt quát vợ sao chi tiêu, biếu bố mẹ đẻ không bàn qua với chồng, lại còn vượt mức quy đinh mọi năm. Ức chế, em đặt đôi đũa trên tay xuống mâm bảo: 'Chẳng có quy định nào hết. Nội ngoại hai bên như nhau, trước giờ anh cư xử thiên vị quá rồi, giờ em không để ông bà ngoại chịu thiệt nữa. Với lại, anh nhận lương cũng đi mua thẳng đồ biếu ông bà nội có bàn qua với em đâu mà em phải thông báo với anh. Tốt nhất từ nay cứ bố mẹ ai người ấy chăm lo. Tết nhất bên nào người ấy sắm cho công bằng'.
Lão ấy nghe em nói thế nổi cáu bảo em ngang ngược. Em không nhịn, đáp rằng em ngang ngược cũng vì chồng. Trước giờ em nhẫn nhịn, anh không biết tôn trọng thì giờ em không nhịn nữa. Mạnh ai người ấy làm, không ai phụ thuộc ai. Đồng thời em cũng tuyên bố, Tết này em về ngoại đón Giao thừa, anh muốn sao là tùy.
Mấy hôm sau đó vợ chồng như mặt trăng mặt trời, giáp mặt không chào hỏi. Thực ra em chưa nhận thưởng Tết nhưng bực chồng em nói vậy và cũng sẽ thực hiện như thế để lão hiểu nội ngoại là phải như nhau.
Sau không biết có ai khuyên giải hay tự anh nghĩ thông mới chủ động nhắn tin thừa nhận rằng anh hành xử chưa thỏa đáng, chưa để ý tới cảm giác của vợ. Rồi bảo năm nay sẽ xin phép bố mẹ cho về ngoại đón Tết hôm 30, mùng 1, sáng mùng 2 về nội. Vậy là lịch trình đón Tết nhà em đã chốt rồi đó".
Biếu Tết bố mẹ là để thể hiện lòng hiếu thảo của con cái dành cho đấng sinh thành nên dù là chồng hay vợ đều cần có sự quan tâm công bằng. Chỉ cần "cán cân" lệch đi một chút là rất dễ dẫn tới mâu thuẫn, bất đồng giữa đôi bên. Do vậy, vợ chồng cần phải có sự thống nhất hài hòa để nội ngoại đều được ấm lòng, vợ chồng cũng có cái Tết đầm ấm, đoàn viên theo đúng nghĩa.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)