Vải thiều, đặc biệt là vải thiều Bắc Giang đang vào giai đoạn chính vụ. Rẻ, ngon, nhiều lợi ích sức khỏe, thậm chí là có công dụng làm đẹp da khi dùng đúng cách, ai ai cũng muốn ăn vải thiều, thậm chí ăn thật nhiều trong giai đoạn chính vụ.
Điều này đã được Đông y ghi nhận: cùi vải vị rất ngọt, không độc, có tác dụng ích tâm, ôn tỳ, tư thận, bổ huyết, dưỡng can, trừ phiền khát, làm tỉnh táo tinh thần, minh mẫn trí óc, tăng sức lực, tăng thân nhiệt, trừ hàn, tráng dương, tiêu thũng, làm đẹp nhan sắc.
Thế nhưng, điều ấy chỉ đúng khi bạn sử dụng đúng cách. Ăn vải cũng cần chú ý số lượng, thời điểm... để đạt được lợi ích sức khỏe. Người khỏe mạnh bình thường đã vậy nên với những đối tượng có bệnh lý trong người... càng cần chú ý hơn khi ăn loại quả này. Dưới đây là danh sách nhóm đối tượng không nên hoặc cần hạn chế ăn vải để tránh gặp nguy hại sức khỏe:
1. Bệnh nhân tiểu đường
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Viện phó Viện dinh dưỡng quốc gia), vải thiều không phải là hoa quả được khuyến khích cho người bệnh tiểu đường. Bởi lẽ, trong cùi quả vải có nhiều đường glucoza, nếu ăn lượng lớn vải tươi một lúc có thể khiến lượng lớn đường glucoza vào máu vượt quá khả năng hấp thu chuyển hóa của gan.
Khi lượng đường glucoza tăng đột biến, dễ làm tăng đường huyết nhanh. Điều này rất không có lợi cho những người bị bệnh tiểu đường. Tốt nhất bệnh nhân tiểu đường nên kiêng thứ quả siêu ngọt ngào này.
2. Người đang bị nóng trong, mắc bệnh có đờm
Giới chuyên gia công nhận, vải là một loại quả nổi tiếng có tính nóng do hàm lượng trong vải rất cao. Khi cơ thể bị nóng trong, ăn vải thiều sẽ khiến mụn hay những vết ban đỏ xuất hiện. Ngoài ra, những người có các bệnh dễ nhiễm cảm, người đang mắc bệnh có đờm, người đang bị thủy đậu, mụn nhọt, rôm sảy, chắp lẹo mắt … cũng nên hạn chế mức tối đa việc ăn vải.
3. Người thừa cân, béo phì
Theo Viện Dinh dưỡng, vải là một loại quả chứa lượng đường rất cao, trong vải chứa 66% đường glucose, 5% đường saccharose, chứa tổng đường trên 70% - đứng hàng đầu trong các loại cây ăn trái. Hàm lượng đường cao trong quả vải là nguyên nhân khiến người thừa cân, béo phì sẽ càng khó kiểm soát cân nặng. Đó là lý do nhiều người mê ăn nhiều vải thường béo lên trông thấy sau mỗi mùa vải.
4. Người đang bị đói
Nhiều người cho rằng vải là trái cây siêu ngọt nên có thể ăn để chống đói, ăn vào lúc đang đói thì bụng sẽ nhanh chóng được lấp đầy. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, việc ăn vải khi bụng đang đói chỉ khiến cơ thể đột ngột ngấm quá nhiều đường, người ăn nhanh chóng xuất hiện hiện tượng nôn nao, hoa mắt, chóng mặt, bủn rủn chân tay, buồn nôn và nôn... Dân gian gọi đây là hiện tượng "say vải".
Chưa kể, ăn vải khi bụng đói, đường tăng cao đột ngột khiến nguy cơ viêm nhiễm, nóng trong, phát ban... càng có cơ hội bùng phát mạnh. Do đó, tốt nhất chỉ nên ăn vải sau các bữa ăn để tránh những hiện tượng không mong muốn này.
5. Phụ nữ mang thai mắc chứng tiểu đường thai kỳ
Theo TS Lâm, nếu ăn vải có chừng mực thì vải rất tốt cho bà bầu vì vải chứa rất nhiều vitamin C, kali, chất chống oxy hóa có lợi cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, trước khi ăn, bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ về lượng nên ăn.
Tuy nhiên, nếu bạn mắc chứng tiểu đường thai kỳ thì cần thiết phải kiêng ăn vải vì lượng đường tăng cao có thể khiến tình trạng bệnh tiểu đường thai kỳ trở nên nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng lớn đến em bé trong bụng.
6. Trẻ em cần thận trọng khi ăn để tránh bị hóc
Đối với trê em, vải là loại quả có nguy cơ dễ bị hóc, gây tắc nghẽn đường thở, có thể tử vong nhanh chóng.
Do đó, giới chuyên gia khuyến cáo cần hết sức chú ý khi cho trẻ ăn vải, đặc biệt phải kiểm soát số lượng, thời điểm ăn cũng như quả vải đảm bảo chất lượng hay không.
Theo HH (Pháp Luật & Bạn Đọc)