Có khả năng nhiễm HIV sau một lần đi uống trà vải?
Mới đây, tài khoản C.T.T.N đã chia sẻ trên trang cá nhân Facebook câu chuyện của nhóm mình khi đi uống trà vải tại một thương hiệu khá nổi tiếng ở Sài Gòn. Theo đó, khi uống gần hết cốc, một người bạn trong nhóm của N. phát hiện trong cốc nước của mình có 1 miếng băng keo cá nhân. Khi thăm khám tại bệnh viện Nhiệt Đới, bác sĩ phân tích tình trạng miếng băng keo cá nhân đã qua sử dụng, có khả năng dính máu rất cao nên chủ nhân ly nước trên hoàn toàn có khả năng bị phơi nhiễm với các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan hay HP…
Xin trích lại chia sẻ của C.T.T.N về sự việc này:
"Cách đây hơn 2 tuần tụi mình có uống … tại cửa hàng Huỳnh Thúc Kháng (Sài Gòn), sau khi uống gần hết ly thì tụi mình phát hiện ra 1 miếng băng keo cá nhân đã sử dụng ở trong ly trà vải. Ngay sau đó tụi mình báo với quản lý cửa hàng, yêu cầu phía công ty đem miếng băng keo cá nhân đi xét nghiệm và lập tức đưa bạn mình đi 1 vài bệnh viện gần nhất để kiểm tra.
Qua các bệnh viện Quận 1, bệnh viện Sài gòn thì bác sĩ đều khuyên tụi mình qua bệnh viện Nhiệt Đới, vì nơi đây chuyên về lây nhiễm để tiến hành kiểm tra. Sau khi khám tại bệnh viện Nhiệt Đới, với tình trạng miếng băng keo cá nhân đã qua sử dụng, tức là có khả năng dính máu rất cao thì bệnh nhân hoàn toàn có khả năng bị phơi nhiễm với các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan hay HP.... nên bác sĩ đã ngay lập tức kê đơn thuốc phòng chống phơi nhiễm với liều dùng 28 ngày để đảm bảo hiệu quả tốt nhất của loại thuốc này. Và phải đợi sau 3 tháng thì mới đủ thời gian để xét nghiệm ra kết quả chính xác là có bị lây nhiễm hay không? Tụi mình đã rất sốc với chẩn đoán này của bác sĩ. Không ai nghĩ mình có thể bị nhiễm những bệnh đó chỉ vì 1 ly trà vải".
Bài viết của C.T.N.T đã lập tức gây xôn xao trên mạng xã hội, rất nhiều người để lại bình luận lo lắng vì trà vải là món đồ uống nhiều người yêu thích, thương hiệu mà vị khách hàng trên đến uống cũng vô cùng nổi tiếng. Hơn nữa, cũng chẳng ai ngờ chỉ qua 1 lần đi uống trà vải lại phải ôm nỗi lo ngay ngáy liệu mình có mắc căn bệnh thế kỷ -HIV hay không?
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Bình, giảng viên y học trường Đại học Đông Đô, việc các bác sĩ kê cho bệnh nhân đơn thuốc phòng chống phơi nhiễm với liều dùng 28 ngày để tránh HIV, viêm gan, HP… là chính xác và cẩn thận.
Tuy nhiên, bệnh nhân không nên quá lo lắng vì tỉ lệ nhiễm HIV trong trường hợp này vô cùng thấp. Virus HIV phát triển mạnh trong người nhưng lại khó tồn tại ở môi trường bên ngoài, nếu có tồn tại thì khi đi vào cơ thể sẽ bị dịch dạ dày tiêu diệt hết. Chuyên gia khẳng định rủi ro có thể xảy ra nhưng tỉ lệ vô cùng thấp. Bệnh nhân trên hãy áp dụng đơn thuốc mà các bác sĩ đã kê, kết hợp với việc xét nghiệm kết quả sau 3 tháng để yên tâm nhất cho sức khỏe.
"HIV trong trường hợp này rất khó xảy ra, nếu có thì chỉ đáng lo đến 1 số bệnh về đường ruột, hệ tiêu hóa mà thôi", bác sĩ Nguyễn Đình Bình chia sẻ.
Vậy HIV lây qua những con đường nào?- Đường máu:
Theo các chuyên gia, con đường lây lan HIV nhanh nhất là truyền máu trực tiếp từ người bị bệnh HIV sang người bình thường. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm gặp bởi trước khi lấy máu phải qua quá trình xét nghiệm xem có đủ điều kiện truyền hay không.
HIV có thể lây truyền qua việc sử dụng chung bơm kim tiêm với người nhiễm HIV.
- Quan hệ tình dục:
Người mang virus HIV khi quan hệ tình dục sẽ lây truyền cho bạn tình. Tỷ lệ lây nhiễm HIV cho mỗi lần quan hệ không bảo vệ ước tính 0,1% đến 1%. Tỷ lệ này sẽ gia tăng theo tần suất quan hệ.
Quan hệ tình dục có bảo vệ bằng bao cao su vẫn có nguy cơ lây nhiễm HIV nhưng tỷ lệ thấp hơn hẳn, bao cao su làm tăng độ an toàn lên đến 90-95% nếu thực hành đúng cách.
Quan hệ bằng miệng ít có khả năng lan truyền bệnh nhưng, trong miệng có lở xước hay chảy máu răng mà không biết thì HIV vẫn có khả năng lây bệnh.
- Truyền từ mẹ sang con
Nếu mẹ mắc HIV thì sinh con có 30% khả năng lây nhiễm do nhận dinh dưỡng qua nhau thai, qua máu… Tuổi đời của trẻ dương tính với virus HIV chỉ kéo dài đến khoảng 3 năm.
Những con đường không lây nhiễm HIV
- Muỗi đốt: Virus HIV không sống và sinh sản trong cơ thể muỗi.
- Hôn: Các chất dịch trong cơ thể như nước bọt của người nhiễm HIV chỉ có một lượng virus rất nhỏ, không đủ để phá hủy cơ thể người.
- Các tiếp xúc thông thường: Virus HIV chỉ lây truyền qua đường máu vì vậy các tiếp xúc như cùng ǎn uống, mặc chung quần áo, hắt hơi, bơi chung bể bơi, dùng chung nhà vệ sinh... đều không bị nhiễm HIV.
Cách phòng tránh lây nhiễm HIV ai cũng cần nhớ
- Không quan hệ tình dục bừa bãi, chung thủy 1 vợ 1 chồng.
- Nếu quan hệ với người chưa rõ có bị nhiễm HIV hay không cần thực hiện biện pháp tình dục an toàn để bảo vệ bản thân.
- Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.
- Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu...
- Người phụ nữ bị nhiễm HIV không nên có thai, nếu đã có thai thì không nên sinh con. Nếu muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV cho con.
Theo Đỗ Đỗ (Trí Thức Trẻ)