Nữ sinh nhập viện tâm thần sau tháng nghỉ hè vì lý do này, bác sĩ cảnh báo điều cực nguy hiểm với trẻ khi nghỉ hè

02/06/2023 14:35:49

Thời gian nghỉ hè, nếu phụ huynh không có kế hoạch quản lý trẻ tốt, để con sa đà vào mạng xã hội sẽ rất nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn tới các rối loạn tâm thần.

Hiện học sinh các trường đã bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè, đây cũng là khoảng thời gian đau đầu với phụ huynh, đặc biệt là việc quản lý trẻ tránh xảy ra tai nạn thương tích và một vấn đề nguy hiểm không kém là tránh xa thiết bị điện tử. TS.BS Trần Thị Hồng Thu - PGĐ Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, việc cấm tuyệt đối trẻ không tiếp xúc với điện thoại, tivi, máy tính dường như là điều không thể. Do vậy, phụ huynh nên quản lý thời gian xem của con cho phù hợp, đặc biệt tạo sân chơi bổ ích cho trẻ để con vừa có thêm kiến thức, vừa được nghỉ hè đúng nghĩa.

TS Hồng Thu cảnh báo, việc bố mẹ mải mê công việc, giao điện thoại cho con để trẻ chịu vâng lời là đang tự hại con mình. Ngược lại, phụ huynh vì bận việc mà ép con học thêm nhiều cũng không tốt. Cả hai cách đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của con, thậm chí từng có trẻ phải nhập viện vì những vấn đề này.

Nữ sinh nhập viện tâm thần sau tháng nghỉ hè vì lý do này, bác sĩ cảnh báo điều cực nguy hiểm với trẻ khi nghỉ hè
Cần xây dựng kế hoạch hoạt động hè bổ ích cho trẻ để tránh xa điện thoại, máy tính. (Ảnh minh họa)

Viện Sức khỏe Tâm thần đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân lứa tuổi học đường phải điều trị do sử dụng mạng xã hội quá nhiều. Điển hình như trường hợp một nam học sinh (14 tuổi) nhập viện khi chuẩn bị kết thúc kỳ nghỉ hè với các biểu hiện co giật, rối loạn phân ly. Theo chia sẻ từ gia đình, nam sinh này có từng sử dụng facebook rất nhiều, có thời điểm 10 tiếng mỗi ngày. Thấy vậy, gia đình đã thu điện thoại, cấm con lên mạng xã hội, sau đó, cháu  xuất hiện các cơn co giật và được đưa vào Viện Sức khỏe tâm thần.

Hay một trường hợp khác là nữ sinh 17 tuổi, ở Hà Nội cũng phải nhập Bệnh viện Tâm thần Trung ương I điều trị vì "nghiện" mạng xã hội. Trong thời gian nghỉ hè, nữ sinh "nghiện" dùng Facebook đến mức rối loạn cả nhịp sinh học của bản thân. Trước khi vào viện, em thường xuyên thức đến 1-2 giờ sáng để “đếm like” các hình ảnh mình đăng trước đó. "Nhiều lúc mệt quá em ngủ thiếp đi, nhưng giấc ngủ chập chờn, chỉ cần nghe tiếng thông báo từ điện thoại là lại bật dậy vào mạng xem ai like, ai bình luận gì", cô bé tâm sự.

Thậm chí, khi những bức ảnh đăng tải lên có ít tương tác, nữ sinh này tỏ ra cáu kỉnh, không bằng lòng với điều đó, thậm chí là bỏ cả ăn uống. Đến khi trẻ sụt cân, có dấu hiệu như nói nhảm, ít giao tiếp với những người xung quanh, gia đình đưa vào viện thăm khám thì phát hiện con bị trầm cảm, có ảo thanh, luôn cảm thấy có người mắng chửi trong đầu.

Nữ sinh nhập viện tâm thần sau tháng nghỉ hè vì lý do này, bác sĩ cảnh báo điều cực nguy hiểm với trẻ khi nghỉ hè - 1
TS.BS Tô Thanh Phương đang chỉ đạo điều trị cho một bệnh nhân trầm cảm do dùng quá nhiều mạng xã hội. Ảnh: Lê Phương.

PGS.TS Tô Thanh Phương, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, việc xem quá nhiều điện thoại, máy tính hay giao tiếp quá nhiều với thế giới ảo sẽ khiến việc tương tác, giao tiếp thật bị giảm đi, từ đó ảnh hưởng đến tư duy, vốn kiến thức và trải nghiệm của trẻ. Đặc biệt, khi thế giới thật không được như ý, giới trẻ càng xa lánh nó để đắm chìm vào thế giới ảo.

“Có một thực tế đáng buồn là rất nhiều người, nhất là người trẻ khi quên không làm bài hay hoàn thành việc gì đó, quên ví tiền... thì tặc lưỡi cho qua và thấy không vấn đề gì nhưng khi quên điện thoại thì họ như điên cuồng không thể chịu đựng được. Hoặc có những người khi bật máy tính việc đầu tiên là vào mạng xã hội, vì lý do nào đó tài khoản lỗi không vào được, họ bồn chồn, suy nghĩ, không làm được gì… Đây là vấn đề đáng báo động và cũng là dấu hiệu của tâm thần. Đặc biệt, những trẻ đang độ tuổi tới trường, chưa phát triển đầy đủ về tư duy, nhận thức, chưa trưởng thành về suy nghĩ sẽ rất dễ bị ảnh hưởng, tổn thương khi ngập chìm trong thế giới ảo”, PGS Tô Thanh Phương chia sẻ.

Ông Phương cho rằng, sống trong thế giới phẳng không thể cấm mạng xã hội và học sinh cần mạng xã hội để học tập, kết nối. Vì thế bố mẹ cần phải hướng dẫn con, thậm chí ngay bản thân phụ huynh cũng phải làn người khôn ngoan khi dùng mạng thì mới nhắc nhở được con. Theo đó, khi dùng mạng cần biết cân bằng, biết chọn bạn trên mạng xã hội, không tham gia quá nhiều hội nhóm, hạn chế các ứng dụng để không bị xa đà. Hãy dùng mạng xã hội như một cách liên lạc, thông tin với bạn bè thay vì ăn, ngủ với nó như hiện nay.

Nếu có 4/6 dấu hiệu dưới đây khi dùng mạng xã hội thì cần đi khám để được can thiệp tâm lý:

- Bạn dành nhiều thời gian suy nghĩ về mạng xã hội hoặc lên kế hoạch sử dụng nó.

- Bạn cảm thấy một sự thúc giục sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều.

- Bạn sử dụng mạng xã hội để quên đi các vấn đề cá nhân.

- Bạn đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng mạng xã hội mà không thành công.

- Bạn trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng mạng xã hội,

- Bạn sử dụng mạng xã hội nhiều đến nỗi nó gây tác động tiêu cực đến công việc/học tập của bạn.

Theo Lê Phương (Tri thức & Cuộc sống)