Tiến sĩ Jeff Lambert, người dẫn đầu nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Bath, cho biết: “Mạng xã hội là cuộc sống đối với nhiều người, nó là một phần không thể thiếu trong việc định hình họ là ai và cách họ tương tác với người khác. Nhưng nếu bạn đang dành hàng giờ mỗi tuần cho mạng xã hội và bắt đầu cảm thấy có những ảnh hưởng tiêu cực, bạn nên cắt giảm mức sử dụng để xem liệu nó có hữu ích hay không”.
Những người tạm dừng sử dụng các nền tảng như TikTok, Instagram, Twitter và Facebook trong một tuần cho biết họ cảm thấy hạnh phúc hơn.
Các nhà nghiên cứu tiến hành thử nghiệm với 154 người từ 18-72 tuổi thành. Họ được chia thành hai nhóm, một nhóm bị cấm sử dụng mạng xã hội trong khi nhóm còn lại thì không. Những người tham gia được hỏi về mức độ lo âu và trầm cảm cũng như cảm giác hạnh phúc, sử dụng ba bài kiểm tra được công nhận.
Họ được yêu cầu đánh giá mức độ đồng ý của mình với những câu hỏi như “Tôi cảm thấy lạc quan về tương lai” và “Tôi đã suy nghĩ rõ ràng” để đo lường sức khỏe.
Để đo mức độ trầm cảm, những người tham gia được hỏi các câu hỏi bao gồm tần suất bị ảnh hưởng vì cảm giác mất hứng thú trong suốt hai tuần qua.
Sự lo lắng được theo dõi bằng Thang điểm rối loạn lo âu chung, hỏi về mức độ thường xuyên một người bị làm phiền vì cảm thấy lo lắng, căng thẳng, hoặc mất khả năng kiểm soát lo âu.
Những người tạm dừng sử dụng một tuần trên mạng xã hội nhận thấy sức khỏe của họ tăng từ mức trung bình 46 lên 55,93 trên Thang đo sức khỏe tinh thần Warwick-Edinburgh. Mức độ trầm cảm của nhóm này giảm từ 7,46 xuống 4,84 trong Bảng câu hỏi sức khỏe bệnh nhân trong khi lo lắng giảm từ 6,92 xuống 5,94.
Tiến sĩ Jeff Lambert cho biết những thay đổi này thể hiện sự cải thiện ở mức trung bình đối với chứng trầm cảm và sức khỏe cũng như cải thiện một chút về chứng lo âu.
Ông Lambert cho biết: “Nhiều người tham gia thử nghiệm đã báo cáo những tác động tích cực từ việc không sử dụng mạng xã hội với tâm trạng được cải thiện và ít lo lắng hơn về tổng thể. Điều này cho thấy rằng ngay cả chỉ một khoảng thời gian nghỉ ngơi nhỏ cũng có thể có tác động tốt”.
Nghiên cứu cho biết số người trưởng thành ở Anh sử dụng mạng xã hội đã tăng từ 45% năm 2011 lên 71% năm 2021 và đạt 97% ở những người từ 16 đến 44 tuổi. Cuộn nội dung là hoạt động phổ biến nhất mà người dùng mạng xã hội thực hiện. Kết quả nghiên cứu trước đây ở cả Mỹ và Anh đều cho thấy việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên làm tăng tỷ lệ trầm cảm và mức độ lo lắng.
Nhưng vẫn chưa xác định được liệu việc sử dụng mạng xã hội có dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần hay không. Trong tương lai, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tìm ra tác động của việc tạm dừng sử dụng mạng xã hội đối với các phân đoạn dân số cụ thể, chẳng hạn như những người trẻ hơn và những người có tình trạng sức khỏe về thể chất và tinh thần.
Họ cũng hy vọng sẽ theo dõi mọi người để xem liệu lợi ích của việc tạm ngừng sử dụng mạng xã hội kéo dài bao lâu. Việc nghỉ ngơi trên mạng xã hội có thể trở thành một trong những khuyến nghị lâm sàng để giúp mọi người kiểm soát sức khỏe tâm thần của mình.
James Duigan, một huấn luyện viên cá nhân và tác giả về sức khỏe nổi tiếng thế giới đã chia sẻ các mẹo của mình về cách thực hiện cai nghiện kỹ thuật số.
Mạng xã hội có thể giúp kết nối nhiều người với nhau và cung cấp nguồn cảm hứng từ những chia sẻ tích cực. Nhưng mặt trái của chúng là một mối phiền toái liên tục, một sự phân tâm thường xuyên và ngăn cản bạn sống trong hiện tại.
Việc đầu tiên, hãy thay thế cơn nghiện bằng một thứ khác. “Sử dụng một ứng dụng có tên Freedom để chặn các ứng dụng Instagram, Facebook và Twitter”, ông Duigan đề xuất. Ứng dụng cho phép chọn khoảng thời gian bạn muốn chặn một số ứng dụng nhất định.
Bước thứ hai rất đơn giản: chỉ cần đăng xuất. Tạo thêm một “rào cản” giữa bạn và nguồn cấp dữ liệu sẽ giúp chống lại sự lôi cuốn của việc cuộn nội dung không ngừng.
Bước thứ ba là bắt kịp thực tại và đảm bảo rằng bạn đang theo dõi những gì đang diễn ra xung quanh mình. “Không có ảnh tự chụp, không boomerang. không Snapchat, ít nhất trong một ngày. Đừng đánh mất khoảnh khắc bằng cách cố gắng nắm bắt nó. Hãy sống trong khoảnh khắc và chúng sẽ tồn tại mãi mãi trong ký ức”, Duigan chia sẻ.
Theo Hương Dung (VietNamNet)