Trước mặt người khác bị chồng tỏ thái độ coi thường, bất cứ người vợ nào cũng sẽ thấy bị tổn thương.
Phải sống bên người chồng vô tâm như thế, mới đây một người vợ đã vào mạng xã hội tâm sự câu chuyện hôn nhân của mình với nội dung như sau:
"Cưới xong, chồng em giục vợ đẻ ngay nhưng khi em bầu bí thì lại chẳng quan tâm hỏi han gì. 3 tháng đầu em nghén, ngửi mùi thức ăn là nôn mật xanh mật vàng, thế mà vẫn phải ngày nấu đủ 2 bữa sáng, tối phục vụ chồng. Có hôm em nôn nhiều bị mệt, bảo chồng nấu thay thì anh ấy sẵng ngay giọng bảo vợ rằng: 'Làm như mình cô chửa đẻ không bằng'. Nghe những câu ấy của chồng, thật sự em tổn thương kinh khủng".
Cô vợ kể rất nhiều tình huống, chi tiết vô cùng nhỏ nhặt trong sinh hoạt hàng ngày của chồng mà lúc dồn nén lại, cô uất ức không chịu nổi: "Vợ đẻ chưa đầy 1 tháng mà ngày phải lo cơm nước quần áo, đêm ôm con. Thậm chí em bị tắc tia sữa sốt 40 độ, nằm đắp chăn rên anh cũng mặc kệ".
Mọi việc bắt đầu trở nên căng thẳng khi con của họ được 3 tháng. Bố đẻ cô lên trước vài hôm, bố mẹ chồng không sang được. Ở chơi vài ngày thấy con gái cứ tất bật lo cơm nước, làm mọi việc xoay như chong chóng còn con rể chỉ nằm chơi điện tử, ông thương con lắm nhưng vẫn giữ im lặng. Khi chỉ có 2 bố con, ông mới hỏi "thường ngày hiện tượng này vẫn xảy ra à" thì chỉ nhận về sự lảng tránh của cô con gái.
"Hôm cúng mụ cho con xong, em hạ lễ để cả nhà ngồi ăn, lúc sắp mâm thiếu mất bát nước mắm, chồng em hỏi vợ trước mặt bố: 'Đồ luộc không có nước chấm thì ăn nhạt à?'.
Em thấy thế đứng lên đi lấy mắm, anh quay sang bố bảo: 'Vợ con chỉ được vậy thôi đó, chẳng bao giờ làm gì được chỉn chu. Chẳng lẽ lúc nào cũng nhắc'.
Bố em nhìn còn rể cười bảo: 'Vậy con còn muốn vợ mình phải như thế nào nữa. Mấy ngày lên đây, bố chứng kiến con gái bố vất vả tối ngày, vừa chăm con vừa chăm chồng trong khi vừa mới sinh được vài tháng. Con thì ngược lại, là đàn ông sức dài vai rộng lại chẳng đỡ đần gì vợ.
Điều bố thấy không ổn nhất ở con gái mình chính là nó không biết cách bảo chồng cùng chia sẻ gánh nặng cuộc sống mà cứ âm thầm chịu đựng vất vả.
Nếu con nghĩ đàn ông là trụ cột gia đình thì điều đầu tiên một 'trụ cột' cần phải làm đấy là san sẻ gánh nặng với vợ. Bởi cửa nhà có ấm êm, vợ con con có hạnh phúc thì gia đình của con mới bền vững, mới cần tới cái 'cột nhà' con ạ. Đổi lại, vợ con vất vả, tình cảm vợ chồng không đầm ấm thì 'cột nhà' có như không, chẳng để làm gì'.
Chồng em nghe bố vợ nói vậy ngồi im không nói năng gì. Em tưởng anh ấy sẽ để bụng ghét ông nhưng tí ngồi ăn, anh vẫn vui vẻ gắp đồ mời bố. Sau khi bố về, anh ấy thay đổi thái độ, biết cùng vợ chăm con, đỡ việc nhà cho em chứ không như trước nữa".
Trong hôn nhân nếu cứ 1 người cố gắng vun đắp, 1 người quay lưng thì sẽ chẳng thể hái được "trái ngọt". Phụ nữ có thể vì chồng mà gồng mình gánh vác mọi việc, không quản khó khăn nhưng sức người có hạn, sự cố gắng của bất cứ người vợ nào cũng cần có chồng ở bên trân trọng, ghi nhận và san sẻ. Nếu phải đơn thương độc mã gắng gượng trong cô độc, phụ nữ sẽ mệt mỏi mà buông tay. Mong rằng cánh mày râu hãy hiểu và tôn trọng mọi hi sinh của vợ mình hơn.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)