10 biến chứng nguy hiểm hậu COVID-19, F0 khỏi bệnh không được chủ quan

25/02/2022 14:25:35

Hậu COVID-19 không chỉ diễn ra ở người lớn mà còn diễn ra ở trẻ nhỏ. Nhiều trường hợp có thể gặp biến chứng về đường hô hấp, tim mạch… thậm chí là tử vong.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), hội chứng hậu COVID-19 là tình trạng xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán khác. Tình trạng này khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội.

Trong số những người bị hậu COVID-19, khoảng 21% có các triệu chứng về chức năng phổi bất thường, 24% có các triệu chứng thần kinh và rối loạn chức năng khứu giác và 55% than phiền về các triệu chứng mệt mỏi và đau mãn tính.

Có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân đã trải qua điều trị hồi sức tích cực. Đa số là rối loạn nhẹ, tuy nhiên, có một số triệu chứng cực kỳ nguy hiểm sau:

1. Biến chứng phổi: Ho khan, khó thở kéo dài dẫn tới việc phụ thuộc thở oxy. Tình trạng này do người bệnh bị xơ phổi không hồi phục (1 hoặc 2 bên phổi). Đặc biệt, tình trạng suy hô hấp sẽ càng trầm trọng trên nền người bệnh có sẵn bệnh lý hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, lao phổi, hen phế quản, viêm phế quản mãn tính…

10 biến chứng nguy hiểm hậu COVID-19, F0 khỏi bệnh không được chủ quan

2. Biến chứng về huyết học: Tắc mạch máu do cục máu đông, dẫn tới các di chứng nặng nề như tắc mạch não, mạch phổi, mạch vành của tim, mạch thận, nguy cơ cao ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh dù được chẩn đoán khỏi COVID-19.

3. Biến chứng trên hệ tiêu hoá: Nôn, buồn nôn, đau bụng quặn, đi ngoài nhiều lần hoặc táo bón kéo dài. Nguyên nhân do rối loạn dẫn truyền của đường ruột, mất nước điện giải do sốt…Ngoài ra, các triệu chứng nhẹ hơn như ăn không ngon, mất hoặc giảm vị giác, khứu giác dẫn tới chán ăn, đau thượng vị…đều được ghi nhận với khoảng 15% số người bệnh.

4. Biến chứng trên hệ tim mạch: như đã nói, cục máu đông có thể gây tắc mạch vành, dẫn tới nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim (tim đập nhanh, đánh trống ngực).

5. Biến chứng thần kinh: lo lắng, stress, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, thay đổi tâm trạng tiêu cực. Thậm chí, có thể suy giảm trí nhớ (kể cả người trẻ), chứng sương mù não (giảm nhận thức, đọc chậm, giảm trí nhớ ngắn hạn), nặng hơn nữa là đột quỵ

6. Biến chứng thận: viêm thận kéo dài, dẫn tới suy thận.

7. Biến chứng nội tiết: đái tháo đường, suy giáp.

8. Biến chứng trên da: ban đỏ, viêm da, mề đay, rụng tóc.

10 biến chứng nguy hiểm hậu COVID-19, F0 khỏi bệnh không được chủ quan - 1

9. Biến chứng trên cơ xương khớp: đau nhức cơ, yếu cơ, mỏi cơ, viêm khớp. Có khoảng 50-70% các trường hợp sau khi xét nghiệm virus SARS-CoV-2 âm tính nhưng vẫn còn tình trạng đau mỏi cơ khớp. Dù điều này không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng lại gây rất nhiều phiền toái trong công việc lẫn sinh hoạt hàng ngày.

10. Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) ở trẻ em: gây viêm sâu khắp cơ thể của trẻ, 80% sẽ ảnh hưởng tới tim và trên 50% có nguy cơ suy tim trái khi mắc hội chứng này. Nhiều trẻ sau khi xét nghiệm âm tính 5-14 ngày lại xuất hiện diễn biến nặng, phức tạp, điều trị khó khăn và có tỷ lệ tử vong cao.

Đặc biệt, đối với những người có sẵn bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là người mắc bệnh hô hấp đã kể trên, di chứng hậu COVID-19 có thể khiến tổn thương vốn có đó trở nên nặng hơn.

Bên cạnh đó, một số người khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 nghiêm trọng có thể xuất hiện những bất thường cận lâm sàng như tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn nội tiết tố tuyến giáp, giảm độ lọc cầu thận; rối loạn chức năng hô hấp…

Các triệu chứng "báo động đỏ" cần nhập viện ngay

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có những biến chứng y khoa nhất định có thể phát sinh trong quá trình phục hồi Covid-19 mà cần sự thăm khám y tế khẩn cấp. Việc quan trọng là cần liên hệ với nhân viên y tế nếu bạn xuất hiện bất kỳ triệu chứng "báo động đỏ" nào.

- Trở nên khó thở khi hoạt động nhẹ mà tình trạng không cải thiện khi thay đổi bất kỳ tư thế nào để làm giảm triệu chứng khó thở được;

- Có sự thay đổi tình trạng khó thở khi nghỉ ngơi mà không thấy đỡ hơn khi thực hiện các kỹ thuật kiểm soát đường thở;

- Cảm thấy đau ngực, tim đập nhanh hoặc chóng mặt khi ở một số tư thế hoặc trong quá trình tập luyện hay hoạt động thể lực;

- Tình trạng lẫn lộn ngày càng tệ đi hoặc cảm thấy khó nói hay khó hiểu lời nói;

- Cảm thấy yếu trên mặt, cánh tay hay chân, đặc biệt là một bên cơ thể, và/hoặc tình trạng lo âu hay tâm trạng tệ đi, hay bạn có ý nghĩ muốn làm hại bản thân.

 

PN (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật