Trên Dân trí, bà N.T.N., sinh năm 1957, được đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) trong tình trạng suy hô hấp, suy tim toàn bộ, viêm phổi, tắc động mạch phổi, suy thận, rối loạn dinh dưỡng nặng, rối loạn chuyển hóa nặng...
Qua khai thác bệnh sử xác định trước đó bệnh nhân từng mắc Covid-19 nhưng diễn biến nhẹ và đã khỏi.
Các bác sĩ đã phải tiến hành điều trị tích cực, toàn diện cho bệnh nhân, bao gồm cả hồi sức tích cực, dinh dưỡng, tâm lý, tập phục hồi chức năng. Sau hơn một tuần điều trị, bệnh nhân đã hồi phục hơn 80% sức khỏe và chức năng các tạng từng bị tổn thương.
Tương tự như bà N., Tổ quốc đưa tin bà Nguyễn Hồng X., 56 tuổi, trú quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có tiền sử huyết áp dao động. Bà X. mắc Covid-19 hôm 29 Tết, tự sử dụng thuốc theo triệu chứng, khỏi bệnh sau 5-7 ngày.
Một tuần sau, bà không ăn được, đắng miệng, đi không vững, choáng váng, chỉ số SpO2 giảm xuống 85%. Sau khi thở oxy, tình trạng bệnh nhân kém hơn, ý thức chậm, được đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp.
Sau khi được xử lý cấp cứu và thăm khám, bà X. được chẩn đoán mắc hội chứng hậu Covid-19, điển hình là tình trạng xơ phổi lan tỏa. Được điều trị kịp thời, đến nay bệnh nhân tiên lượng phục hồi tốt.
"Các bác sĩ bảo nếu chậm 2 ngày chắc không cứu được, may mắn tôi đã đỡ nhiều. Khi mới nhập viện, tôi bị giảm 80% sức lực, gần như không thở được, lơ mơ. Sau những bài tập thở, cử động chân tay, vật lý trị liệu, tôi đã tự đi lại trong phòng", bà X. nói.
TS.BS Lại Văn Hoàn - Trưởng Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị chia sẻ với Dân Trí, thời gian qua, có nhiều trường hợp đến thăm khám vì các vấn đề hậu Covid-19, trong đó không ít các trường hợp ở mức độ nặng.
Qua thực tế điều trị bệnh nhân hậu Covid-19, TS Hoàn cho hay: "Không chỉ những người cao tuổi có bệnh lý nền mà ngay cả những bệnh nhân cao tuổi (trên 60 tuổi) không có bệnh lý nền và bệnh nhân trẻ mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhưng sau khi nhiễm đều có thể gặp phải biến chứng nặng nề ở nhiều cơ quan, hệ cơ quan".
Chuyên gia này phân tích rõ hơn về các biến chứng:
- Hô hấp: Khó thở các mức độ từ nhẹ đến nặng có thể xuất hiện và kéo dài; ho kéo dài; đau ngực; giảm chức năng hô hấp (khả năng hít thở, khả năng gắng sức); có thể tiến triển sang tổn thương xơ phổi.
- Tim mạch: Tổn thương cơ tim (viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim); nhịp nhanh; hồi hộp đánh trống ngực; khó thở khi gắng sức.
- Tâm - Thần kinh: Tai biến mạch não; suy giảm nhận thức; trầm cảm; rối loạn lo âu; stress.
- Cơ - xương - khớp: Mệt mỏi, đau mỏi cơ, yếu cơ…
- Các cơ quan khác: Suy thận, rối loạn đông máu, đái tháo đường, rối loạn tiêu hóa, dinh dưỡng...
Tùy vào mức độ tổn thương và hệ cơ quan tổn thương, các bác sĩ sẽ có lộ trình điều trị phù hợp giúp người bệnh cải thiện tối đa tình trạng các biến chứng, di chứng do nhiễm Covid-19 để lại.
Theo TS Hoàn, đối với người bệnh sau nhiễm Covid-19 dù khi mắc có hay không có triệu chứng vẫn nên đi khám, kiểm tra để phát hiện sớm các tổn thương để có kế hoạch hỗ trợ, can thiệp kịp thời tránh để lại di chứng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có những biến chứng y khoa nhất định có thể phát sinh trong quá trình phục hồi Covid-19 mà cần sự thăm khám y tế khẩn cấp. Việc quan trọng là cần liên hệ với nhân viên y tế nếu bạn xuất hiện bất kỳ triệu chứng "báo động đỏ" nào.
Các triệu chứng "báo động đỏ" có thể kể đến như:
- Trở nên khó thở khi hoạt động nhẹ mà tình trạng không cải thiện khi thay đổi bất kỳ tư thế nào để làm giảm triệu chứng khó thở được;
- Có sự thay đổi tình trạng khó thở khi nghỉ ngơi mà không thấy đỡ hơn khi thực hiện các kỹ thuật kiểm soát đường thở;
- Cảm thấy đau ngực, tim đập nhanh hoặc chóng mặt khi ở một số tư thế hoặc trong quá trình tập luyện hay hoạt động thể lực;
- Tình trạng lẫn lộn ngày càng tệ đi hoặc cảm thấy khó nói hay khó hiểu lời nói;
- Cảm thấy yếu trên mặt, cánh tay hay chân, đặc biệt là một bên cơ thể, và/hoặc tình trạng lo âu hay tâm trạng tệ đi, hay bạn có ý nghĩ muốn làm hại bản thân.
PN (Nguoiduatin.vn)