Cô gái 22 tuổi mắc hàng loạt di chứng hậu Covid-19
Mắc Covid-19 từ giữa tháng 1/2022, cô nàng Khánh Linh (22 tuổi, Hà Nội) may mắn có kết quả xét nghiệm chuyển sang âm tính chỉ sau 5 ngày điều trị. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng khỏi bệnh, Khánh Linh vẫn phải chịu đựng những di chứng được cô nàng cho là do Covid-19 để lại.
Mở đầu đoạn clip của mình trên trang cá nhân TikTok, Khánh Linh chia sẻ: ''Ai rồi cũng sẽ F0 thôi, đó là câu nói mình nghe được nhiều nhất trong thời gian vừa qua, nhưng các bạn đừng chủ quan, hậu Covid mới thực sự nguy hiểm''.
Khánh Linh (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ về những hiện tượng mình gặp phải sau khi xét nghiệm Covid-19 chuyển sang âm tính |
Theo Khánh Linh, dù đã được tiêm đủ 3 mũi vắc xin nhưng sau khi kết quả xét nghiệm đã chuyển sang âm tính, cô nàng bắt đầu gặp phải 5 triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống của mình.
Đầu tiên là rụng tóc, trước đó, Khánh Linh chưa từng gặp phải tình trạng rụng tóc nghiêm trọng đến như vậy. Thậm chí, theo lời kể của cô nàng, tóc rụng ''muốn hói cả đầu'' , ''tóc thậm chí còn không mọc lại, sau khi gội đầu tóc rụng thành từng túm, từng nắm''.
Vấn đề thứ 2 là chất lượng giấc ngủ giảm. Bản thân Khánh Linh nhận thấy trước đây cô không gặp phải tình trạng mất ngủ hay khó ngủ, tuy nhiên, sau khi mắc Covid và khỏi bệnh, cô thường xuyên bị tỉnh giấc giữa đêm và gần như không thể ngủ lại được.
Cô nàng cũng rơi vào tình trạng hay quên và mất tập trung. ''Nhiều khi mình đang định nói cái này, định làm cái kia nhưng quay đi 1-2 giây thì mình đã không nhớ là mình muốn nói gì, làm gì'', Khánh Linh chia sẻ.
Hụt hơi, khó thở khi nói chuyện và lao động nặng là hiện tượng mà cô kể đến tiếp theo. Dù đã cố gắng cải thiện rất nhiều bằng cách tập các bài tập thở trên mạng và những bài thể dục khác nhưng chỉ cần nói chuyện một lúc Khánh Linh đã cảm thấy không thở được. Đặc biệt, vào buổi tối đi ngủ, có những lúc cô bị bóng đè, cảm giác ''giống như có người đang bóp cổ, không thể thở nổi''.
Triệu chứng cuối cùng mà Khánh Linh gặp phải là rối loạn chu kỳ (kinh nguyệt). ''Trước đây chu kỳ của mình rất đều, khoảng 28 ngày nhưng sau khi bị Covid và khỏi, chu kỳ của mình bị chậm 7 ngày, kỳ tiếp theo đó chỉ còn 20 ngày''.
Dù đã uống rất nhiều thực phẩm chức năng để tăng cường sức đề kháng như kẽm, vitamin C... tập thể dục, uống các loại nước hỗ trợ ngủ ngon hơn... nhưng Khánh Linh vẫn lo lắng, chưa biết các tình trạng trên có thể được cải thiện và biến mất hay không. Do đó, cô nàng lưu ý mọi người tốt nhất không được chủ quan trước dịch bệnh.
Các biểu hiện của tình trạng hậu COVID-19
Không giống như một số loại hội chứng hậu bệnh lý khác có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng, hậu COVID-19 có thể xảy ra với bất kỳ ai đã bị mắc COVID-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ, hoặc không triệu chứng, với các biểu hiện sau:
Khó thở hoặc cảm giác hụt hơi.
Mệt mỏi hay chóng mặt.
Các triệu chứng sẽ nặng hơn sau các hoạt động thể lực hoặc tinh thần.
Ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loại giấc ngủ.
Ho kéo dài.
Đau ngực.
Thay đổi giọng nói.
Đau cơ.
Mất vị giác hoặc rối loạn cảm giác vị giác, khứu giác.
Đau đầu.
Đau cơ hay đau khớp.
Trầm cảm hoặc lo lắng.
Sốt.
Nên làm gì khi có biểu hiện của tình trạng hậu COVID-19?
Khi thấy có những biểu hiện trên sau khi mắc COVID-19, nên tìm đến nhân viên y tế. Các bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh và hướng dẫn điều trị triệu chứng và những chăm sóc sức khỏe cần thiết.
Hiện nay, việc điều trị tình trạng hậu COVID-19 là điều trị không đặc hiệu, có nghĩa là điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện, phục hồi chức năng. Chúng ta vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu xem tại sao một số người lại mắc tình trạng này, trong khi đa số không mắc, cơ chế bệnh sinh dẫn đến tình trạng này ra sao và cách xử trí điều trị tốt nhất cho tình trạng này.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa các di chứng COVID-19 là phòng ngừa mắc bệnh COVID-19. Đối với những người không có chống chỉ định tiêm phòng COVID-19, hãy tiêm vaccine phòng COVID-19 ngay khi có thể- đây là cách tốt nhất để phòng tránh COVID-19.
PN (Nguoiduatin.vn)