Được hai con gái ủng hộ, năm 2017, chị Duyên làm đơn ly hôn và được Tòa gia đình và người chưa thành niên TP HCM chấp nhận. "Anh ấy nói sẽ để hết tài sản chung cho vợ con nên tôi không yêu cầu chia rạch ròi nữa", chị nói.
Tuy nhiên, anh không thực hiện lời hứa. Cùng lúc, chị biết chuyện chồng mua nhà, xe cho bồ trong thời kỳ hôn nhân.
Biết anh thương hai con gái, sợ các con chịu thiệt thòi, chị khéo léo gợi sự thương cảm để anh phải thừa nhận chuyện này. Một mặt chị nhẹ nhàng quan tâm, hỗ trợ anh trong công việc, một mặt thổ lộ muốn cho hai con gái đi du học tại Mỹ nhưng tài chính không đủ, nhờ anh hỗ trợ thêm. Muốn giúp các con, nhưng đúng lúc việc làm ăn đi xuống, anh Tuấn nói chị Duyên đi cầm cố tài sản là căn nhà và chiếc xe mua cho bồ, do anh đứng tên, để vay ngân hàng lo cho các con.
Lấy được bằng chứng, tháng 4 vừa qua, chị lại nhờ tòa can thiệp. Ngoài tranh chấp tài sản chung là công ty, nhà đất, chị còn yêu cầu được chia căn nhà và chiếc ôtô anh mua cho tình trẻ. Số tài sản được chia đôi mỗi người một nửa.
Từng tư vấn cho nhiều trường hợp tương tự, thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa, Viện tâm lý và Giáo dục Pháp luật TP HCM cho biết, hiện nay, rất nhiều người vợ phải ngậm bồ hòn khi biết chồng mua nhà, xe, tài sản đắt tiền cho tình trẻ, vì khi trao các anh thường để bồ đứng tên để thể hiện ga lăng và đạt được mục đích. Chuyện lấy lại được như chị Duyên là rất hiếm.
Thạc sĩ Hoa còn nhớ chị Hiền (quận 6) gọi đến nhờ tư vấn cách lấy lại căn nhà hơn 4 tỷ mà chồng mua tặng bồ hồi đầu năm. Chị Hiền kể, chồng lương mỗi tháng hơn 50 triệu đồng, nhưng ki bo, tính toán với vợ con. Ngược lại, anh rất rộng lượng với bồ. Năm 2016, sau khi mua một căn nhà để bồ đứng tên, anh về đòi ly hôn, chị chấp nhận. Tuy nhiên, chị muốn được chia phần căn nhà do cô bồ giữ.
"Tôi nói chị ấy nên dừng lại. Căn nhà, anh chồng đã để bồ đứng tên, vì thế đòi rất khó. Tôi nghĩ để chị ấy sốc lúc đầu còn hơn phải hy vọng rồi mất thời gian, công sức mà chẳng được gì", bà Hoa kể.
Theo bà Hoa, hai anh chồng ngoại tình kể trên rơi vào nhóm trăng hoa nhưng có kinh tế khá giả, nắm tài chính hoặc không thật thà khai báo thu nhập cho vợ. Khi các cô bồ vòi vĩnh, các anh sẵn sàng đáp ứng để được hưởng thụ niềm vui, hoặc để thể hiện mình là đàn ông, chinh phục các nàng.
"Những người chồng này không phải ky bo mà thuộc dạng ích kỷ, chỉ biết đến bản thân. Họ nghĩ rằng, sự hy sinh, chắt chiu của vợ cho gia đình là đương nhiên. Còn mình chỉ việc đi hưởng thú bên ngoài, không cần phải góp tay xây đắp hậu phương", vị chuyên gia nói.
Khi chồng mua nhà, xe cho bồ, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP HCM, cho biết có hai tình huống xảy ra. Thứ nhất, tài sản đó do anh chồng đứng tên thì đó được xem là tài sản chung của vợ chồng, người vợ sẽ được chia đôi khi có tranh chấp. Còn nếu chồng để bồ đứng tên thì là của cô bồ. Đó được xem là khoản tình phí của ông chồng. Vì thế, chuyện đòi lại là rất khó chứng minh.
Tháng 7 vừa qua, luật sư Hoan tư vấn vụ việc tương tự cho ông Thanh (72 tuổi), từng hoạt động trong quân ngũ. Ông này đã có vợ con, nhà cửa đàng hoàng, nhưng ngoại tình với người phụ nữ ít hơn mình 12 tuổi từ năm 2000. Để tình nồng thắm, ông mua cho bà này một căn nhà mặt tiền ở quận 3, cho bà đứng tên. Đổi lại, người tình ở vậy, không lấy chồng.
Hơn một năm trước, vì tuổi cao và sợ con cháu biết chuyện sẽ dị nghị, ông chủ động chấm dứt quan hệ, đồng thời cùng vợ đến gặp luật sư nhờ tư vấn đòi lại nhà.
"Tôi từ chối giúp ông ấy và khuyên nên dừng việc kiện tụng lại", luật sư Hoan kể lại. Ông cũng cho biết, việc trao tặng quà cho tình nhân là ý thức của cá nhân. Khi món quà đứng tên cô bồ, thì luật chưa có quy định nào để bảo vệ người vợ.
Thạc sĩ Hoa cho rằng, nguyên nhân khiến các anh chồng đưa tài sản cho người khác cũng một phần là do người vợ chưa khéo léo, hoặc quá nhún nhường, phụ thuộc tài chính. "Tôi nghĩ, phụ nữ, ngoài đẹp phải khôn khéo và biết cách chiều chồng không chỉ ở những bữa ăn mà còn cả trên giường. Quyến rũ một chút, ghen một chút sẽ làm cho khẩu phần của tình yêu vợ chồng thêm gia vị", bà Hoa khuyên.
"Nếu các cô bồ khéo léo, biết cách vòi vĩnh thì các chị hãy cứ làm điều đó với chồng và nhẹ nhàng để đòi từng chút một", thạc sĩ Hoa nói.
Theo luật sư Nguyễn Anh thơm, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, Luật Hôn nhân và gia đình quy định vợ chồng có tài sản chung trong hôn nhân và tài sản riêng của mỗi người. Trường hợp chồng lấy tài sản chung đó để cho nhân tình, người vợ hoàn toàn có thể đòi lại nếu đưa ra được các chứng cứ. Tuy nhiên thực tế số đàn ông lấy tiền bạc cho nhân tình rất nhiều, nhưng người vợ rất khó để chứng minh số tiền đó hay tài sản đó là của chung vợ chồng. Luật sư Thơm cho rằng pháp luật chỉ có thể đưa ra được các quy định dựa trên những nguyên tắc cơ bản, không thể can thiệp vào từng trường hợp nhằm đảm bảo tôn trọng quyền con người, quyền tự định đoạt tài sản cá nhân. Tuy nhiên theo ông, pháp luật cần có những quy định chặt chẽ hơn để xử lý các trường hợp người đàn ông dùng tài sản gia đình để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, như vậy mới đảm bảo được quyền lợi cho người phụ nữ và các thành viên khác trong gia đình.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Theo Thảo Nguyên - Vương Linh (VnExpress.net)