Mẹ chồng tái mặt trước yêu cầu của con dâu trong lễ ăn hỏi

21/08/2018 11:13:47

Khi lễ ăn hỏi gần kết thúc, cô con dâu bất ngờ đưa ra yêu cầu trước quan viên hai họ khiến mẹ chồng tái mặt.

Tôi và bạn trai yêu nhau được 2 năm. Hai đứa năm nay tuổi cũng ngoài 30 tuổi nên năm nay chúng tôi quyết định tổ chức đám cưới.

Trước đó, chúng tôi nhiều lần về nhà nhau, ra mắt gia đình hai bên. Bố mẹ tôi hiền lành, chân chất, rất ủng hộ chuyện cưới xin của con nhưng mẹ anh tỏ ra phản đối.

Mẹ chồng tái mặt trước yêu cầu của con dâu trong lễ ăn hỏi
Ảnh: Shutterstock.

Bà không ưa tôi ra mặt, lần nào sang nhà chơi, tôi luôn bị áp lực lớn.

Tôi hiểu mẹ người yêu chê tôi nhan sắc kém xinh, học thức bình thường, không xứng với con trai giỏi giang, có học hàm học vị của bà.

Đôi lần ngồi ăn cơm, bà bóng gió chuyện vợ chồng lệch nhau về trình độ, sau này nảy sinh nhiều mâu thuẫn, hôn nhân khó bền vững.

Tuy nhiên, được bạn trai động viên nên tôi cũng vững tâm hơn. Anh nói chỉ cần hai đứa yêu nhau, sống hạnh phúc mẹ sẽ hiểu ra.

Thế rồi, trước sự quyết tâm của con trai, mẹ người yêu tôi cũng gật đầu đồng ý tổ chức cưới cho hai đứa.

Ngày dạm ngõ, bố mẹ anh sang nhà tôi thưa chuyện, đặt vấn đề cưới hỏi. Các em tôi vô cùng háo hức, xin nghỉ học, ở nhà nấu nướng, phụ giúp bố mẹ dọn dẹp, trang trí nhà cửa.

Ai cũng muốn mọi thứ được chuẩn bị thật chu đáo, đón tiếp thông gia. Thế nhưng hôm đó cách hành xử của mẹ anh đã khiến bố mẹ tôi tức giận.

Sau vài phút trò chuyện, mẹ anh nói không muốn bỏ tiền phí phạm mua nhiều sính lễ ăn hỏi mà chỉ cần tráp trầu cau và một làn nhựa đựng bánh phu thê, thuốc lá.

Bà thẳng thắn: “Hôm ăn hỏi chỉ cần vợ chồng tôi và con trai, tôi không muốn mời họ hàng tham dự”.

Bố mẹ tôi nghe bà thông gia tương lai nói tỏ ra khó chịu. Mẹ tôi giận tím mặt nhưng vẫn cố nhãn nhặn, đáp lời: “Nhà tôi không đòi hỏi cao sang nhưng con gái đi lấy chồng cũng phải có lễ hỏi tươm tất.

Hôm đó nhà bác cứ chuẩn bị giúp 5 tráp lễ, có trầu cau, chè, thuốc lá, bánh trái ... Còn việc họ hàng tham dự, bác cứ tính toán lại, tôi thấy lễ hỏi không có người thân thích khác nào “áo gấm đi đêm”. Như thế cũng thiệt thòi cho con gái tôi”.

Thái độ khinh khỉnh, mẹ anh cất lời: “Giá nhà bác có chút địa vị, khá giả hơn chút tôi cũng tổ chức rình rang. Nhưng gia cảnh như này, họ hàng đến lại chê cười tôi”.

Ngay lập tức bố tôi nổi trận lôi đình, lớn tiếng mời khách ra về. Ông kiên quyết không gả con gái vào nhà đó.

Tôi đành ngậm ngùi chia tay anh nhưng người yêu hứa sẽ tìm mọi cách để hóa giải mọi chuyện.

Chẳng biết anh dùng chiêu gì nhưng độ nửa tháng sau, mẹ anh sang nhà tôi xin lỗi và đề nghị tổ chức lễ hỏi sớm theo yêu cầu nhà gái đặt ra.

Người yêu tiết lộ, mấy hôm tôi đòi chia tay, anh tuyệt thực, đòi tự tử. Mẹ anh chỉ có một cậu con trai, từ bé đã rất chăm bẵm, cưng chiều. Giờ thấy con hủy hoại bản thân, bà xót xa nên đành nhún nhường.

Gạt bỏ mọi hiềm khích, hai bên bắt tay vào tổ chức lễ ăn hỏi cho chúng tôi. Hôm đó, mọi nghi lễ diễn ra khá suôn sẻ. Sau khi trao tráp, hai nhà ngồi uống nước, nói chuyện vui vẻ.

Tuy nhiên, khi chuẩn bị thủ tục trả lễ đám hỏi (Tục lại quả - nv), mẹ tôi phát hiện, tất cả các hộp bánh đều bằng xốp.

Nghe em trai nói, tôi vội vào kiểm tra thì thấy ngoài mâm trầu cau và thuốc lá là tử tế, còn đâu toàn bộ các khay bánh đều là giả. Tôi đoán mẹ chồng cố ý làm vậy để tỏ ý coi thường nhà gái.

Tôi bảo mẹ xếp hết số bánh giả đó vào khay, mang ra trả lễ bình thường. Trước khi nhà trai ra về, tôi xin phép mẹ chồng mở số bánh đó, mời quan viên hai họ thưởng thức. Nghe con dâu nói, mẹ chồng bắt đầu tái mặt.

Khi quan khách mở hộp bánh ra, ai nấy đều bất ngờ. Họ xì xào, bàn tán không ngớt.

Lúc này, tôi đứng lên tuyên bố hủy hôn vì hành xử quá đáng của bà ta. Tôi thà mang tiếng còn hơn phải về làm dâu nhà đó. Bạn bè biết chuyện, trách tôi bốc đồng nhưng tôi nghĩ mình đã hành xử đúng đắn.

Theo Minh Thái (VietNamNet)