Thành phố ở Nhật Bản dùng ChatGPT ứng phó với khủng hoảng dân số

01/05/2023 08:37:28

Thành phố Yokosuka, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, vừa thông báo rằng thành phố này sẽ bắt đầu sử dụng ChatGPT trong các công việc hành chính. Việc ứng dụng ChatGPT này nhằm đối phó với tình trạng khủng hoảng dân số.

Thành phố ở Nhật Bản dùng ChatGPT ứng phó với khủng hoảng dân số

Ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng dân số

Một thông cáo báo chí trên trang web của chính thức của Thành phố Yokosuka cho biết, tất cả nhân viên hành chính hiện có thể sử dụng chatbot để "tóm tắt câu, kiểm tra lỗi chính tả và tạo ra ý tưởng mới".

Người phát ngôn của chính quyền thành phố đã trả lời báo giới rằng cuộc khủng hoảng dân số ở quốc gia này là một trong những yếu tố để họ cân nhắc triển khai ChatGPT. Dân số Nhật Bản đang già hóa nhanh chóng và đã sụt giảm mạnh trong nhiều năm. Thủ tướng nước này gần đây đã cảnh báo rằng "thời gian để sinh sản không còn nhiều" và rằng Nhật Bản "đang trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội".

Thành phố Yokosuka cũng không nằm ngoài xu hướng này. Theo trang web của chính quyền Thành phố, dân số 376.171 người hiện nay của Yokosuka được dự báo tiếp tục giảm. Sự rời đi của các nhà sản xuất lớn và ngành du lịch ế ẩm càng làm trầm trọng hơn tình hình. Trong bối cảnh đó, ChatGPT là giải pháp của chính quyền thành phố nhằm nâng cao hiệu quả và thiết lập quy trình làm việc tốt hơn, người phát ngôn cho biết.

Khi sử dụng ChatGPT để xử lý các nhiệm vụ hành chính lặp đi lặp lại, "các nhân viên có thể tập trung vào công việc mà chỉ con người làm được, tạo ra một phong cách làm việc đảm bảo được sự hài lòng của công dân", thông cáo báo chí nêu. Chính quyền thành phố cũng dự đoán rằng công cụ này sẽ được "sử dụng rộng rãi trong đội ngũ cán bộ hành chính". Thông cáo cũng cho biết sẽ không có thông tin cá nhân bí mật nào được nhập vào ChatGPT.

Thành phố ở Nhật Bản dùng ChatGPT ứng phó với khủng hoảng dân số - 1
Công chức của chính quyền thành phố Yokosuka sử dụng ChatGPT tại tòa thị chính của tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, ngày 20/4/2023. (Ảnh: AP)

Chưa thể đoán định được tương lai với ChatGPT

Không phải chính quyền nào cũng cởi mở với ChatGPT như Yokosuka. Nhiều lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu đã được nêu lên.

Nhà chức trách Ý đã ban hành lệnh cấm tạm thời đối với chatbot này vào tháng trước trong khi mở một cuộc điều tra nhằm vào cách công ty chủ quản OpenAI sử dụng dữ liệu. Một số công ty lớn, bao gồm cả JPMorgan Chase, đã hạn chế việc sử dụng ChatGPT do những lo ngại trong việc nhân viên sử dụng phần mềm của bên thứ ba.

Cuộc chiến giữa các công ty công nghệ trong việc phát triển các công cụ AI của riêng họ cũng đã cho chúng ta thấy một nguy cơ khác của AI, khi chúng không biết kiểm duyệt các từ ngữ phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và độc hại nói chung.

Bất chấp một tương lai khó đoán định ấy, hiện giờ, tại Thành phố Yokosuka của Nhật Bản, nhà chức trách đang tập trung vào khía cạnh tích cực của công nghệ này. Thành phố cho biết rằng họ đặt nhiều kỳ vọng vào chủ trương mới của mình. Một minh chứng rõ nhất là ở cuối thông cáo báo chí của Thành phố Yokosuka có một dòng chữ ghi: "Bản thông cáo do ChatGPT soạn thảo và đã được các nhân viên duyệt".

Chatbot, hay AI chatbot, là một chương trình máy tính sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và quy trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để hiểu và trả lời một cách tự động các câu hỏi của con người, tạo ra một cuộc đối thoại qua lại. Chatbot có thể được ứng dụng trong việc giúp con người tìm kiếm thông tin bằng việc tiếp nhận các thông tin bằng chữ, âm thanh, hình ảnh… mà không cần sự can thiệp của người điều khiển.

ChatGPT là chatbot của công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo OpenAI, được phát hành vào tháng 11/2022. ChatGPT khác biệt so với các chatbot khác vì nó được xây dựng dựa trên mô hình học tăng cường từ phản hồi của người dùng (RLHF), cho phép nó tạo ra các đoạn ngôn ngữ và hội thoại rất tự nhiên và giống người, thừa nhận lỗi sai, tranh luận về các nhận định, trả lời một chuỗi các câu hỏi… Vì vậy, công cụ này đã được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới để trả lời câu hỏi và viết nội dung – bài báo, bài đăng trên mạng xã hội, bài luận, viết code và thư điện tử.

Theo Đăng Dương (Phụ nữ Việt Nam)