Tài sản của nhà sáng lập OpenAI không tăng dù ChatGPT khuấy đảo lĩnh vực AI

28/03/2023 11:00:54

Là CEO kiêm nhà sáng lập OpenAI, công ty sở hữu công nghệ ChatGPT đang "làm mưa làm gió", nhưng tài sản của Sam Altman không tăng vọt như những sếp công nghệ khác ở Thung lũng Silicon.

Theo Semafor, OpenAI thành lập năm 2015 dưới dạng phi lợi nhuận với sự hậu thuẫn tài chính từ CEO Tesla Elon Musk, người cam kết đầu tư 1 tỷ USD. Tuy nhiên, Musk không hài lòng với tốc độ tăng trưởng của công ty và cho rằng OpenAI “tụt hậu” quá xa so với Google trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Đầu năm 2018, CEO SpaceX đề xuất mua lại OpenAI để tự điều hành bằng vốn cá nhân. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị Altman cùng đội ngũ công ty từ chối.

Tài sản của nhà sáng lập OpenAI không tăng dù ChatGPT khuấy đảo lĩnh vực AI
Những rạn nứt trong quan hệ giữa Musk và Altman được cho là nguyên nhân dẫn đến việc tỷ phú người Mỹ rút lui hoàn toàn khỏi OpenAI và chỉ đầu tư 100 triệu USD thay vì 1 tỷ USD cam kết ban đầu.

Việc thiếu hụt nguồn vốn khiến OpenAI phải mở thêm chi nhánh thương mại vào tháng 3 năm 2019 để có thể kêu gọi đủ tài chính trang trải hoạt động nghiên cứu và đào tạo các mô hình AI đầy tham vọng.

“Chúng tôi muốn tăng khả năng huy động vốn trong khi vẫn theo đuổi sứ mệnh ban đầu của mình”, công ty cho biết vào thời điểm đó. OpenAI cũng thông báo giới hạn mức trần lợi nhuận chia lại cho các nhà đầu tư với các phần vượt quá sẽ được chuyển cho nhánh phi thương mại ban đầu.

Altman đồng thời đưa ra một quyết định bất thường với một ông chủ doanh nghiệp công nghệ: không nhận cổ phần trong nhánh thương mại. Cần phải nói, CEO OpenAI trước đó đã rất giàu có khi thành công với một số startup công nghệ.

Chưa đầy 6 tháng sau, OpenAI gật đầu với khoản đầu tư 1 tỷ USD từ Microsoft, gã khổng lồ công nghệ không chỉ cung cấp tài chính mà còn hỗ trợ cơ sở hạ tầng. Hai bên đã cùng nhau xây dựng siêu máy tính giúp đào tạo mô hình khổng lồ mà cuối cùng đã tạo ra ChatGPT và trình tạo hình ảnh DALL-E. 

Theo WSJ, OpenAI đang định giá số cổ phần ở mức 29 tỷ USD, cao gấp đôi so với giá trị công ty này vào năm 2021.

Sự cay cú của Elon Musk

Khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11, OpenAI ngay lập tức trở thành công ty khởi nghiệp hấp dẫn nhất tại Thung lũng Silicon, đến mức Google phải tức tốc có động thái đuổi theo. Sự thành công của OpenAI đã khiến Elon Musk rất tức giận.

Tháng 12, Musk cắt quyền truy cập OpenAI vào nguồn cấp dữ liệu của Twitter, hợp đồng mà mạng xã hội và công ty AI đã ký kết trước khi “Chim xanh” đổi chủ.

“OpenAI được tạo ra như một nguồn mở, (đó là lý do tại sao tôi đặt tên là “Open”), để làm đối trọng với Google. Nhưng giờ đây nó đã trở thành một công ty đóng, chạy theo lợi nhuận và hoàn toàn bị kiểm soát bởi Microsoft”, Musk cay đắng tweet ngày 17/2.

Một tháng sau, ngày 15/3, sự tức tối của CEO Tesla vẫn chưa hạ nhiệt: “Tôi vẫn chưa hết thắc mắc về việc làm thế nào một tổ chức phi lợi nhuận mà tôi đã đóng góp 100 triệu USD, lại trở thành một doanh nghiệp thương mại vốn hoá 30 tỷ USD. Liệu nó có hợp pháp hay không đây?”

Đến cuối tuần trước, Musk vẫn chưa dừng lại khi đá xoáy OpenAI và Microsoft. “Tôi thấy rằng công cụ AI mạnh mẽ nhất nhân loại từng tạo ra đang nằm trong tay một công ty độc quyền đến mức tàn nhẫn”.

Theo Thế Vinh (VietNamNet)