Dịch vụ tài chính… biến hình

17/06/2023 09:50:20

Chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi ngành dịch vụ tài chính.

Dịch vụ tài chính… biến hình

Cặp đôi hoàn hảo

AI có thể xử lý dữ liệu nhanh hơn con người theo cấp số nhân. Nó cho phép các tổ chức tài chính tận dụng lượng dữ liệu khổng lồ để trích xuất thêm thông tin chi tiết, tự động hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại và đẩy nhanh quá trình đổi mới.

Trong khi đó, Blockchain giúp minh bạch hơn và khả năng tiếp cận thị trường tài chính thông qua tài chính phi tập trung (DeFi) và hợp đồng thông minh. Khi càng có nhiều tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) ra đời, chúng ta càng buộc phải suy nghĩ lại về các hệ thống tài chính tập trung hiện có.

Dù cả hai đều đang dẫn đầu các xu hướng công nghệ và có nhiều trường hợp sử dụng, nhưng Blockchain và AI hoạt động hoàn toàn khác nhau. Blockchain hoạt động như một kho lưu trữ an toàn và phi tập trung, minh bạch và chống giả mạo nhưng phải vật lộn với khả năng mở rộng và hiệu quả. Trong khi, AI là bộ xử lý lượng dữ liệu khổng lồ và thường tập trung, phát triển nhanh nhưng phải vật lộn với tính minh bạch và quyền riêng tư.

Điều này làm cho hai công nghệ trở thành sự kết hợp hoàn hảo vì mỗi công nghệ có thể giải quyết các điểm yếu của công nghệ kia.

Một trong những khó khăn mà AI phải đối mặt là trách nhiệm giải trình, điều này làm xuất hiện sự ngờ vực đối với các kết quả đầu ra từ AI. Ủy ban châu Âu đã đề xuất một bộ quy định lấy độ tin cậy làm cốt lõi và để tin tưởng vào AI, chúng ta phải có khả năng giải thích cách hoạt động của các thuật toán AI để con người hiểu và tin tưởng vào độ chính xác của các đầu ra và kết quả của nó.

Các bản ghi kỹ thuật số bất biến của Blockchain có thể là một cách để cung cấp thông tin chuyên sâu về khuôn khổ và mô hình của AI để giải quyết thách thức về tính minh bạch và tính toàn vẹn của dữ liệu.

Tự động hóa không phải là một khái niệm mới đối với AI, nhưng việc kết hợp AI và Blockchain có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp cả về quy mô và hiệu quả. Công nghệ Blockchain có thể loại bỏ các bên thứ ba không cần thiết khỏi các giao dịch nhiều bên, cuối cùng là đẩy nhanh tốc độ giao dịch và tăng hiệu quả của các giao dịch; trao quyền cho các cá nhân sở hữu dữ liệu của họ và đảm bảo tính bảo mật của quy trình giao dịch.

Giúp phát hiện gian lận trong giao dịch

Công nghệ Blockchain cho phép xây dựng các sàn giao dịch phi tập trung, nơi trao đổi tài sản không cần phải dựa vào cơ quan quản lý hoặc bên thứ ba để phê duyệt trao đổi do tính chất mã nguồn mở và tính minh bạch của các giao dịch mà bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra. Tất cả các giao dịch được ghi lại trên Blockchain. Trong khi đó, với lượng dữ liệu tăng theo cấp số nhân, việc xử lý và tiêu thụ dữ liệu mà không có sự trợ giúp của AI sẽ trở nên bất khả thi.

Ngoài ra, các công nghệ tiên tiến này còn giúp ngành tài chính ngân hàng phát hiện gian lận. Khi giao dịch các giao thức trên nền tảng Blockchain, khách hàng được đảm bảo các giao dịch này an toàn, không thể bị giả mạo và đảm bảo rằng mọi giao dịch đều tuân theo các quy tắc được xác định trước bởi chuỗi khối (được lập trình vào nền tảng hoặc được thêm dưới dạng hợp đồng thông minh).

Trong khi đó, xếp lớp AI lên trên các giao dịch có thể phát hiện sự bất thường trong chuỗi khối ở quy mô lớn. Theo đó, xếp lớp AI phát hiện gian lận liên quan đến việc sàng lọc một lượng lớn dữ liệu để tìm kiếm các mẫu bất thường.

Chẳng hạn, nếu khách hàng có tài khoản đầu tư cùng một số tiền vào quỹ ETF hàng tháng và đột nhiên trong một tháng, số tiền khách hàng đầu tư gấp 10 lần số tiền bình thường, giao dịch này sẽ được phân loại là đáng ngờ và có khả năng lừa đảo. Điều này sẽ kích hoạt các thuật toán phát hiện gian lận tại các ngân hàng. Công nghệ AI và Blockchain có thể được kết hợp để phát hiện các giao dịch và hoạt động đáng ngờ và ngăn chặn ngay tại nguồn.

Thúc đẩy cách mạng ngành tài chính - ngân hàng

Tự động hóa không phải là một khái niệm mới đối với AI, nhưng việc kết hợp AI và Blockchain có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp cả về quy mô và hiệu quả.

Sau khi khảo sát và thống kê, IESE (Business School University of Navarra - Trường Kinh doanh Toàn cầu, cung cấp các chương trình MBA và giáo dục diều hành, được xếp hạng trong số các chương trình tốt nhất thế giới) chỉ ra rằng, công nghệ ngành tài chính - ngân hàng được nhiều chuyên gia đánh giá có tính chuyên môn hóa cao, tập trung và sở hữu một hệ sinh thái năng động. Trong cuộc cách mạng Fintech, có 6 lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình này.

Lực lượng được cho là động lực lớn của ngành chính là người tiêu dùng. Công nghệ không còn là thứ dành riêng cho các chuyên gia công nghệ thông tin. Người tiêu dùng ngày càng thông thạo các công cụ công nghệ, kỹ năng và ngôn ngữ, buộc các công ty phải áp dụng các mô hình bắt nguồn từ không gian tiêu dùng. Công nghệ càng trở nên dân chủ hóa và được tiêu dùng hóa, thì người tiêu dùng càng cảm thấy ít trung thành hơn với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống.

Lực lượng thứ hai là các công ty khởi nghiệp - các Fintech. Đây là những người mới tham gia thị trường tài chính, có tinh thần kinh doanh, sáng tạo đã thành công hoặc giỏi trong lĩnh vực công nghệ. Họ cung cấp các dịch vụ tiết kiệm linh hoạt, thân thiện với người dùng hơn, loại bỏ các dịch vụ tài chính trung gian và chiếm được một phần đáng kể thị phần của các ngân hàng truyền thống.

Theo Báo cáo Fintech toàn cầu của PwC năm 2017, hơn 80% công ty tin rằng hoạt động kinh doanh hiện tại của họ đang gặp rủi ro với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính phi truyền thống đã cung cấp giải pháp thanh toán, dịch vụ chuyển khoản và bảo hiểm cho 84%, 68% và 38% khách hàng của họ.

Các nhà phát triển công nghệ được cho là lực lượng thứ ba. Đây là những người phát triển nền tảng kỹ thuật số và công nghệ cốt lõi, chẳng hạn như AI, phân tích dữ liệu và điện toán đám mây, giúp các nhà đổi mới công nghệ tài chính dễ dàng tham gia bằng các giải pháp thay thế. Nhóm tiếp theo được kể đến là nền tảng. Các nền tảng thống trị của Facebook, Amazon, Apple và Google đã có thể tận dụng dữ liệu mà họ liên tục tích lũy về người dùng của mình để cung cấp các dịch vụ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Những nền tảng hàng đầu này, với kinh nghiệm và quy mô đáng kể, tạo nên những đối thủ cạnh tranh đáng sợ, không chỉ đối với các công ty khởi nghiệp Fintech nhỏ, mà đáng lo ngại là đối với các tổ chức lớn, lâu đời, đặc biệt là các ngân hàng. Trên thực tế, các nền tảng này dường như đang hình thành hệ sinh thái kỹ thuật số tự túc của riêng chúng, có thể thay thế hệ sinh thái của các ngân hàng.

Lực lượng thứ năm là các nhà cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống. Bị đe dọa mất thị phần, họ buộc phải đánh giá lại các mô hình kinh doanh của mình để tìm ra các chiến lược cạnh tranh mới và thu hút khách hàng thế hệ Y theo cách mà các nhà đổi mới đã làm.

Theo IESE, giám sát tất cả các lực lượng thay đổi liên tục này là các chính phủ, họ cần xây dựng một khung pháp lý phù hợp cho những người tham gia thị trường mới nổi mà không trở nên quan liêu đến mức bóp nghẹt sáng kiến của họ.

Như vậy, Blockchain và AI có thể là chất xúc tác cho Fintech 2.0 tập trung vào các giải pháp toàn diện với tốc độ giao dịch, tính minh bạch và bảo mật tăng lên. AI và Blockchain có thể không "đại tu" hoàn toàn ngành tài chính nhưng chắc chắn sẽ thay đổi cách chúng ta tương tác với dữ liệu tài chính.

Theo Quỳnh Anh (Đầu tư chứng khoán)