Kể từ khi ChatGPT của OpenAI tạo ra sự bùng nổ công nghệ chatbot cuối năm ngoái, nhiều ứng dụng “hiểu” lời nói và văn bản của con người đã được tung ra thị trường, chẳng hạn như phần mềm viết quảng cáo của Jasper AI (Mỹ) và nền tảng mô tả hàng hoá do Cohere (Canada) phát triển.
Một số công cụ AI sinh tạo (generative-AI) được sử dụng để viết code hoặc tạo dữ liệu mang tính ẩn danh cao. Stable Diffusion, xây dựng bởi Stability AI (Anh), có khả năng tạo hình ảnh minh hoạ một cách chuyên nghiệp dựa trên văn bản mô tả làm đầu vào.
Những gã khổng lồ giới công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm đang rất chú ý tới những doanh nghiệp mới nêu trên. Theo nhà cung cấp dữ liệu Dealroom (Hà Lan), đầu tư vào các startup AI sinh tạo đạt tổng cộng 2,1 tỷ USD vào năm 2022, tăng gấp 10 lần so với năm 2020.
Dựa trên ước tính về số tiền huy động cùng các dữ liệu khác, đến tháng 1 vừa qua, giá trị doanh nghiệp của khoảng 100 công ty AI chính trên thị trường đạt tổng cộng 48 tỷ USD, gấp 6 lần so với cuối năm 2020. Chỉ tính riêng OpenAI đã được định giá khoảng 29 tỷ USD, trong khi đó Jasper AI và 4 công ty khác cũng “hoá kỳ lân” với vốn hoá hơn 1 tỷ USD.
Sự phát triển của AI sinh tạo được thực hiện nhờ những tiến bộ vượt bậc của lĩnh vực bán dẫn. Khả năng của các công cụ AI dựa trên mức độ chúng có thể học hỏi từ dữ liệu sẵn có trên Internet. ChatGPT sử dụng công nghệ AI GPT-3, có khả năng xử lý dữ liệu nhanh hơn vài nghìn tỷ lần so với NETalk - mạng thần kinh (neural-network) tổng hợp giọng nói được phát triển vào những năm 1980.
Cạnh tranh giữa các công ty AI ngày càng gay gắt khi công nghệ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Vào cuối tháng 1, Microsoft công bố khoản đầu tư hàng tỷ USD vào OpenAI.
Không chỉ vậy, tệp người dùng AI sinh tạo cũng được mở rộng. Công ty tư vấn Accenture (Mỹ) cho biết, hiện tại AI chủ yếu được dùng trong lĩnh vực công nghệ nhưng các ngành khác dự kiến sẽ bắt kịp xu hướng vào năm 2024.
Công nghệ AI mới có thể là món quà dành cho những quốc gia thiếu hụt lao động và năng suất thấp. Tuy nhiên, các hệ thống này đôi khi đưa ra phản hồi khó hiểu và không chính xác, những lỗi có thể dẫn đến vấn đề pháp lý hoặc gây tổn hại tới người dùng. Bởi vậy, khách hàng cần nắm vững điểm mạnh và điểm yếu của nó khi tích hợp vào sản phẩm, dịch vụ của mình.
Theo Thế Vinh (VietNamNet)