Sự bùng nổ của ChatGPT
0,4 giây - đó là khoảng thời gian để Google tìm kiếm ra 537 triệu nội dung liên quan đến ChatGPT trên Internet. Cũng trong chừng đó thời gian, có 607 triệu nội dung về Bitcoin được tìm ra bởi Google. Là hiện tượng công nghệ gây tranh cãi suốt nhiều năm qua, Bitcoin phải mất 14 năm tồn tại để cho ra đời hơn 600 triệu kết quả tìm kiếm. Trong khi đó, lượng nội dung khổng lồ nói về ChatGPT chỉ xuất hiện sau đúng 62 ngày.
Nhắc đến ChatGPT - Hà Khánh (Cầu Giấy, Hà Nội) không khỏi háo hức khi khoe về các đoạn chat với máy tính mà mình được trải nghiệm. Kể từ khi được một người bạn cho mượn tài khoản OpenAI để dùng thử, ChatGPT đã trở thành người bạn ảo của cô nàng sinh viên này trong suốt một tuần qua.
Là sinh viên chuyên ngành Ngữ văn của Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), Khánh thường xuyên làm bạn với thư viện. Cô không thể ngờ có ngày, nội dung trong cả cuốn sách có thể được tóm tắt nhanh chóng chỉ sau một dòng lệnh trên chính chiếc điện thoại của mình. Tuy chưa đạt đến mức hoàn hảo, ChatGPT vẫn mang tới một trải nghiệm khác hoàn toàn với những chatbot khác mà Khánh từng trải nghiệm.
Xuất hiện lần đầu vào tháng 11/2022, ChatGPT là chương trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên được phát triển nhằm tạo ra một công cụ có khả năng phân tích, xử lý và hiểu ngôn ngữ con người.
Đây là sản phẩm của OpenAI, một công ty được thành lập vào năm 2015 bởi các doanh nhân và nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Trong đó, Sam Altman - cựu Chủ tịch của Y Combinator (công ty đỡ đầu cho các startup như Airbnb và Dropbox) hiện là CEO và đóng vai trò quan trọng.
Startup này còn được đỡ đầu bởi nhiều nhân vật quyền lực tại thung lũng Silicon như tỷ phú công nghệ Elon Musk, nhà đồng sáng lập LinkedIn - Peter Thiel. Microsoft của Satya Nadella cũng đã đầu tư lần đầu vào OpenAI vào năm 2019.
Kể từ khi ra mắt công chúng, ChatGPT đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng nhờ khả năng đọc hiểu câu hỏi về nhiều lĩnh vực khác nhau và hồi đáp nhanh chóng.
Chỉ 5 ngày sau khi ra mắt, chương trình máy tính này đã cán mốc 1 triệu người sử dụng. Tốc độ này bỏ xa các tượng đài công nghệ trước đó như Instagram (2,5 tháng), Spotify (5 tháng), Dropbox (7 tháng) hay Facebook (10 tháng).
Theo số liệu thống kê của Ark Invest, lượng người sử dụng ChatGPT đã vượt qua mốc 12 triệu người. Chương trình máy tính này ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các cuộc nói chuyện và thảo luận của mọi người. Trong những câu chuyện đó, nó được nhắc tới như một sản phẩm công nghệ mới có khả năng làm thay đổi và định hình lại thế giới trong những năm tới.
Cú hích trí tuệ nhân tạo
So với các chatbot hiện nay, ChatGPT mang đến cảm xúc đặc biệt hơn nhờ sự mềm mại trong việc sử dụng ngôn ngữ cùng khả năng ứng biến các đoạn hội thoại một cách trôi chảy.
ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi liên quan đến kiến thức, tạo các đoạn văn bản tự động theo yêu cầu, dịch văn bản từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác... Nhờ vậy, chương trình này có thể được ứng dụng vào nhiều mục đích khác nhau, đặc biệt là ở vai trò của một trợ lý ảo hoặc các hệ thống tổng đài tự động chăm sóc khách hàng.
Trên thực tế, dù mới chỉ ra mắt được một thời gian ngắn, đã có vô vàn kịch bản sử dụng được người dùng tạo ra cho ChatGPT, từ vai trò của một cuốn từ điển online, thử thách khả năng viết luận, soạn thảo văn bản, trả lời email, thậm chí cả viết văn và xây dựng kịch bản. Dù ở vai trò nào, nó đều cho ra kết quả tròn vai, ở mức chấp nhận được.
Với độ “phủ sóng” như hiện nay, ChatGPT có thể tạo ra một cú hích, một trào lưu về việc tạo ra các đoạn văn bản bằng AI theo một cách rất giống con người, tương tự như trào lưu vẽ tranh bằng AI từng rất phổ biến. Trong tương lai không xa, việc giao tiếp với ChatGPT còn có thể tiến thêm một bước mới với sự xuất hiện của trợ lý ảo có diện mạo và giọng nói sống động.
Kể từ khi ChatGPT xuất hiện, có những lo ngại về khả năng AI sẽ thay thế con người, đặc biệt là ở các công việc yêu cầu khả năng tổng hợp, phân tích, tạo lập văn bản và trả lời.
Mặc dù vậy, ChatGPT đôi khi viết ra những câu trả lời nghe có vẻ hợp lý, nhưng lại không chính xác hoặc vô nghĩa. Chất lượng và độ chính xác của câu trả lời do hệ thống tạo ra cũng phụ thuộc rất lớn vào quá trình đào tạo AI từ nguồn dữ liệu đầu vào.
Chương trình chỉ có thể hỗ trợ con người trong một số khía cạnh, đặc biệt là những công việc mang tính chất tổng hợp, lặp đi lặp lại và không có khả năng thay thế con người. Các thuật toán của AI vẫn chưa thể tạo ra những nội dung có chất lượng cao, đặc biệt là ở những lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm, chuyên môn sâu và khả năng sáng tạo.
Phía sau sự hào nhoáng
Việc cả thế giới hào hứng với ChatGPT là điều ngay chính đội ngũ điều hành Open AI không thể ngờ tới. Giám đốc điều hành Open AI - Sam Altman từng thú nhận: "Nhu cầu với ChatGPT vượt ngoài sự mong đợi của chúng tôi".
Sự thành công của ChatGPT dẫn tới việc Microsoft đã quyết định rót khoản đầu tư được đồn đoán trị giá 10 tỷ USD vào OpenAI để đẩy nhanh các nghiên cứu đột phá về trí tuệ nhân tạo. Tuy vậy, đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của cơn sốt ChatGPT, những mặt trái không phải ai cũng biết.
Kết quả một cuộc điều tra do Time thực hiện, để ChatGPT cho ra đời những đoạn hội thoại mượt mà, trơn tru như hiện tại, đó là cả một sự kỳ công. Đơn vị phát triển đã phải tìm cách loại bỏ những thông tin sai lệch, các ngôn từ kích động bạo lực, hận thù, phân biệt giới tính, quấy rối tình dục... trong quá trình đào tạo AI từ những nội dung thu thập trên Internet.
OpenAI đã thuê một công ty phần mềm Kenya, sử dụng nhân công giá rẻ tại địa phương để gán nhãn nhằm sàng lọc dữ liệu. Đó là những nội dung được lấy từ nơi tăm tối nhất của Internet, với các thông tin được miêu tả là man rợ, thú tính liên quan việc lạm dụng tình dục trẻ em, tra tấn, giết người và cả tự tử.
Những lao động này được trả từ 1,32-2 USD mỗi giờ. Họ phải đọc và gán nhãn cho khoảng 150-250 đoạn văn bản mỗi ngày trong khoảng thời gian 9 tiếng. Để đánh đổi cho thành công của ChatGPT hôm nay, nhiều người trong số họ đã bị tổn thương tinh thần và thường xuyên gặp ám ảnh bởi vô số những nội dung ghê rợn mà họ phải gán nhãn mỗi ngày. Điều kiện làm việc khắc nghiệt đó chính là mặt tối của bức tranh trí tuệ nhân tạo.
Sự phát triển và phổ biến của ChatGPT còn mang đến nhiều thách thức khác cho thế giới. Dễ nhận thấy nhất là việc sử dụng nó để gian lận trong việc hoàn thành các bài viết, khóa luận.
Bên cạnh đó, nhiều quan ngại về việc ChatGPT sẽ bị lợi dụng để trở thành công cụ phục vụ cho những kẻ lừa đảo. Một số hacker đã bắt đầu sử dụng khả năng của chương trình vào mục đích viết kịch bản cho những cuộc tấn công phishing nhằm phát tán mã độc.
ChatGPT sẽ thay đổi thế giới?
Trước hiện tượng ChatGPT đang được quan tâm từ nhiều giới, VietNamNet đã tham khảo ý kiến một số chuyên gia trong lĩnh vực:
TS Đặng Minh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC (CMC ATI)
Bản chất cách vận hành của ChatGPT là trả lời câu hỏi dựa vào máy học (machine learning), tức là học trên dữ liệu huấn luyện và đoán từ tiếp theo trong câu theo xác suất và trọng số của liên kết với các từ khác trong ngữ cảnh câu hỏi. Chính vì thế, ChatGPT không phải một cơ sở dữ liệu tri thức và cũng không phải một hệ có thể hiểu về ngữ nghĩa.
Ưu điểm của ChatGPT là cho ra câu trả lời rất giống người thật trả lời và do được huấn luyện trên một tập dữ liệu rất lớn, nên nó có thể trả lời khá đúng trong rất nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nó không có khả năng sáng tạo ra tri thức mới.
"Sự xuất hiện của ChatGPT cũng giống như Google Search cách đây gần 30 năm. Người ta từng lo rằng mọi tri thức đều có trên mạng, chỉ cần Google là có, vậy nên nghề viết báo hay dạy học sẽ dần biến mất. Thực tế cho thấy, Google vẫn chỉ là công cụ tìm kiếm thông tin và không thể xóa bỏ một số ngành nghề" - TS Đặng Minh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC (CMC ATI)
Ở một phương diện, có thể coi ChatGPT như một hệ tìm kiếm thông tin (search engine) với đầu vào yêu cầu phong phú về ngữ cảnh và đầu ra cho mỗi yêu cầu là một câu trả lời.
Khác với Google - đầu vào là từ khóa nhưng đầu ra gồm nhiều kết quả là các đường link, ChatGPT cho ra kết quả ngắn gọn hơn, nhưng có điểm yếu là thiếu bằng chứng, dẫn nguồn. Do đó, kết quả được chương trình trả về không chắc chắn về độ chính xác, tin cậy. Trong những ngày qua, có nhiều ví dụ cho thấy ChatGPT đưa ra kết quả sai lệch cả về thông tin lẫn logic.
ChatGPT chưa thể thay thế được con người trong tương lai gần. Đây có thể là công cụ tham khảo tốt, nhanh chóng đưa ra đáp án trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, để sử dụng những câu trả lời này cần phải có sự kiểm chứng, mà đôi khi việc tìm thông tin kiểm chứng còn mất thời gian hơn sử dụng Google.
Sự xuất hiện của ChatGPT cũng giống như Google Search cách đây gần 30 năm. Ở thời điểm đó, người ta cũng lo lắng rằng mọi tri thức đều có trên mạng, chỉ cần Google là có, vậy nên nghề viết báo hay dạy học sẽ dần biến mất. Thực tế cho thấy, Google vẫn chỉ là công cụ tìm kiếm thông tin và không thể xóa bỏ một số ngành nghề.
Trần Việt Hùng - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Got It
Chúng ta cần để ChatGPT chạy thử thêm một thời gian nữa, cẩn thận quan sát và đánh giá trước khi đưa ra kết luận.
Mọi người thường đánh giá thấp AI về khả năng viết lách cũng như đọc hiểu ngôn ngữ. Thế nhưng với tốc độ phát triển như hiện tại, các phiên bản tiếp theo của ChatGPT sẽ còn làm được nhiều điều kỳ diệu hơn hiện giờ.
"Chúng ta cần để ChatGPT chạy thử thêm một thời gian nữa, cẩn thận quan sát và đánh giá trước khi đưa ra kết luận", Trần Việt Hùng - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Got It.
Tuy mọi thứ chỉ mới bắt đầu, ChatGPT đã góp phần giúp tăng năng suất lao động cho rất nhiều người. Công cụ này đặc biệt hiệu quả khi áp dụng với những công việc liên quan đến viết lách hoặc các thông tin hỏi đáp về kiến thức chung.
Thay vì thử thách ChatGPT theo kiểu đánh đố, chúng ta nên thay đổi góc nhìn để xem AI có thể làm được gì và biến nó thành công cụ. Đây là điều mà 99% mọi người trên khắp thế giới đang cần.
Ngô Minh Hiếu - Chuyên gia bảo mật
OpenAI sử dụng các bộ dữ liệu có sẵn được thu thập từ nhiều nguồn để dạy ChatGPT. Với trình độ hiện nay, nó có thể xem như một nguồn thông tin tham khảo, kết hợp kiểm chứng thêm bằng những nguồn khác. Người dùng không nên quá tin tưởng vào ChatGPT, bởi độ chính xác của câu trả lời đôi khi có vấn đề.
Các lập trình viên chuyên nghiệp sẽ không thể bị thay thế bởi chương trình máy tính này. Thay vì vậy, ChatGPT có thể được sử dụng để giúp các lập trình viên trong việc gợi ý những đoạn mã bị lỗi, cách giải quyết, bổ sung thêm các tính năng để cải thiện sản phẩm.
"Một số hacker nghiệp dư đã và đang sử dụng ChatGPT cho các mục đích xấu. Nếu không được “dạy dỗ” tốt, không có sự sàng lọc về dữ liệu, ChatGPT sẽ trở thành thảm họa", Ngô Minh Hiếu - Chuyên gia bảo mật.
Nếu được cung cấp nguồn dữ liệu đầu vào tốt, ChatGPT sẽ ngày càng trở nên thông minh và được sử dụng rộng rãi hơn, thậm chí trong các lĩnh vực như nghệ thuật, âm nhạc, văn học....
Công nghệ lúc nào cũng có hai mặt sáng và tối. Ở chiều ngược lại, nếu không được “dạy dỗ” tốt, không có sự sàng lọc về dữ liệu, ChatGPT sẽ trở thành thảm họa. Hacker có thể lợi dụng chương trình này để viết các nội dung email lừa đảo, fake news, gợi ý tạo ra các mã độc.
Một số hacker nghiệp dư đã và đang sử dụng ChatGPT cho các mục đích xấu. Đây là vấn đề mà các nhà nghiên cứu về bảo mật đang lo ngại.
Với sự phát triển nhanh của AI, sẽ có thêm một loạt các hình thức lừa đảo mới như sử dụng công nghệ để giả giọng con người hoặc che đậy danh tính thực nhằm mục đích lừa đảo, phá hoại hay bôi nhọ người khác, thậm chí qua mặt các hệ thống an ninh. Đây là điều đã từng xảy ra với sự xuất hiện của DeepFake trước đó.
Theo Trọng Đạt (ICT News)