Có hai luồng ý kiến xoay quanh chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT: Nó có thể bị lợi dụng để viết luận văn hay làm bài tập thay cho học sinh, sinh viên song cũng có tác dụng xóa bỏ rào cản ngôn ngữ và định hình giáo dục đại học.
Tiện lợi và nguy cơ
ChatGPT biết dịch thuật và tổng hợp văn bản cũng như trả lời câu hỏi, làm dấy lên lo ngại về gian lận trong học tập.
Để đánh giá mức độ đáng tin cậy của văn bản do AI tạo ra trong mắt chuyên gia, một nhóm nhà khoa học tại Mỹ đã đề nghị đồng nghiệp phân biệt các trích dẫn nghiên cứu của AI và con người. Theo nghiên cứu đăng trên website bioRxiv hồi tháng 12/2022, kết quả là 32% trích dẫn của AI bị nhầm do con người viết và 14% trích dẫn của con người bị nhầm do AI viết.
Những người tham gia thử nghiệm cảm thấy việc phân biệt khó một cách bất ngờ. Song, các trích dẫn của AI đều khá mơ hồ và tạo cảm giác “công thức”, nhóm nghiên cứu từ Đại học Northwestern và Đại học Chicago nhận xét. Tác giả chính của nghiên cứu, Catherine Gao, bày tỏ lo ngại AI có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của cộng đồng khoa học.
“Bất kỳ công nghệ nào nếu bị lạm dụng đều nguy hiểm. Điểm độc đáo ở ChatGPT là khả năng tiếp cận dễ dàng, miễn phí và nhanh chóng”, bà chia sẻ. Bà cũng cho rằng các tổ chức có thể dùng nó để làm giả các nghiên cứu và kết quả khoa học dễ hơn. Các công trình khoa học dựa trên dữ liệu sai đều nguy hại.
Dù vậy, khả năng dịch thuật và soạn thảo bằng tiếng Anh, Trung, Tây Ban Nha và Pháp của ChatGPT cũng sẽ hỗ trợ các nhà khoa học đăng bằng bằng ngôn ngữ thứ hai, theo bà Gao. Nó giúp giảm tải gánh nặng ngôn ngữ và phân phối các công trình cho các nhà khoa học.
Tờ SCMP đã yêu cầu ChatGPT viết một trích dẫn khoa học mà không cung cấp dữ liệu, chatbot trả kết quả nhưng kèm ghi chú “kết quả và kết luận có thể không chính xác”. Song, trong một số trường hợp, nó đưa ra lời xin lỗi: “Là một mô hình ngôn ngữ, tôi không có quyền truy cập dữ liệu chính hoặc có chuyên môn để tiến hành một nghiên cứu, vì vậy không thể cung cấp trích dẫn cho một nghiên cứu không tồn tại”.
Khi hỏi có thể làm gì cho các nhà khoa học, ChatGPT đưa ra hàng loạt gạch đầu dòng như: Cung cấp thông tin và trả lời câu hỏi về các chủ đề cụ thể trong lĩnh vực nghiên cứu; tạo ra các giả thuyết và dự đoán dựa trên dữ liệu; tóm tắt và phân tích các tập dữ liệu lớn; hỗ trợ viết các tài liệu nghiên cứu và đề xuất tài trợ; hỗ trợ thiết kế và lập kế hoạch thử nghiệm, dịch văn bản. Gạch đầu dòng cuối cùng là “nhiều hơn thế”.
“Tác động khổng lồ” đến giáo dục
Trong một bài báo trên China Science Daily, Guo Ying Jian – Viện phó Viện Quản trị và Phát triển vốn thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc – cho rằng, hệ thống giáo dục đại học trong nước nên chuẩn bị cho “tác động khổng lồ” của ChatGPT. Ông viết: “Giáo viên nên dạy học sinh tận dụng tối đa công nghệ này để kích thích sự sáng tạo và tư duy của con người”.
Ông cũng đặt câu hỏi nên quản lý cách dùng chatbot này như thế nào và liệu việc sử dụng văn bản do AI tạo ra có nên được quản lý khác biệt với đạo văn hay không. Ông tin rằng dù hiện tại AI chưa thể thực hiện các nghiên cứu gốc, với sự phát triển nhanh chóng, tương lai ấy sẽ không còn xa.
Wang Yanbo, Phó Giáo sư Chiến lược và Đổi mới tại Đại học Hong Kong, không lo ngại về phần mềm viết AI do sự sáng tạo của con người vẫn là mấu chốt. Dù có hay không có sự hỗ trợ của AI, những người có ý đồ xấu đều sẽ làm giả phát hiện khoa học và đưa vào các bài báo chất lượng thấp, ông Wang nhận định.
Đầu tháng này, thành phố New York đã cấm sử dụng chatbot trong các thiết bị và mạng của trường học do lo ngại nó không giúp xây dựng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề của học sinh. Theo ông Wang, “cám dỗ” khi lựa chọn con đường dễ đi và để cho công nghệ làm điều “dơ bẩn” rất cao.
Song, thay vì cấm trên lớp, ông Wang cho rằng giáo viên nên thiết kế lại cách giảng dạy và cách tương tác với nội dung bài giảng của học sinh. “Không sớm thì muộn” các giáo viên sẽ phải tích hợp công nghệ như ChatGPT vào bài giảng và trên lớp học để giúp học sinh chủ động nắm bắt giai đoạn mới của thế giới, ông nói.
Theo Du Lam (ICT News)