Sáng 22/3, đại diện Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam xác nhận sự việc chiều qua (21/3) tại khuôn viên học viện, nhiều cán bộ y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh mang theo băng rôn, khẩu hiệu tiếp tục phản đối bị nợ lương. Bệnh viện không đủ nguồn kinh phí để trả lương tháng 2 và 3/2022 cho cán bộ, nhân viên.
Vị đại diện cũng thông tin, ngày 18/3, lãnh đạo học viện thống nhất tiếp tục tạm ứng kinh phí cho bệnh viện để chi trả tiền từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp kết dư của học viện (theo hướng dẫn của Bộ Y tế). Phòng tài chính kế toán của học viện đang thực hiện các bước theo quy định để chi khoản này. Vì vậy, sau sự việc trên, ban giám đốc học viện chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với công đoàn gặp gỡ, động viên và đề nghị y bác sĩ, người lao động bình tĩnh, không tụ tập đông người, gây mất ổn định nội bộ.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bà Lê Thanh Bình - tổ trưởng tổ công đoàn Bệnh viện Tuệ Tĩnh - cho biết toàn bộ cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện đã nhận được số tiền lương bị nợ từ tháng 5-2021 vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên đến nay bệnh viện lại tiếp tục nợ lương tháng 2 và tháng 3.
"Chúng tôi không thể tháng nào cũng phải ra đường để đòi lương. Trước đây chỉ nợ 50% lương, còn nay nợ 100% lương. Khi chúng tôi đòi quyền lợi, phía lãnh đạo bệnh viện nói tuần này, tuần sau bên học viện sẽ cho vay tiền để trả lương.
Lần này chúng tôi tiếp tục xuống đường không đơn thuần là do bị nợ lương. Chúng tôi mong muốn giải quyết triệt để vấn đề tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh về việc sáp nhập hay giải thể bệnh viện phải rõ ràng, không thể để người lao động sống trong kiểu thấp thỏm như thế này.
Nghĩa là Bệnh viện Tuệ Tĩnh thuộc bên nào và bên nào chịu trách nhiệm trả lương cho các nhân viên y tế của bệnh viện", bà Bình bức xúc.
Bác sĩ Lê Thị Ánh - khoa ung bướu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh - cho biết 2 tháng qua, các phòng ban của bệnh viện đã bắt đầu có bệnh nhân điều trị.
"Chúng tôi rất cố gắng để làm việc, thu hút bệnh nhân. Nhưng 2 tháng nay lại không nhận được một đồng lương nào, kể cả ngày lễ 27-2 cũng không có một chế độ nào.
Trong khi đó, vào trước Tết, lãnh đạo bệnh viện hứa sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề này nhưng đến nay thì lại như vậy. Chúng tôi buộc phải xuống đường, rất mệt mỏi", bác sĩ Ánh nói.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Uyên mệt mỏi cầm băng rôn trên tay chia sẻ bình thường giờ này đáng lẽ đã được về với gia đình nhưng phải nán lại để... xuống đường.
“Hai tháng nay không có lương, tôi phải vay mượn hai bên gia đình để chi trả cuộc sống. Ai cũng hỏi 'lại nợ lương à?'. Tôi thật sự rất mệt mỏi, không biết bao giờ bệnh viện mới giải quyết dứt điểm được vấn đề này cho chúng tôi", bà Uyên buồn rầu nói.
Các cán bộ y tế mong muốn sẽ giải quyết được dứt điểm việc nợ lương để nhân viên yên tâm làm việc.
Trước đó, vào các chiều 11, 12 và 13-1-2022, hàng chục cán bộ viên chức, người lao động Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã xuống đường, cùng với băng rôn nhằm gây sức ép để bệnh viện này trả khoản lương đã nợ suốt 8 tháng.
Ngày 12-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo lãnh đạo Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Tổng số tiền khoảng 10,2 tỉ đồng, được trích từ nguồn quỹ Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã đề nghị Bộ Y tế tạm ứng trước.
Sau thời gian dài bị nợ lương, tối muộn 25-1, tất cả nhân viên bệnh viện đã nhận đủ số lương bị nợ, gồm 50% lương từ tháng 5 đến tháng 11-2021 và toàn bộ lương tháng 12-2021, tháng 1-2022.
Thế nhưng, chỉ 2 tháng sau đó, tình trạng này đã tái diễn và lần này, các nhân viên y tế càng trở nên mệt mỏi khi số lương bị nợ là 100%.
NT (Nguoiduatin.vn)