Một bệnh viện ở Hà Nội bị tố nợ lương 160 bác sĩ, nhân viên y tế 6 tháng qua, nhiều người phải bán rau, ship hàng

17/11/2021 17:12:38

Nhiều cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Bộ Y tế) bị nợ 50% tiền lương đã nhiều tháng qua.

Tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch tại TPHCM gần 3 tháng và vừa trở về Hà Nội từ đầu tháng 10, chị Đặng Thu Hiền (điều dưỡng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh) cho biết bị Bệnh viện nợ 50% lương từ tháng 5/2021 đến nay.

"Với số tiền lương 3,3 triệu đồng/tháng (bằng 50% tiền lương hàng tháng theo hợp đồng đã ký - PV) tôi không đủ tiền đóng học cho con. Trong khoảng thời gian chống dịch, cứ mỗi lần nghĩ đến công việc và mức lương được nhận, tôi lại thấy chua chát”, chị Hiền nói với PV báo Lao Động.

Nữ điều dưỡng này cho biết đã xoay sở, bán hàng online để kiếm thêm thu nhập nhưng “bước đầu cũng không ăn thua”.

Một bệnh viện ở Hà Nội bị tố nợ lương 160 bác sĩ, nhân viên y tế 6 tháng qua, nhiều người phải bán rau, ship hàng
Chị Hiền (bên trái) tham gia chống dịch tại TP HCM.

Cũng theo phản ánh trên báo Lao Động, vợ chồng anh Kiều Đức Xương và chị Lê Thị Định đều là y, bác sỹ đã làm việc tại bệnh viện Tuệ Tĩnh được 10 năm. Trước năm 2019, thu nhập của hai vợ chồng vào khoảng 14 triệu đồng. Đến nay, con số đó giảm xuống chỉ còn gần 5 triệu. Với số lương ít ỏi được nhận, mọi thứ đang khiến cuộc sống gia đình anh Xương bị xáo trộn.

“Ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, vợ ở nhà chăm con, còn tôi phải đi khám chữa bệnh đông y thêm ở bên ngoài. Gia đình phải liệu cơm gắp mắm, làm ít tiêu ít, cắt giảm chi tiêu nhiều hơn và đi tìm nguồn thu khác để phục vụ nhu cầu hằng ngày”, anh Xương cho hay.

Khá khẩm hơn chị Hiền và anh Xương, chị Định, bác sĩ Phạm Minh Vương (Phó Khoa Cơ xương khớp) cũng tâm sự, kể từ đợt tháng 5, dịch diễn biến phức tạp tại Hà Nội, anh cùng nhiều cán bộ, nhân viên tại bệnh viện bị nợ 50% lương, mỗi tháng anh Vương nhận được 3,2 triệu.

"Nửa năm qua, tôi phải đi làm thêm ngoài bằng cách nhận chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Tôi có chuyên môn nên đỡ hơn các điều dưỡng, nhân viên hợp đồng rất nhiều. Lương của nhân viên hợp đồng chỉ bằng 1 nửa số lương tôi nhận được, hầu hết các bạn không chịu được đã xin nghỉ việc, nhiều người còn phải bán rau, ship hàng, làm xe ôm kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống thực sự khó khăn", BS Vương nói với PV báo Doanh Nghiệp & Tiếp Thị.

Chị Huyền, anh Xương, chị Định hay anh Vương chỉ là số ít trong gần 160 cán bộ, nhân viên cơ hữu, nhân viên hợp đồng ở bệnh viện Tuệ Tĩnh rơi vào tình cảnh bị đơn vị này nợ lương. Để có tiền trang trải sinh hoạt gia đình, nhiều cán bộ, y bác sĩ tại Bệnh viện đã chọn giải pháp đi làm thêm. Có người tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi ship hàng, có người chọn bán hàng online, có người mở thêm sạp rau mưu sinh.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Lê Thanh Bình, kế toán viên của Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, thời điểm tháng 5.2021, khi cán bộ, nhân viên bệnh viện phản ứng với việc chỉ nhận được 50% lương, Ban giám đốc Bệnh viện cho biết, trong tháng 6 sẽ thanh toán đầy đủ.

Sau đó, khi nhận thấy không đủ điều kiện tài chính để trả lương đủ 100% cho cán bộ, Ban giám đốc Bệnh viện đã họp với các Tổ trưởng Công đoàn tại bệnh viện Tuệ Tĩnh để đưa ra ý kiến sẽ chỉ trả 50% lương cho cán bộ.

 

Một bệnh viện ở Hà Nội bị tố nợ lương 160 bác sĩ, nhân viên y tế 6 tháng qua, nhiều người phải bán rau, ship hàng - 1
Nữ điều dưỡng Lê Thanh Huyền (khoa Phụ sản) bán rau vào buổi tối sau khi bị Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ lương kéo dài.

"Mặc dù chúng tôi đã làm các biên bản thông qua kênh Công đoàn để gửi lên Ban giám đốc yêu cầu chi trả 100% lương theo quy định nhưng không được lãnh đạo Bệnh viện phản hồi. Thậm chí, dù chỉ còn 50% lương nhưng trong tháng 10 vừa qua, Bệnh viện cũng không trả đúng hạn. Chỉ đến khi cán bộ, nhân viên phản ứng và có ý định ngừng việc tập thể, thì đến ngày 29/10, Bệnh viện mới chi trả lương", chị Bình nói.

Lý giải về nguyên nhân, theo chị Bình, trong một cuộc họp giao ban gần đây, Ban giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh thông báo thời điểm hiện tại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chưa tìm nguồn thu, vì vậy chưa có tiền để trả lương tháng 11/2021 cho người lao động.

"Một phần là do dịch bệnh viện không có nguồn thu, phần khác, từ năm 2019 Ban giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh tự ý xin chủ trương từ bệnh viện công sang tự chủ. Chính vì thế 100% nguồn thu và hỗ trợ từ lượng bệnh nhân đến khám. Tuy nhiên, Tuệ Tĩnh nếu xét về năng lực sẽ không đáp ứng đủ điều kiện để tự chủ, nếu cứ tình trạng dịch bệnh này diễn ra, lượng bệnh nhân không có thì cán bộ, nhân viên y tế của chúng tôi sẽ sống như thế nào với đồng lương ít ỏi này", chị Bình bức xúc.

 

Một bệnh viện ở Hà Nội bị tố nợ lương 160 bác sĩ, nhân viên y tế 6 tháng qua, nhiều người phải bán rau, ship hàng - 2
Nữ điều dưỡng Lê Thanh Huyền (khoa Phụ sản) bán rau vào buổi tối sau khi bị Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ lương kéo dài.

 

Chị Bình tâm sự, nhân viên y tế nhiệm vụ là cứu người, nhưng nếu tinh thần bị ảnh hưởng thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cứu người, chính vì thế chị chỉ mong thời gian tới, vấn đề của anh em công nhân viên cán bộ tại bệnh viện được giải quyết để mọi người an tâm làm việc.

Được biết, vào ngày 29/10 vừa qua, tập thể bệnh nhân nội trú của Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã làm đơn kiến nghị gửi đến Ban giám đốc Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam và Bệnh viện Tuệ Tĩnh đề nghị chi trả lương theo đúng quy định cho các cán bộ, y, bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện. 

Minh Ngọc (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật