Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý), Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ), nhiều điểm quan trắc chuyển màu đỏ - mức có hại cho sức khỏe và tình trạng ô nhiễm thường kéo dài trong ngày.
Lúc 9 giờ ngày 8/1, hệ thống quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) ghi nhận chỉ số AQI ở mức 104. Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND thành phố Hà Nội ghi nhận 5/10 điểm quan trắc có chỉ số AQI ở mức từ 105-128, không tốt cho nhóm nhạy cảm có các vấn đề về sức khỏe.
Theo AirVisual, chỉ số AQI tại Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc ở ngưỡng đỏ, trong đó ở Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hưng Yên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định mức cao từ 172-186, có hại cho sức khỏe.
PAMAir ghi nhận chỉ số AQI ở một số điểm quan trắc đặt tại Hà Nội và một số nơi như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hải Dương có mức đỏ, không tốt cho sức khỏe - chỉ số AQI đều ở mức 151-168, thậm chí có một điểm cao nhất ở thành phố Thái Nguyên là 183.
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thành phố Hà Nội cũng như miền Bắc đang trong mùa Đông, thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có bụi PM2.5, thường cao nhất trong năm.
Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân nên cập nhật thường xuyên tình trạng chất lượng không khí, trong những khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao nên sử dụng khẩu trang chống bụi và hạn chế các hoạt động ngoài trời, hạn chế mở cửa sổ.
Theo Minh Nguyệt (TTXVN)