Chiều 18/12, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị đánh giá và bàn các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.
Học sinh được nghỉ học những ngày không khí ô nhiễm nghiêm trọng
Báo cáo về thực tế ô nhiễm không khí những ngày qua, ông Lê Tuấn Định - Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, cho biết từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn TP có 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài (trung bình 5-10 ngày), chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu. Đợt ô nhiễm không khí cao điểm nhất là trong tháng 12, từ ngày 8/12 đến 14/12.
Đánh giá nguyên nhân, ông Định cho biết có hai nhóm nguyên nhân khách quan và chủ quan.
"Nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng từ điều kiện thời tiết cực đoan, tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, đặc biệt tháng 12 mưa ít, ít gió, giảm đối lưu trong không khí khiến mức độ ô nhiễm không khí gia tăng", báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Định.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là từ 11 nguồn thải là nguyên nhân chính gây ô nhiễm. Trong đó chủ yếu từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động dân sinh đun nấu, sử dụng than tổ ong, đốt rác rơm rạ.
Bên cạnh đó, chất lượng không khí Thủ đô cũng suy giảm bởi nhiều nguyên nhân khách quan như địa hình đa dạng với núi thấp, khu vực nội thành là vùng trũng thấp dẫn đến tích tụ, khó khăn trong lưu thông không khí. Bên cạnh đó, tháng 12 đến tháng 1 là lúc lượng mưa ít, lặng gió nên chất lượng không khí đặc biệt xấu.
Đề cập đến các giải pháp ứng phó trước tình trạng ô nhiễm không khí diễn biến phức tạp, Sở TN&MT đề nghị UBND Hà Nội giao các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các công trình thi công, xây dựng, các khu công nghiệp, làng nghề, các khu xử lý chất thải tập trung.
Sở cũng đề nghị thành phố thiết lập quy định về tình trạng khẩn cấp khi không khí chạm ngưỡng nguy hại (AQI >300). Theo đó, trong những ngày này, UBND Hà Nội ban hành thông báo về tình hình chất lượng không khí tới Sở Giáo dục Đào tạo để các trường mầm non, tiểu học cho các em học sinh nghỉ học, theo Zing.
Ngoài ra, trong những ngày này, Sở TN&MT đề nghị thành phố cấm các loại xe tải nặng, đặc biệt là xe chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng lưu hành trong 12 quận nội thành, tạm dừng các hoạt động xây dựng, phá dỡ cải tạo công trình trong giờ cao điểm.
Đề nghị rửa đường sau 3 năm
Tại hội nghị, Sở TN&MT đề nghị thành phố cấm các loại xe tải nặng, đặc biệt là xe chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng lưu hành trong 12 quận nội thành, tạm dừng các hoạt động xây dựng, phá dỡ cải tạo công trình trong giờ cao điểm.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Nắng Mai, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho rằng, trất khó kiểm soát hoạt động khai thác cát, hoạt động của xe chở cát, đặc biệt là việc yêu cầu rửa xe khi ra khỏi vùng khai thác, thi công. Vì vậy bà Mai kiến nghị được tưới nước rửa đường trên 15 tuyến đường chính. Hiện, Sở Xây dựng đã thống nhất ý kiến để kiến nghị lên TP.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai, quận Đống Đa cũng đề nghị được rửa đường các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn quận, theo Người lao động.
Trước đó, từ năm 2016, TP Hà Nội cho nhập hơn 100 xe hút bụi, quét rác. Cùng với đó, TP Hà Nội cũng dừng hạng mục tưới nước rửa đường. Tại thời điểm đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết mỗi chiếc xe quét rác, hút bụi bằng 12 công nhân làm việc. Qua việc cơ giới hóa như vậy, mỗi năm TP tiết kiệm khoảng 70 tỉ đồng tưới nước, rửa đường.
Theo ông Mai Trọng Thái, từ cuộc họp giao ban tháng 3/2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cho phép công ty môi trường rửa đường trở lại. Với thời tiết hanh khô, nhiệt độ cao gây ra bụi thì TP cho phép rửa đường bằng xe chuyên dụng.
Theo Lê Lan (Nguoiduatin.vn)