Xâm nhập đường dây 'đánh' hàng lậu miền biên viễn Lạng Sơn

29/10/2019 08:40:04

Với sự chỉ huy của những “đầu nậu”, mỗi ngày hàng nghìn bao hàng lậu được “tuồn” về từ các đường mòn, lối mở khu vực Cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn). Sau nhiều tuần nhập vai, từ làm lái buôn đến cửu vạn, PV Báo Gia đình & Xã hội đã ghi nhận được đường đi của hàng lậu từ Trung Quốc vào nội địa Việt Nam.

Xâm nhập đường dây 'đánh' hàng lậu miền biên viễn Lạng Sơn
Hàng hóa sau khi đóng bao tại Lũng Vài (Trung Quốc) sẽ được vận chuyển đến khu vực ráp danh biên giới rồi “tuồn” sang Việt Nam bằng các đường mòn, lối mở. Ảnh: Cao Tuân

Bí mật ở "thánh địa" Lũng Vài

Ngày 21/10, Đội Quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn) phát hiện xe ô tô loại 16 chỗ vận chuyển nhiều bao hàng hóa không có hóa đơn, giả mạo nhãn hiệu được chuyển từ Trung Quốc về Lạng Sơn để đưa đi các tỉnh nội địa tiêu thụ. Vụ việc nhanh chóng nhận được sự quan tâm của lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng như cơ quan chức năng địa phương. Thế nhưng, ngồi trước hàng nghìn bao hàng lậu vừa được cửu vạn vác từ bên Trung Quốc về, qua khu vực Đồi keo thuộc địa phận cánh gà cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng), Hùng "ma" – một "cai cửu" khét tiếng vùng biên khẳng định: "Đây là trường hợp rất nhỏ khi vận chuyển hàng lậu bị bắt giữ cũng bởi không tuân thủ luật chơi (?)".

Xâm nhập đường dây 'đánh' hàng lậu miền biên viễn Lạng Sơn - 1
Cửu vạn ngang nhiên “cõng” hàng lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Người đàn ông giới thiệu quê ở Bắc Kạn này kể chuyện: Trước đây, các "đầu nậu" lợi dụng chính sách cho cư dân vùng biên giới được miễn thuế với giá trị 2 triệu đồng hàng hóa/người/ngày để thuê người dân địa phương bốc vác hàng, sau đó thu gom lại để mang hàng vào nội địa tiêu thụ. Thế nhưng, do nhu cầu hàng hóa đưa về Việt Nam tiêu thụ quá lớn, nên những "trùm đầu nậu" hình thành đường dây "đánh hàng" qua đường mòn lối mở ngay cạnh cửa khẩu, với sự tham gia của đủ các thành phần.

Trong vai là một lái buôn có nhu cầu lấy hàng số lượng lớn ở Quảng Tây (Trung Quốc), tôi được Hùng "ma" đưa đến Cửa khẩu Hữu Nghị làm thủ tục thông hành rồi đi taxi khoảng 30 phút đến Lũng Vài (Quảng Tây, Trung Quốc). Theo lời "cai cửu" này, Lũng Vài là điểm tập kết hàng hóa của Trung Quốc trước khi tràn vào thị trường Việt Nam kể cả theo đường chính ngạch hay tiểu ngạch. Còn theo cách gọi của dân buôn, Lũng Vài giờ đây là "Quảng Châu thu nhỏ", nơi khách hàng có thể đặt mua mọi thứ như đang ở Quảng Châu đích thực.

Xâm nhập đường dây 'đánh' hàng lậu miền biên viễn Lạng Sơn - 2
Nhiều bao hàng lớn bị mắc kẹt qua cánh cửa hàng rào biên giới, phải rất khó khăn nhóm cửu vạn mới đưa qua được.

Tại Lũng Vài, đập vào mắt chúng tôi là những con đường bê tông dài hun hút, 2 bên là những ngôi nhà 2 tầng, diện tích khoảng 20m2/tầng, ước tính có tới gần 1 nghìn cửa hàng như vậy. Tất cả được thiết kế theo 1 kiểu kiến trúc, bên ngoài treo biển hiệu kinh doanh bằng cả tiếng Hoa và tiếng Việt. Hàng chất đống bên lề đường đang chờ vận chuyển. Xung quanh nơi tổng kho chất đầy hàng hóa này lại rất ít nhà dân mà chỉ bạt ngàn đồi núi và rừng rậm.

Vào bên trong khu trung tâm thương mại rộng lớn này, chúng tôi thấy đủ các thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới được làm nhái với giá vô cùng rẻ. Cầm trên tay chiếc áo khoác nam hiệu Gucci, tôi không thể phân biệt được với hàng thật bởi đường may rất sắc sảo, bên trong còn miếng vải lớp túi lót in mờ tên hãng "Gucci". Thậm chí các tem size, bảng hướng dẫn giặt, nút dự phòng... đều đầy đủ các đặc điểm mà thương hiệu này hay sử dụng. Tại gian hàng đồ gia dụng có đầy đủ sản phẩm làm nhái của các thương hiệu nổi tiếng... Theo lời bà chủ trẻ tuổi của gian hàng này, hầu hết các mẫu sản phẩm nhái hàng hiệu tại đây có giá chỉ bằng 1/10, thậm chí 1/20 so với giá niêm yết tại các shop, cửa hàng ở Việt Nam.

Xâm nhập đường dây 'đánh' hàng lậu miền biên viễn Lạng Sơn - 3
Mỗi ngày hàng nghìn bao tải chứa hàng lậu được mang về Việt Nam.

Qua tìm hiểu, hàng hóa ở Lũng Vài cũng đều từ các mối ở Quảng Chu (Quảng Đông) đưa ra, chính vì vậy nơi đây dày đặc các "văn phòng đại diện" trong đó có cả chủ ki-ốt là người Việt. "Ở Trung Quốc không cấm xuất các mặt hàng này, vì thế người dân ở đây không phải lo lực lượng chức năng. Do vậy, tất cả các đơn hàng sẽ được chủ ki-ốt đóng bao theo từng tải lớn, đánh rõ ràng tên, địa chỉ người nhận. Tất nhiên, do hàng nhái, hàng không có hóa đơn, chứng từ nên không thể đi theo đường chính ngạch, mà phải chở ra phía các đường mòn, lối mở bằng xe su-cóc (một loại xe ba bánh). Chỉ đợi đến khi "đầu nậu" bên phía Việt Nam thông báo có thể nhận hàng là bên này phát lệnh cho cửu vạn chuyển đi theo đường cánh gà Cửa khẩu Tân Thanh", Hùng "ma" kể chuyện.

Trong lúc chờ gom hàng, Hùng "ma" và một số chủ buôn khác nói chuyện rôm rả. Theo lời những người này, "đánh hàng" từ Trung Quốc về chỉ là cách gọi cho "sang mồm" chứ thực ra "dễ như mua rau". Hiện nay có rất nhiều công ty, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam sẵn sàng đứng ra nhận thầu trọn gói phục vụ cho khách buôn. Cụ thể, loại hình dịch vụ này sẽ lo liệu tất cả, việc của khách hàng chỉ còn là sang Quảng Châu chọn hàng rồi về lại Việt Nam, thậm chí là ngồi ở nhà đặt hàng online. Tất nhiên để những bao tải hàng hóa đưa từ Quảng Châu đến Lũng Vài rồi đi lậu về Việt Nam họ phải nhờ tới những "cai cửu" như Hùng "ma". Khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm chờ đợi bởi hàng sẽ được giao đến tận tay sau tối đa một tuần lễ. Đây là lý do khiến các mặt hàng của Trung Quốc, đặc biệt là đồ gia dụng và quần áo hối hả tuồn về Việt Nam và xuất hiện khắp các cửa hàng lớn nhỏ đến những người buôn bán online.

Câu chuyện giữa chúng tôi đang dở dang thì Hùng "ma" thông báo "đối tác" bên phía Việt Nam có thể nhận hàng. Từ cửa hầm Lũng Vài, một loạt xe su-cóc, ô tô nhỏ chở hàng hóa thi nhau nổ máy, nối đuôi nhau vượt dốc tiến về chân núi sát biên giới để tập kết hàng. Tại đây, sau khi "khớp lệnh", "cai cửu" chỉ huy từng nhóm cửu vạn vác hàng đi theo các đường mòn dài khoảng 1km sang khu vực ráp danh Việt Nam.

Xâm nhập đường dây 'đánh' hàng lậu miền biên viễn Lạng Sơn - 4
Xe máy chở hàng lậu từ điểm tập kết phía sau chùa Tân Thanh ra khu vực xe tải chờ sẵn.

Trên đường trở về, tôi hỏi Hùng "ma" liệu có chắc chắn số hàng hóa khổng lồ trên về được Việt Nam an toàn không?, gã khẳng định chắc nịch: "Vào những ngày đường thông, trung bình một ngày, tổng lượng hàng cửu vạn cõng qua biên phải lên đến hàng trăm tấn các loại. Thỉnh thoảng những tuyến đường xuyên đồi núi này cũng bị tắc, chủ yếu do bên Trung Quốc đóng cửa. Nói chung trừ những mặt hàng cấm như thuốc phiện, pháo, tiền giả… còn bất kể hàng hóa gì đội này cũng đảm đương được hết. Những "đầu nậu" sẽ có trách nhiệm "bao luật", kể cả việc "xin" lại hàng nếu chẳng may bị bắt giữ"(?).

Để kiểm chứng lời Hùng "ma" cũng như tìm hiểu rõ đường đi của hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam, chúng tôi quyết định nhập vai làm cửu vạn!

Hàng lậu nghênh ngang qua "chốt"

Xâm nhập đường dây 'đánh' hàng lậu miền biên viễn Lạng Sơn - 5
Tại một số đoạn đường ở cánh gà Cửa khẩu Tân Thanh, nhóm cửu vạn phải trả tiền do mang hàng qua đất nhà người dân.

Lạng Sơn những ngày đầu đông, mưa phùn khiến vùng biên ải thêm lạnh giá. Sau rất nhiều lần thuyết phục, Minh "trâu" (cửu vạn được xem là có uy tín, có quan hệ và đã làm việc rất lâu năm ở khu vực Cửa khẩu Tân Thanh) mới đồng ý xin cho chúng tôi gia nhập đội cửu vạn của nhà chủ có tên Thủy Diễm. Minh "trâu" giới thiệu đây là một "đầu nậu" lớn nhất, nhì Lạng Sơn, có thời điểm chỉ huy mấy chục "cai cửu" với cả nghìn cửu vạn từ khắp nơi đổ về. Nhà chủ này rất ít khi xuất hiện, chủ yếu nhận đơn hàng qua trung gian, tổ chức "đánh hàng" và đứng ra xử lý trong quá trình vận chuyển gặp "biến".

"Để được làm cửu vạn, ngoài chuyện có sức khỏe còn phải có uy tín. Một cửu vạn nếu không có người quen giới thiệu thì phải đặt cọc, trong trường hợp để mất hàng sẽ bị mất tiền công và mất luôn khoản đặt cọc này. Các chú chỉ cần chứng minh nhân dân để chủ làm đăng ký tạm trú tạm vắng và chuẩn bị "đồ nghề" là dây thừng, tấm đệm mút (dụng cụ để buộc hàng và đeo vào vai). Mỗi bao hàng vác từ điểm tập kết trên đồi núi ở khu vực Cửa khẩu Việt – Trung xuống điểm tập kết phía dưới gần Cửa khẩu Tân Thanh sẽ được chủ trả 2.700 đồng/kg. Thường thì 1 bao hàng nặng 30 đến 120kg, tùy loại. Trời mưa đường tắc thì giá cao hơn. Nói chung nếu chịu khó làm việc thì một ngày cũng kiếm được 500.000 đến 1.000.000 đồng", Minh "trâu" nói thêm.

Một người bạn cửu vạn cũng nhắc nhở, ở đây có "chim lợn" chuyên ngồi ở quán nước làm công việc quan sát mọi di chuyển của lực lượng chức năng và thông báo cho chủ qua bộ đàm. Do là người mới nên chúng tôi phải ở lán tạm chờ khi có lệnh đi bốc hàng, nếu không sẽ bị "hỏi thăm" ngay!

Khoảng 12h trưa, sau khi nghe điện thoại, Minh "trâu" dẫn chúng tôi cùng nhóm cửu vạn mang "đồ nghề" lên đường. Khi ra đến đường mòn phía cánh phải cổng chùa Tân Thanh, chúng tôi bắt gặp từng đoàn người lũ lượt từ già trẻ, gái trai nhanh chân leo lên đồi núi. Sau khi đi khoảng 30 phút qua những lối đi nhỏ, trơn trượt xuyên giữa đồi keo, chúng tôi đã có mặt cột mốc biên giới 1089. Trước mắt chúng tôi là ranh giới hai nước Việt Nam - Trung Quốc được phân định bởi hàng rào thép gai dựng đứng cao khoảng 3 mét. Phía dưới có một cánh cửa sắt vừa đủ để 1 người cõng bao hàng đi lọt. Tại đây, hàng trăm cửu vạn mồ hôi nhễ nhại đang vác từng bao tải hàng trĩu nặng len qua cánh cửa biên giới, mang hàng về Việt Nam. Càng về chiều muộn, lượng người mang vác hàng càng đông hơn.

Dọc đường đi, chúng tôi phải nộp phí cho 4 chủ nhà vì mang hàng ngang qua đất nhà họ, mỗi lần từ 5.000 đồng đến 15.000 đồng. Minh "trâu" cho biết ở khu vực này có cả chục đường mòn nữa mà cánh cửu vạn hay sử dụng để vận chuyển hàng lậu. Đường Hang Dơi xưa là điểm nóng nhất nay đã bị dẹp, thế nhưng rất nhanh sau đó lại nổi lên những đường Đài, Gốc Bưởi, Gốc Nhãn, Thác Ném, Đồi Keo, Rọ Bon, Đường 05, Đường 06... Việc đi đường nào là do các "đầu nậu" chỉ định.

Đáng ngạc nhiên, trong chặng đường đi theo nhóm cửu vạn mang hàng từ bãi tập kết qua đường mòn xuyên đồi keo xuống bãi gần Cửa khẩu Tân Thanh, chúng tôi phải đi qua một lán, căng bạt xanh mà theo lời Minh "trâu" đó là chốt của Bộ đội Biên phòng(?). Thấy người lạ, hai người đàn ông mặc thường phục từ trong lán đi ra hỏi chuyện. Minh "trâu" nhanh chóng trả lời: "Thằng này mới ở quê lên đây làm. Mang hàng cho nhà Thủy Diễm". Nghe vậy, một người đứng trong lán vẫy tay cho chúng tôi đi qua…

Hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm

Xâm nhập đường dây 'đánh' hàng lậu miền biên viễn Lạng Sơn - 6
Kể cả lúc nửa đêm, chỉ cần có hàng là “đầu nậu” phát lệnh cho cửu vạn vác hàng qua biên giới về Việt Nam.

Làm việc quần quật từ 12h trưa đến 19h, vai và hai chân mỏi nhừ, chúng tôi mới được nghỉ ngơi do đã hết hàng. Minh "trâu" nhẩm tính hôm nay gã đi được 4 chuyến, mỗi chuyến vác 70kg, tổng được từ "cai hàng" gần 800.000 đồng. Khi cả nhóm vào quán, ăn chưa xong bát phở thì "cai cửu" lại báo lệnh hàng có thể mang về. Minh "trâu" thúc mọi người về lán lấy thêm đèn pin rồi lên đường.

Trời về khuya, tại khu vực đường mòn lối mở quanh Cửa khẩu Tân Thanh, từng dòng người cầm đèn pin dò đường mang vác hàng trông xa xa như những ánh sao dày đặc. Trên lưng gùi hàng nên cánh cựu vạn luôn phải cúi gập mình về phía trước để giữ thăng bằng.

Trên đường leo dốc, tiếng cửu vạn hô lên liên tục: "Phía dưới có hàng nặng, trên xuống có hàng xuống báo to". Không ít lần đi đến đoạn khe núi đá, triền dốc chúng tôi chứng kiến cửu vạn vác bao hàng quá nặng đã ngã sõng xoài xuống bùn đất, rất may không rơi xuống vực. Một cửu vạn người bản địa đi cùng tôi nói chuyện bằng tiếng Kinh lơ lớ: "Đi đêm có đèn pin soi, lại đông người, đi mãi thành quen. Thỉnh thoảng cũng bị ngã nhưng chỉ xây sát nhẹ. Làm công việc này vất vả nhưng được cái thu nhập cao".

Cũng giống như ban ngày, khi chúng tôi đi qua lán được cửu vạn giới thiệu là "chốt của Bộ đội Biên phòng" thì gặp 2 người đàn ông đang cầm đèn pin ngồi bên trong nhìn ra. Tôi quan sát họ giống như đang kiểm đếm người và số lượng bao hàng đi qua.

"Phi đội bay" và những ô tô đưa hàng đi tiêu thụ

Xâm nhập đường dây 'đánh' hàng lậu miền biên viễn Lạng Sơn - 7
Những chiếc ô tô 16 chỗ chờ nhận hàng.

Sau khi nhóm cửu vạn hoàn thành công việc đưa hàng lậu từ Trung Quốc về điểm tập kết phía sau chùa Tân Thanh, lúc này là nhiệm vụ của "phi đội bay". Khác với cửu vạn, "phi đội bay" là những gã đàn ông ăn vận kín mít, điều khiển xe máy chở theo những bao hàng cồng kềnh và phóng xe với tốc độ kinh hoàng. Một chiếc xe máy thường chất được 2 đến 4 bao hàng sẽ mang về bãi đỗ cách cửa khẩu chưa đầy 1km. Tại đây, hàng hóa tập kết thành đống. Sau khi đủ hàng, sẽ có một đội bốc vác làm công việc xếp hàng lên xe tải, chủ yếu là loại xe 16 chỗ ngồi. Những phương tiện này chạy theo trục đường chính qua trụ sở Trạm liên hợp Cửa khẩu Tân Thanh để tập kết về khu chợ Đồng Đăng. Nếu hàng hóa đưa đến các tỉnh xa sẽ được chuyển sang xe tải lớn hoặc xe ca. Để tránh sự kiểm tra của các lực lượng chức năng, những xe này không chạy theo đường trục chính mà đi vòng qua huyện Văn Quan, sau đó theo đường sang huyện Chi Lăng rồi mới ra quốc lộ 1.

Trong nhiều tuần ghi nhận hoạt động buôn lậu và "đánh hàng" hết sức nhộn nhịp, với sự tham gia của đủ các thành phần, chúng tôi ít bắt gặp bóng dáng lực lượng chức năng. Điều đáng nói, cung đường vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam nằm phía sau chùa Tân Thanh cách Chi cục Hải quan và Đồn biên phòng chỉ khoảng 1km.

Ngay tại cột mốc biên giới 1089 còn có 2 quán bán nước ngọt, thuốc lá và bánh trái phục vụ cửu vạn. Thấy chúng tôi là “lính” mới, bà chủ quán nước kể chuyện: “Ngày nhiều hàng có khi cả nghìn cửu vạn đi lại qua cột mốc này. Rất nhiều người trong số họ là người dân tộc thiểu số ở các huyện của Lạng Sơn và nhiều tỉnh lân cận. Có người khỏe vác những bao hàng nặng tới 140kg. Các cung đường được những “đầu nậu” phân chia lãnh địa và “bao luật”. Kể cả gặp cán bộ, họ hỏi làm cho ai cứ đọc tên chủ sẽ không sao. Còn những người “đánh hàng lẻ” sẽ bị kiểm tra, bắt giữ ngay”(?).

 Theo Cao Tuân (Giadinh.net.vn)

 

Nổi bật