Dưới lớp vỏ bọc của một mái ấm tình thương, những hành vi vô nhân tính diễn ra hằng đêm đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn với ông Cao Hà Đức Trọng, Chủ tịch UBND phường Trung Mỹ Tây, quận 12 về trách nhiệm của địa phương trong vụ việc này.
Thưa ông, Mái ấm Hoa Hồng, một cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi do bà G.T.S.H quản lý, được biết đến khá rộng rãi trong cộng đồng. Vậy, ông có thể cho biết cụ thể về tần suất và hình thức kiểm tra, giám sát hoạt động của mái ấm này từ phía phường không?
Ông Cao Hà Đức Trọng: Trên địa bàn phường hiện chỉ có một cơ sở Mái ấm tình thương. Chúng tôi cũng đã có kiểm tra thường xuyên. UBND phường chỉ đạo cho bộ phân chăm sóc trẻ em kết hợp với cảnh sát khu vực và khu phố kiểm tra hàng tuần. Qua thông tin báo chí phản ánh cho thấy, hành vi này thường xảy ra vào ban đêm.
Trong quá trình kiểm tra thường xuyên như vậy có phát hiện những bất thường gì không, thưa ông?
Ông Cao Hà Đức Trọng: Bất thường ở đây là có đôi khi kiểm tra thì thấy số lượng trẻ tăng lên so với cấp phép. Theo quy định cấp phép cho tối đa không quá 39 cháu. Tuy nhiên, có thời điểm kiểm tra thấy con số vượt lên 60, 70 cháu. Những hành vi này, phường cũng đã yêu cầu khắc phục. Chủ cơ sở này có giải thích là do chuyển cơ sở 2 ở huyện Củ Chi về cho các cháu chơi chung với nhau.
Việc chăm sóc các cháu nạn nhân và xác minh, xử lý thủ phạm, người quản lý đang được tiến hành cấp bách như thế nào?
Ông Cao Hà Đức Trọng: Sáng nay, tôi cũng đã chỉ đạo cho lực lượng công an và các bộ phận chuyên môn của phường và phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận để xuống tiến hành kiểm tra. Trước mắt làm rõ các hành vi bạo hành của hai bảo mẫu ở đây. Hiện chúng tôi cũng đang phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để chuyển các bé về các Mái ấm khác.
Việc không phát hiện và ngăn chặn hành vi bạo hành trẻ em kịp thời tại Mái ấm Hoa Hồng cho thấy những hạn chế nào trong công tác quản lý của phường? Phường có những biện pháp gì để khắc phục những hạn chế này và tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn?
Ông Cao Hà Đức Trọng: Lực lượng công an phường đã mời chủ cơ sở và hai bảo mẫu ở cơ sở này về công an phường để làm rõ các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi bạo hành trẻ em. Còn các công tác nghiệp vụ chuyên môn đã chỉ đạo cho bộ phận chăm sóc trẻ em trực tiếp là Phó Chủ tịch UBND phường xuống Mái ấm kiểm tra.
UBND phường đã và đang làm gì để hỗ trợ các cháu nhỏ bị hại trong vụ việc này, đặc biệt là vấn đề tâm lý của các em sau khi bị bạo hành?
Ông Cao Hà Đức Trọng: Trước mắt phải cho các cháu đi khám sức khoẻ và cần thiết phải giám định luôn thương tật để quy trách nhiệm cho người đã gây ra hành vi; đồng thời chuyển các bé về Mái ấm khác để có điều kiện chăm sóc tốt hơn, từ đó kết hợp với các chương trình tư vấn của bác sĩ chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho các cháu.
Xin cảm ơn ông.
PV VOVGT đã trực tiếp liên hệ với ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em về vấn đề này. Ông Nam cho hay, Cục đã liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM và nhận được báo cáo Sở và UBND quận 12 đã xuống cơ sở, chuyển các cháu bé đến nơi chăm sóc an toàn, phù hợp. Bên cạnh đó, phối hợp cùng các cơ quan chức năng xác minh thông tin để xử lý vụ việc khi tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh.
Mái ấm Hoa Hồng nuôi dưỡng gần 100 trẻ em mồ côi được chia thành 3 nhóm: trẻ sơ sinh (lớn nhất khoảng 8 tháng tuổi), trẻ từ 1 - 2 tuổi và trên 2 tuổi. Trong đó, phòng trẻ sơ sinh của mái ấm có khoảng 20 trẻ, bé lớn nhất khoảng 8 tháng tuổi, bé nhỏ nhất chưa đầy 1 tháng.
Đây là một mái ấm tình thương tư nhân nhận nuôi trẻ em mồ côi do bà G.T.S.H làm chủ, mở cửa từ 8 - 20 giờ hằng ngày, để nhà hảo tâm đến thăm trẻ em và đóng góp từ thiện. Nhưng khi đóng cửa, mái ấm này trở thành "địa ngục trần gian" đối với những đứa trẻ. Từ đêm đến sáng hôm sau, mỗi ngày, bảo mẫu tên Tuyền (47 tuổi) không ngừng hành hạ trẻ sơ sinh.
Theo đó, Khoảng 21 giờ tối 30.7, bà Tuyền cho bé gái (khoảng 4 - 5 tháng tuổi) uống sữa thì bé bị sặc. Bực tức, bà Tuyền xách 1 tay bé gái ném lật úp xuống nệm, rồi tát mạnh vào đầu, đấm liên tiếp vào gáy bé, rồi bỏ đi.
Tương tự, 4 giờ 11 ngày 31.7, bà Tuyền đang xem điện thoại thì bé gái (chưa đầy 1 tháng tuổi, da còn đỏ) khát sữa, khóc. Bà Tuyền bật dậy hét "mày la cái gì", rồi tát mạnh vào đùi rồi nhéo miệng khiến bé giãy giụa, khóc thét. Khoảng 1 giờ sau, bé gái (hơn 1 tháng tuổi) đang nằm úp, quấy khóc làm ảnh hưởng giấc ngủ của bà Tuyền nên bà bực tức, nhéo lỗ tai, rồi nắm 1 chân bé kéo ngược lại, chửi: "M... mày hôi quá". Vì xương còn yếu, nên chân của bé chuyển hướng nhưng phần đầu chưa thể lật theo. Thấy vậy, bà Tuyền hất mạnh đầu bé văng qua một bên rồi bóp miệng, nhéo lỗ tai, lắc lắc đầu bé, rồi đút sữa.
Lúc 5 giờ 34 ngày 2.8, bé gái (chưa biết lật) đang quấy khóc thì bị bà Tuyền nắm 1 chân kéo, rồi xô úp mặt xuống nệm, đánh vào bắp chân; tiếp đó 21 giờ 41 cùng ngày, bà Tuyền nắm chặt cổ tay bé trai sơ sinh (khoảng 1 tháng tuổi) nhấc bổng bé lên cao. Do không được bế đúng cách, cổ yếu nên đầu bé ngã ngửa, khóc điếng.
Rạng sáng 3.8, bà Tuyền vừa chửi vừa bạo hành bé gái (khoảng 1 tháng tuổi, còn quấn khăn) bằng cách đánh mạnh vào đùi, kéo 2 tay bé bật dậy, thay bỉm, rồi ném mạnh xuống nệm. Thấy em bé khóc dữ dội, bảo mẫu này tiếp tục nhấc bé lên cao, rồi ném úp xuống. Suốt quá trình thâm nhập, PV ghi nhận bà Tuyền thường hay dùng cách lật úp trẻ sơ sinh lại để "trị" trẻ quấy khóc.
4 giờ ngày 3.8, bé gái 1 tháng tuổi (đang quấn khăn) quấy khóc nên bị bà Tuyền ném úp xuống, mặt bé úp dưới nệm. Sợ bé bị ngạt thở, bà Tuyền bóp, lắc mạnh đầu bé sang một bên.
Lúc 5 giờ 27 sáng 3.8, bà Tuyền đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng khóc của bé gái hơn 20 ngày tuổi (vẫn còn quấn khăn). Với động tác dứt khoát, bảo mẫu này xách một bên vai của bé và ném úp xuống nệm khiến bé thở khó khăn và liên tục cựa quậy. Thấy thế, bà bóp đầu bé, xoay nghiêng qua một bên.
20 giờ 16 ngày 31.7, bà Tuyền xách 1 tay bé trai (khoảng 4 tháng tuổi, mới tập trườn) ép ngồi, đứa bé yếu ớt gục xuống. Bảo mẫu chỉ trỏ vào đầu bé, mắng. Đứa bé mếu khóc thì bị bà tát thẳng vào mặt, nhấn đầu xuống và chửi: "Nó khóc vậy chứ đưa sữa nó không uống, m... mày".
Bà Tuyền dạy chúng tôi cách trị trẻ quấy khóc: "Nó rên hoài luôn thì em phải dùng biện pháp mạnh, đánh cho nó đau. Đứa nào lì, em cứ kệ nó đi, để đó chị trị cho. Em phải đánh vô đít, tay, đùi cho nó thiệt đau, nó khóc điếng, rồi buông ra nó mệt thì nó ngủ. Em thấy thằng Nghĩa, chị quất cho mấy cái, nó rên rên. Ban ngày mình mới sợ, ban đêm đâu còn khách (tức nhà hảo tâm - PV) nữa đâu nên không sợ. Ban đêm, em đánh nó, tới sáng nó hết đỏ, hết thấy dấu tay rồi".
Bị bạo hành nhiều nhất có thể kể đến là bé Nghĩa (khoảng 8 tháng tuổi), lớn nhất phòng. 6 giờ 32 sáng 31.7, bà Tuyền đang thay tã cho một bé gái. Thấy bé Nghĩa bò tới bên cạnh, khóc thì bà Tuyền tát, đấm liên tiếp 7 cái vào người bé và chửi: "M... mày, mày rên, tao cho mày rên nè, lỡ rồi, mày rên không, rên không".
Đến 21 giờ 50 tối 31.7, đa số các bé trong phòng đã ngủ, bà Tuyền đi vệ sinh vào thấy bé Nghĩa đang bò chơi không chịu ngủ thì đến tát mạnh vào bụng bé làm bé ngã ra đất, co rúm lại, khóc ngất.
(Theo Báo Thanh Niên)
Theo Hồng Lĩnh (VOV.vn)