Sáng ngày 2/8, nguồn tin PV Thanh Niên cho biết, liên quan đến nữ sinh Hồ Hoàng Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn ở Ninh Thuận tử vong do tai nạn giao thông, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận đã có báo cáo giải trình gửi các ngành chức năng về kết quả xét nghiệm nồng độ cồn của bệnh nhân Hồ Hoàng Anh.
Theo báo cáo, sáng 28/6, khoa Cấp cứu đã tiếp điều trị nhận bệnh nhân Hồ Hoàng Anh bị tai nạn giao thông trong tình trạng hôn mê, được chẩn đoán: Chấn thương sọ não nặng/Đa chấn thương.
Theo quy định, các nhân viên y tế tiến hành lấy mẫu máu để xét nghiệm nồng độ cồn cho bệnh nhân Hồ Hoàng Anh dưới sự chứng kiến của 2 điều dưỡng tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc. Đến 11 giờ cùng ngày cho kết quả nồng độ cồn trong máu của nữ sinh Hồ Hoàng Anh là 0,79g/L.
Sau khi nhận thấy kết quả không hợp lý, khoa Hóa sinh vi sinh (HSVS) đã liên hệ với Khoa Hồi sức tích cực - chống độc để xác minh lại nhưng tình trạng bệnh nhân đã quá nặng nên người nhà xin đưa bệnh nhân về nhà.
Báo cáo khẳng định, trong ngày 28/6, khoa HSVS đã tiếp nhận 2 ca xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, đó là bệnh nhân Hồ Hoàng Anh và một bệnh nhân khác nhập viện lúc 20 giờ 10 phút cùng ngày; không có sự nhầm lẫn kết quả xét nghiệm của bệnh nhân Hồ Hoàng Anh.
Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Khắc Chí, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cho biết, tại bệnh viện có quy trình lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra nồng độ cồn và trả kết quả. Các kết quả xét nghiệm phải được nội kiểm theo quy trình để đảm bảo độ tin cậy.
Khi kết quả xét nghiệm có bất thường phải kiểm tra, báo cáo cho trường khoa để hội chẩn xem xét kết quả, rồi mới thông báo.
Bác sĩ Chí khẳng định, khâu nội kiểm rất quan trọng, bởi nội kiểm sẽ biết được máy móc, hóa chất ổn định mới có kết quả có độ tin cậy, độ chính xác.
Theo đó, quy định nồng độ cồn dưới 0,001 mg/lít máu là bình thường. Còn kết quả nồng độ cồn của Hồ Hoàng Anh là 0,79 mg/100 ml máu được cho là cao. Tuy nhiên, bác sĩ Chí cho biết, kết quả này không tin cậy, do kỹ thuật viên đã không thực hiện nội kiểm.
“Trong ngày làm xét nghiệm mẫu máu của nữ sinh Hoàng Anh, tất cả xét nghiệm khác làm đúng quy trình. Riêng mẫu xét nghiệm nồng độ cồn nữ sinh thì kỹ thuật viên đã sai sót bỏ qua công đoạn thực hiện nội kiểm”, bác sĩ Chí nói.
Về mẫu máu của nữ sinh, hiện bệnh viện vẫn đang lưu giữ. Tuy nhiên, với đặc điểm của Ethanol trong máu chỉ lưu được trong tủ lạnh 15 ngày. Trong điều kiện nhiệt độ bình thường, mẫu máu chỉ lưu được 2 ngày. Quá 15 ngày sẽ bị hủy chất, để lại cũng không có giá trị.
“Trường hợp gia đình nạn nhân yêu cầu, bệnh viện sẽ làm xác nhận kết quả nồng độ cồn của nữ sinh không đáng tin cậy. Những điều này trên máy vẫn còn thể hiện”, bác sĩ Chí thông tin.
Báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/8
Ông Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đã ký văn bản yêu cầu Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét nội dung đơn của ông Hồ Hoàng Hùng; tiến hành các biện pháp nghiệp vụ nghiêm túc; kịp thời chỉ đạo điều tra, xác minh chặt chẽ, kỹ lưỡng, chính xác đối với kết quả kiểm tra nồng độ cồn của nữ sinh Hồ Hoàng Anh.
Các nội dung được ông Hồ Hoàng Hùng nêu cụ thể trong đơn phải được xem xét kỹ để quá trình xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác, đúng quy định pháp luật. Kết quả điều tra, xác minh gửi UBND tỉnh Ninh Thuận trước ngày 10/8.
Sở Y tế: Ăn sữa chua cũng có nồng độ cồn
Về những tranh cãi nồng độ cồn của nữ sinh Hồ Hoàng Anh, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận cho biết quy định xét nghiệm mà có kết quả nồng độ cồn trong máu dưới 0,5023 mg/ml thì được coi là không có nồng độ cồn. Thực tế, các thức ăn như trái cây, sữa chua hay đồ uống, nước ngọt có gaz cũng có thể sinh ra nồng độ cồn nội sinh. Như trường hợp nữ sinh Hồ Hoàng Anh là 0,79 mg/100 ml máu tương đương với 0,0079 mg/ml là bình thường.
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)