PGS TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng. Ảnh: Tuấn Minh. |
“Có thể do quá trình trộn bêtông để thảm mặt đường không đều, mẻ có nhiều nhựa, mẻ ít dẫn đến việc chỗ chảy chỗ không. Cùng nhiệt độ nhưng nếu việc cấp phối vật liệu tốt hơn, thích hợp hơn, đều hơn thì sẽ không xảy ra hiện tượng trên”, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng lý giải.
Chiều 30/5 tại đường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh), dưới cái nóng 40,6 độ C, nhựa đường chảy ra loang lổ. Xe cộ qua lại cũng hằn đầy vết bánh xe trên mặt đường. Người đi bộ qua bị dính cả vết giày.
Tuyến đường dài khoảng 3 km, rộng 13 m, đoạn bị chảy nhựa dài chừng 350 m nằm gần ngã tư giao với đường Nguyễn Công Trứ - Lê Ninh. Tại đây, những ổ gà, ổ voi mới được trám lại cũng bị chảy nhựa loang lổ. Các phương tiện lưu thông qua đây đều phải đi chậm và sát vào vỉa hè.
Theo Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị Hà Tĩnh, nguyên nhân một số đường phố bị chảy nhựa là do nắng nóng. Đơn vị này đã cho người khắc phục, tạm thời dùng bột đá xay rải lên những đoạn đường bị chảy nhựa.
Đầu tháng 5, trước hiện tượng nhiệt độ lên cao gây bất lợi cho mặt đường, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Ban quản lý dự án, Sở Giao thông vận tải và các nhà đầu tư BOT kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mặt đường bê tông nhựa của dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh.