Sự việc hàng trăm hũ tro cốt bị thất lạc trong chùa Kỳ Quang 2, quận Gò Vấp, TPHCM đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân. Nhà chùa cùng chính quyền địa phương đang tổ chức cho người dân vào hầm cốt nhận diện tro cốt thân nhân. Thượng tọa Thích Quang Thạnh, người điều hành chùa Kỳ Quang 2, cho biết, nhà chùa sẽ tiếp tục tổ chức cho người thân tìm kiếm đến khi nào không còn yêu cầu.
Sau đó, chùa sẽ mời mọi người đến họp và bàn phương án giải quyết đối với các hũ tro cốt chưa xác định được danh tính.
“Các hũ cốt được người thân tìm thấy sẽ được đánh dấu và giữ nguyên tại chùa để tránh tình trạng lộn xộn. Sau khi giải quyết xong các vấn đề liên quan, nếu người thân muốn đem tro cốt đi hoặc gửi lại thờ tự thì chùa sẽ làm đầy đủ các nghi thức một cách trang nghiêm”, thượng tọa Thích Quang Thạnh nói.
Sau hai ngày nhà chùa mở cửa để người dân vào nhận diện tro cốt, đã có hàng trăm người tìm được tro cốt của thân nhân nhờ vào các dấu hiệu riêng biệt trên các hũ cốt. Nhiều gia đình có nguyện vọng tiếp tục gửi lại chùa Kỳ Quang 2, một số người muốn đưa về nhà thờ phụng hoặc gửi qua các chùa khác.
Liên quan việc một số người muốn đem tro cốt gửi ở chùa Kỳ Quang đi nơi khác, Thượng tọa Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, cho biết, nếu thân nhân có nguyện vọng được chuyển tro cốt qua chùa Vĩnh Nghiêm, nhà chùa sẵn sàng đón nhận. Các hũ tro cốt sẽ được chùa sắp đặt vào khu vực tháp cốt mới vừa được nhà chùa đầu tư theo công nghệ hiện đại. Tháp cốt này có từng ô riêng, có khóa bảo vệ, được bảo quản cẩn thận.
Về việc hỏa táng, thờ tự tro cốt người quá cố, Thượng tọa Thích Thanh Phong cho biết, trên thế giới hiện có nhiều quốc gia không còn chôn cất người quá cố nữa mà họ hỏa thiêu rồi mang tro cốt lưu trữ lại chung cư dành riêng. Trong đó, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... đã thực hiện mô hình xây chung cư tiêu chuẩn 5 sao để bảo quản tro cốt của người đã khuất.
Theo Thượng tọa Thích Thanh Phong, việc xây dựng chung cư để thờ phụng tro cốt là cần thiết bởi các chùa đang dần quá tải do diện tích tháp cốt có hạn mà lượng người gửi tro cốt vào chùa không ngừng tăng. Nhà chùa đã có ý tưởng và phương án để thực hiện dự án xây chung cư 5 sao cho người quá cố.
Một nét văn hoá hay
Theo TS Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Trưởng khoa Văn Hoá học - Đại học KHXH&NV TPHCM, việc gửi tro cốt thân nhân vào chùa là một nét văn hoá rất hay mà những người theo Phật giáo ở nhiều nơi trên thế giới thực hiện.
“Với vụ việc tại chùa Kỳ Quang 2 vừa qua, theo tôi, vấn đề ở chỗ là hợp đồng thỏa thuận giữa người gửi tro cốt với nhà chùa. Bên nào vi phạm thoả thuận, quy định thì bên đó phải chịu trách nhiệm và như thế thì đáng phê bình. Khi sự cố xảy ra rồi thì phải làm sao giải quyết, tránh lấy một hiện tượng để mà quy kết cho cái chung.
Ví dụ, một ngôi chùa có thể những người ở đó ứng xử sai nhưng từ đó mà quy cho cả một tôn giáo là không nên. Và ngược lại, một số người bức xúc, phản ứng lại với nhà chùa thì đó cũng chỉ là một số cá nhân, chứ không phải người dân nào cũng ứng xử như vậy.
Với người nghiên cứu văn hoá như chúng tôi thì nhìn đó như một hiện tượng đáng tiếc nhưng cũng phản ánh được văn hoá của xã hội. Nhưng khi đã xảy ra thì nên nhìn nhận một cách khách quan trên tinh thần xây dựng”, ông Hiệu nói.
Một vấn đề khác, thân nhân gửi tro cốt vào chùa thì cần phải có thời hạn cụ thể. Ví dụ như gửi chùa bao nhiêu năm thân nhân không đến thì nhà chùa sẽ xử lý tro cốt đó ra sao? Như ở bên Nhật, nhà chùa sẽ lấy tro cốt đó để đúc thành tượng Phật.
Nhưng điều đó có khi chỉ phù hợp với người Nhật nhưng không phù hợp với tâm lý người Việt Nam. Chẳng hạn như người ta tới chùa thờ Phật, cúng Phật... nhưng những đệ tử khác lại tưởng rằng đang thờ lạy thân nhân của người khác”, ông Hiệu nói. Theo ông, nên có sự đồng thuận giữa nhà chùa với những người gửi tro cốt và nên chú ý tới dư luận của xã hội.
Theo Ngô Bình - Trọng Thịnh (Tiền Phong)