Sáng 9/9, rất đông người dân tập trung về chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP.HCM) để nhận diện tro cốt thân nhân quá cố bị thất lạc.
Theo đó, mỗi gia đình cử 1 người đại diện, chùa sẽ tổ chức theo nhóm 10 người vào nơi đặt các hũ tro cốt để nhận dạng, trong thời gian 45 phút. Thời gian làm việc buổi sáng bắt đầu từ 7h30 đến 11h30, buổi chiều từ 13h30 đến 17h30. Dự tính, mỗi buổi sẽ có 50 gia đình vào nhận dạng.
An ninh khu vực dẫn vào khu để tro cốt được thắt chặt, có nhiều bảo vệ, cán bộ công an chốt bên ngoài. Thân nhân đến nhận dạng phải xuất trình bản chính của phiếu đăng ký, bản photo chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước.
Đồng thời, nhà chùa không cho quay phim, chụp ảnh trong khu vực thờ linh cốt và di ảnh. Nếu cần mang theo di ảnh vào khu thờ linh cốt, cần ghi chú vào phiếu thông tin đăng ký tại văn phòng chùa.
Là người đầu tiên tìm thấy tro cốt người thân bị thất lạc, bà Võ Thị Bích Ngân (ngụ quận 1, TP.HCM) không giấu được sự xúc động: "Tôi vui sướng tột đỉnh khi tìm được tro cốt của chồng mình, đây có lẽ là điều khiến tôi vui mừng nhất từ trước tới nay. May mắn thay hũ cốt của chồng tôi còn nguyên trạng, tôi dự định sẽ đem lên Đà Lạt để tiếp tục thờ cúng".
Bà Ngân cho biết, khu vực để tro cốt được bày trí trang nghiêm, những di ảnh bị rơi rớt thất lạc được nhà chùa sắp xếp ngay ngắn trên bàn, thuận tiện cho người người dân vào nhận diện.
Bà Đỗ Thị Huệ - người thứ 2 tìm lại được hũ cốt của thân nhân, cũng vô cùng mừng rỡ.
"Theo tôi, để việc tìm kiếm được nhanh chóng, người dân phải tìm hình trước, sau đó ướm hình ảnh này vào các hũ cốt, nếu các góc cạnh trùng khớp thì đó chính là hũ cốt của người thân mình", bà Huệ chia sẻ.
Sau khi hoàn tất việc tìm kiếm, nhà chùa sẽ họp các gia đình để lắng nghe ý kiến. Nếu các hũ cốt vẫn còn hình ảnh mà các gia đình không muốn gửi tại Kỳ Quang nữa, có thể thỉnh đi gửi nơi khác. Khi thỉnh đi, nhà chùa cũng có tổ chức lễ cúng cầu nguyện theo đúng nghi thức Phật giáo truyền thống.
Trong trường hợp thân nhân không tìm được hũ tro cốt người thân, chùa đề xuất giải quyết bằng nhiều cách như làm bảng lớn ghi họ tên người mất, di ảnh để thờ chung; trộn tro cốt đúc thành tượng để người thân cùng thờ cúng; thuỷ tán giám định ADN...
Trước đó, chiều 3/9, đại diện UBND phường 17, quận Gò Vấp cùng người dân đã đến chùa Kỳ Quang 2 niêm phong, kiểm đếm số lượng và hiện trạng tro cốt. Trong tổng số 883 hũ (302 hũ cốt dưới hầm và 581 hũ cốt đá trắng ở ngoài), chỉ 108 hũ cốt có gắn hình hoặc bài vị.
Theo đại diện chùa Kỳ Quang 2, hồi tháng 3, trong quá trình tu sửa, khiến những hũ cốt bị rớt hình.
Đánh giá đây là sự việc "nghiêm trọng", khiến dư luận bức xúc, nhiều người đau lòng, Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM đình chỉ chức vụ trụ trì chùa Kỳ Quang 2 với hòa thượng Thích Thiện Chiếu.
Từ ngày 5/9, thượng tọa Thích Quang Thạnh (thế danh Trần Xuân Nhàn) được cử điều hành mọi hoạt động tu học, tín ngưỡng và xã hội của chùa.
Theo Kỳ Hoa (Pháp Luật & Bạn Đọc)