Ngày 13/5, Sở Xây dựng TP.HCM đã có thông báo về việc phòng chống dịch COVID-19 đối với một số khu vực công cộng do sở quản lý, phụ trách.
Theo đó, Sở Xây dựng yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với các khu trò chơi thiếu nhi, khu thể dục thể thao, sân sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động thể chất, sinh hoạt hội, nhóm thường xuyên hay định kỳ trong công viên, các khu vực mảng xanh.
Các đơn vị quản lý có trách nhiệm lắp đặt các rào chắn, đặt các bảng thông tin cho người dân về việc tạm dừng hoạt động đối với các loại hình hoạt động trên tại những khu vực phụ trách. Ngoài ra, đơn vị quản lý cử người trực thường xuyên ở các cổng ra vào để giải thích, hướng dẫn và yêu cầu người dân thực hiện đúng quy định về giãn cách để phòng dịch.
Riêng các công trình xây dựng trên địa bàn TP.HCM được phép hoạt động nhưng phải tuân thủ quy định an toàn phòng chống dịch của UBND TP.HCM. Cụ thể, các đơn vị liên quan phải tổ chức đo thân nhiệt người ra vào công trường, nhân công làm việc phải đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn thiết bị, máy móc, giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét.
Các công nhân, lao động, chuyên gia nước ngoài đến từ các vùng dịch trở lại công trường làm việc, đơn vị phụ trách công trình phải rà soát và thông tin với chính quyền địa phương để thực hiện cách ly theo quy định.
Trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu không bảo đảm các yêu cầu trên thì công trường phải ngừng hoạt động để bảo đảm phòng chống dịch COVID-19.
Trước đó vào ngày 30/4, UBND TP.HCM đã quyết định tạm dừng hoạt động đối với loại hình dịch vụ vũ trường, quán bar, karaoke.
Đến ngày 3/5, UBND TP.HCM tiếp tục cho dừng hoạt động đối với các loại hình dịch vụ như rạp chiếu phim, sân khấu ca kịch, nhà hàng tiệc cưới, thể thao trong nhà, gym, spa,…do dịch bệnh diễn biến phức tạp và có xu hướng lan rộng.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ ngày 13/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đã xác định 6 nhóm nguy cơ có thể bùng phát dịch trên địa bàn. TP.HCM giữ mức cảnh giác cao nhất với dịch bệnh, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, TP.HCM kích hoạt toàn bộ các Bộ chỉ số an toàn phòng chống dịch và tổ chức hậu kiểm việc thực hiện các Bộ chỉ số an toàn; các đơn vị không bảo đảm an toàn, đình chỉ hoạt động, xử lý theo quy định và kiểm soát dịch bệnh đồng bộ, chủ động trên cả 3 đường hàng không, đường bộ, đường thủy.
Đặc biệt, theo ông Phong, TP.HCM chuẩn bị sẵn sàng năng lực ứng phó cho tình huống dịch lan rộng, như triển khai thêm 4 khu cách ly tập trung nâng tổng công suất toàn Thành phố lên trên 10.000 giường; sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị cho 50 - 100 người bệnh theo kế hoạch có sẵn, đồng thời dự trù sẵn kế hoạch đảm bảo điều trị đến 500 người bệnh.
“TP.HCM xây dựng kế hoạch triển khai thêm bệnh viện dã chiến trên địa bàn Thành phố với quy mô 5.000 giường chuẩn bị cho tình huống cả nước có 30.000 ca bệnh" - ông Phong nói và cho biết thêm thành phố đã dự trữ đầy đủ sinh phẩm, test kit xét nghiệm, đảm bảo công suất xét nghiệm 15.000 mẫu đơn trong 24 giờ, khi cần thiết có thể huy động lên đến 50.000 mẫu.
Theo Huy Thịnh (Tiền Phong)