Bữa cơm ken đặc muỗi, kiến của các chiến sĩ chống dịch Covid-19 nơi biên cương
13/05/2021 10:25:15
24 giờ theo chân các chiến sĩ biên phòng tại biên giới Tây Nam, tôi đã chứng kiến hết những vất vả, khó khăn và cả những giờ phút yên bình hiếm hoi, tình đồng chí gắn chặt trước dịch Covid-19.
Ngày 25/12, trong cuộc gặp mặt với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ việc bảo vệ được cửa ngõ Tây Ninh là bảo vệ được TP.HCM và các tỉnh, thành. Trước tình hình dịch Covid-19 căng thẳng tại các nước láng giềng, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh đã lập 14 trạm biên phòng, 27 trạm biên giới cố định, 129 chốt tạm.
Tại cửa khẩu quốc tế Xa Mát (Tân Biên, Tây Ninh), cứ cách 50 mét lại có một chốt chống dịch. Ngoài lực lượng chủ lực tại chỗ, tỉnh còn điều động hàng trăm chiến sĩ thuộc biên phòng Vũng Tàu, Hà Nội, Quảng Ngãi, TP.HCM, lực lượng dân quân, công an,… tham gia hỗ trợ canh giữ biên cương suốt 24/24.
Theo trung uý Võ Mạnh Hùng (chốt trưởng chốt số 8), tại biên giới cửa khẩu Xa Mát, biên giới Campuchia sát với mình, đi vài bước chân là đã sang được, cây cối lại nhiều, rừng cao su rậm rạp, chỉ cần sơ sẩy lọt qua thì rất khó phát hiện nên các đối tượng thường xuyên móc nối để dắt người vượt biên. Ngay từ đầu, bộ đội đã lập nhiều chốt phụ bằng cây, võng, lều,… thô sơ tạm bợ ngay trong rừng để có thể dễ dàng tuần tra, mật phục.
Đại tá Nguyễn Tài Sơn (Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ BĐBP tỉnh Tây Ninh) chia sẻ, từ khi dịch Covid-19 căng thẳng, tỉnh Tây Ninh chưa để xảy ra bất kỳ trường hợp xuất nhập cảnh trái phép nào sót lọt. Đến nay, 37 trường hợp dương tính ở cửa khẩu đều được đưa đi cách lý ngay. Dù khó khăn thật nhưng chưa chưa bất cứ chiến sĩ nào quên nhiệm vụ.
Ngoài những giờ phút căng thẳng nơi biên cương, bộ đội còn trồng rau, nuôi gà, tự cải thiện bữa ăn... Không khí bình yên hiếm có vào mỗi buổi chiều.
16h, một số chiến sĩ vẫn tiếp tục nhiệm vụ tuần tra nơi biên giới, số còn lại sẽ nấu ăn, đóng lại phần chốt trại bị hư hại sau trận mưa giông đầu mùa ngày 6/5. Các quân nhân đều phải tranh thủ thời gian chia nhau ăn cơm, tắm rửa và thay ca nhau canh giữ.
Nhiều chốt điểm tại cửa khẩu quốc tế Xa Mát hiện vẫn chưa có điện, nước. Các chiến sĩ bộ đội phải chở từng can tại nhà dân để sinh hoạt.
17h, các chiến sĩ tắm rửa sau một ngày tuần tra. Vì số lượng chiến sĩ tăng cường tăng, nhiều người chọn cách tắm chung, tắm ngoài trời để tiết kiệm thời gian.
Một số sẽ ăn cơm sớm tại chốt chính sau đó nếu chiến sĩ nào chưa về thì sẽ được mang cơm ra lán phụ để ăn cơm tại chỗ. Suất ăn cho 5 chiến sĩ bao gồm thịt, rau, cơm trắng,...
Các chiến sĩ phải tắt hết đèn, để lại một bóng duy nhất để soi sáng. Thế nhưng, muỗi, kiến, mối vẫn bám ken đặc, rơi lộp độp, thậm chí còn bám cả vào mâm cơm của các chiến sĩ.
Tháng 4, miền Nam bắt đầu vào mùa mưa nên thu hút rất nhiều muỗi, kiến, rắn rết. Tại đây, nếu không có nhang muỗi thì anh em cả đêm không thể nào ngủ được tại lán.
Nhiều chiến sĩ từ khi bắt đầu mùa dịch Covid-19 đến nay đã hơn 1 năm chưa trở về nhà. Đối diện với khó khăn, thế nhưng tất cả họ đều quyết tâm đợi đến ngày hết dịch.
Trước khó khăn, giờ phút yên bình càng trở nên đáng trân quý nơi biên cương Tổ quốc.
Theo Huy Hậu (Tổ Quốc)