Bão số 6 (bão Trà Mi) hiện đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Một số tỉnh đã có thống kê ban đầu thiệt hại về người. Cụ thể, theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có 2 người tử vong do tác động của bão Trà Mi. Trong đó, một người đàn ông điều khiển xe máy lưu thông trên QL49, qua đoạn đường ngập sâu thì không may bị ngã và bị nước cuốn mất tích. Đến 15h30, thi thể nạn nhân đã được tìm thấy.
Chiều cùng ngày, tỉnh Quảng Nam cũng có báo cáo nhanh công tác ứng phó với bão số 6 và sơ bộ thiệt hại. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 3 người bị thương, 1 người tử vong khi chằng chống nhà cửa, phòng chống cơn bão số 6.
Thông tin mới nhất về cơn bão số 6 do Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia Trung ương phát đi lúc 16h15 cho hay, sau khi đi sâu vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Cụ thể, hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9. Di chuyển theo hướng Nam Tây Nam, tốc độ khoảng 5km/h.
Do ảnh hưởng của bão nên trên đất liền Quảng Bình đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10.
Từ hôm nay, ngày 27/10 đến hết đêm 28/10, ở khu vực Quảng Bình đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 200-400mm, cục bộ có nơi trên 600mm.
Cũng do ảnh hưởng của bão số 6 tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cấp 6, giật cấp 7; Lệ Thuỷ (Quảng Bình) gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Nam Đông (Thừa Thiên Huế) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; Cẩm Lệ (Đà Nẵng) gió mạnh cấp 8, giật cấp 9.
Từ đêm qua đến chiều nay (27/10), khu vực từ Hà Tĩnh-Quảng Nam đã có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa tính đến 13 giờ ngày 27/10, phổ biến 100-250mm, cục bộ có nơi trên 400mm.
Hồi 13 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10. Di chuyển theo hướng Tây Nam, tốc độ khoảng 10km/h.
Theo trung tâm dự báo, trong 18 giờ qua (từ 19 giờ ngày 26/10 đến 13 giờ ngày 27/10), khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và Kon Tum đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Hồ Sông Rác 164,4 mm (Hà Tĩnh); Hồ An Mã 361,4 mm (Quảng Bình); Đầu mối hồ Bảo Đài 435,8 mm (Quảng Trị); Bạch Mã 401,2 mm (Thừa Thiên Huế)…
Trong 03-06 giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến như sau: khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến từ 80 đến 150mm, có nơi trên 200mm; các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum phổ biến từ 40 đến 90mm, có nơi tên 120mm; tỉnh Hà Tĩnh phổ biến từ 20 đến 60mm, có nơi trên 80mm..
Cảnh báo cấp độ 1 rủi ro lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, riêng các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế cấp 2 nên các cơ quan chức năng tại địa phương lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Nước lũ đang lên nhanh, nhiều tỉnh miền Trung bị ngập lụt
Chiều 27/10, tại xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), nước sông Côn dâng cao đã gây ngập sâu tại 2 vị trí thuộc thôn Thạnh Đại và 1 vị trí tại thôn Đại Mỹ. Điểm ngập sâu nhất tại thôn Thạnh Đại là hơn 0,5m khiến giao thông trên tuyến ĐH13 bị chia cắt.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, từ chiều 27/10 đến ngày 29/10, các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khả năng xuất hiện một đợt lũ.
Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu đạt từ 3-5m, hạ lưu đạt từ 1,5-3m. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức báo động báo động 1 đến báo động 2; trên sông Thu Bồn ở mức báo động 1 đến dưới báo động 2; trên sông Tam Kỳ ở mức báo động 1 đến dưới báo động 2.
Trong 6h tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại khu vực các huyện Nam Giang, Đại Lộc, Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn.
Lũ trên sông Hương (Thừa Thiên Huế) lúc 12h hôm nay đã đạt đỉnh và đang xuống, đỉnh lũ tại Kim Long 2,31m, trên báo động 2 0,31m. Lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình) và sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đang lên.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Bình, trong 24 giờ tiếp theo, mực nước trên sông Kiến Giang sẽ tiếp tục lên nhanh và đạt đỉnh ở mức trên báo động 3… Hiện nay, mưa lớn vẫn diễn ra phức tạp nên Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Quảng Bình cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm như sạt lở đất tại khu vực vùng núi, sạt lở bờ sông, ngập lụt tại các các vùng hạ lưu và khu vực đô thị trên địa bàn các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch.
Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo thủy văn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho rằng do khu vực Trung Trung bộ mưa rất lớn nên lũ trên các sông từ Quảng Bình - Huế đang lên cao.
"Do có mưa lớn và nước các sông lên nhanh nên các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và TP.Đồng Hới (Quảng Bình); các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, TP.Đông Hà, TX.Quảng Trị (Quảng Trị). Tại Thừa Thiên - Huế các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Lộc, Hương Trà, TP.Huế đã bị ngập", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, trong 12 tiếng tới, lũ trên các sông ở nam Quảng Bình tiếp tục lên, đặc biệt là sông Thạch Hãn cũng lên trên mức báo động 3. Vì vậy, tình trạng ngập lụt sẽ kéo dài từ 12 - 24 tiếng nữa và giảm dần.
Người dân tuyệt đối không ra đường khi chưa an toàn
Sáng 27/10, phát biểu kết luận tại cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 6 với các địa phương trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết đây là một trong những cơn bão có tính phức tạp cao, đặc biệt là đường di chuyển. Từ chiều và đêm nay sẽ có lượng mưa rất lớn trên địa bàn thành phố, có những nơi mưa cục bộ hơn 400mm.
Để ứng phó với cơn bão này, Thường trực Thành ủy và UBND thành phố đã có nhiều công văn, văn bản chỉ đạo.
“Mặc dù cơn bão có mật độ không lớn nhưng nguy cơ gây mưa lớn kéo dài rất cao, do đó phải ứng phó với tinh thần không được chủ quan. Từ các ý kiến của sở, ban, ngành cùng với thời gian ảnh hưởng của bão rất dài và trong dự báo còn có khả năng xảy ra giông lốc cục bộ; do đó cần bảo đảm người dân tuyệt đối không ra đường khi chưa an toàn”, Báo Đà Nẵng dẫn lời Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.
Ông Mạnh cũng cho biết thêm, thiệt hại về người thường xảy ra sau bão, do đó các địa phương cần đặc biệt chú ý không để xảy ra thiệt hại về tính mạng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân.
Bão Trà Mi khiến cây bật gốc hàng loạt, tường sập, hàng quán tốc mái
Khi bão số 6, bão Trà Mi đổ bộ vào đất liền, tại một số tỉnh thành như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã ghi nhận mưa kèm gió lớn, gây ra nhiều thiệt hại.
Ở Đà Nẵng, sóng cao từ 2-3m đã đánh hư hỏng nhiều đoạn vỉa hè tại đường Như Nguyệt (Q.Hải Châu). Khu vực vỉa hè ven sông Hàn nhiều thiết bị hư hỏng, gạch lát vỉa hè bị sóng đánh trôi khắp lòng đường, một số đoạn còn đọng nước khiến phương tiện di chuyển khó khăn.
Mưa to, sóng lớn do ảnh hưởng bão Trà Mi (bão số 6) đã gây một số thiệt hại ban đầu ở tỉnh Quảng Trị.
Trên báo Lao Động cho hay, do khoảng 9h30 ngày 27/10, khi đang mưa lớn thì tường rào của Trường THCS Trần Hưng Đạo (khu phố 4, phường 1, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) có chiều dài khoảng 80m bị đổ sập, hư hỏng hoàn toàn. Thời điểm xảy ra vụ việc, may mắn không có người qua lại.
Tại xã Gio Hải (huyện Gio Linh), 4 hàng quán kinh doanh ở bãi tắm cộng đồng xã Gio Hải bị sập hoàn toàn, 9 hàng quán bị tốc mái.
Báo Thanh Niên ghi nhận tại biển Thuận An (TP.Huế) sóng biển dâng lên ngập các quán kinh doanh. Ngập úng nhiều tuyến đường trong khu vực.
Theo Trang Anh (Nguoiduatin.vn)