Ngày 10/9, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 4.170 về tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó mèo trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các quận, huyện, thị xã phải xây dựng lộ trình hạn chế giết mổ chó, mèo thương phẩm. Đối với các quận nội thành sẽ hạn chế các cơ sở kinh doanh thịt chó, mèo.
Đến năm 2021, ở các quận nội thành sẽ không kinh doanh thịt chó, mèo, sau đó sẽ nhân rộng ra các huyện khác. Việc này dựa trên sự vận động, tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, thói quen chứ không cấm. Tuy nhiên, sau khi văn bản này được ban hành, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều.
Ngày 15/9, PV có mặt ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức (Hà Nội), một trong những nơi có số lượng hàng quán thịt chó tập trung đông đúc nhất trên địa bàn thành phố. Tại đây, cảnh mua bán vẫn tấp nập, các sạp hàng đặt cạnh nhau dài cả một quãng đường.
Chị T. một chủ hàng thịt chó ở đây cho hay, mỗi ngày chị bán được 2 đến 3 con chó thịt (25kg đến 40kg thịt). Chó được chồng chị đi mua về, tuy không có các biện pháp kiểm dịch nhưng dựa trên kinh nghiệm gia truyền thì vợ chồng chị có thể phân loại được chó ốm chó khỏe và chất lượng thịt của từng con chó.
"Nhà chị từ đời cụ đã làm nghề thịt chó, vợ chồng chị không có ruộng, cũng không có nghề gì khác. Hàng ngày anh đi khắp vùng mua chó mang về làm thịt, còn chị ở nhà bán, lấy tiền trang trải cuộc sống và nuôi ba đứa con ăn học. Với kinh nghiệm gia truyền, nhà chị toàn chọn chó khỏe loại 1 loại 2 để còn giữ chân khách. Chính chị bị chó mua về cắn nhiều lần rồi, nhưng không cần đi tiêm, cũng chẳng sao hết vì toàn chó khỏe", chị T. nói.
Cạnh sạp hàng thịt chó của chị T. là sạp hàng cũng bán thịt chó của một cặp vợ chồng hàng xóm. Chị vợ cho biết làm chó phải cẩn thận, tỉ mỉ và sạch sẽ. "Thịt chó nhiều đạm, rửa không sạch thì không thể bảo quản được. Từ trước đến giờ chưa khách nào của chị phàn nàn cả. Nếu sợ chuyện dịch bệnh thì nên tăng cường kiểm dịch chứ không phải là cấm", chị vợ này nói.
Trong xã Đức Thượng, nhiều nhà nuôi cả đàn chó như đàn lợn để phục vụ mục đích giết mổ. Họ cũng tích trữ cả đống rơm rạ lớn để phục vụ công việc thui chó. Những nhà có khoảng đất rộng thì lại trồng những bụi lá mơ hay riềng sả để làm gia vị cho món thịt chó. Quang đi quẩn lại, cuộc sống của hàng chục hộ dân nơi đây gắn liền với nghề thịt chó.
Một chủ cơ sở nuôi chó ở đây cho biết họ nuôi chó chỉ vì mục đích giết thịt, chó được nhốt trong chuồng và cho ăn hàng ngày, đợi đến ngày đạt trọng lượng thì giết mổ. Theo họ chuyện những người yêu chó và những người ăn thịt chó hoàn toàn khác nhau.
"Chó có thể là bạn của người khác, ở phương Tây họ coi là bạn, cho ngủ cùng giường, nhưng ở mình từ bao đời nay vẫn có thói quen ăn thịt chó. Ví dụ như ở Việt Nam mình, trâu là người bạn thân thiết, là linh vật của một số vùng miền, chả nhẽ lại không ăn thịt trâu. Chuyện nói rằng không nên ăn thịt chó vì thiếu văn minh là không có lý", một phụ nữ bán thịt chó ở đây nói.
Giá thịt chó ở khu vực này ổn định trong nhiều năm nay là 150 nghìn đồng/ 1kg, không đắt hơn thịt lơn bao nhiêu, vì vậy sức mua khá mạnh. Trung bình một ngày một sạp hàng ở đây bán dao động từ 20 đến 30 kg.
Những người bán thịt ở đây khẳng định rằng nếu có cấm chỉ làm cho giá thịt chó tăng cao, vì có cầu ắt sẽ có cung. Họ cho rằng không dễ gì người dân ở đây từ bỏ món ăn khoái khẩu này. Hơn nữa, nếu xảy ra tình trạng bán chui thì chất lượng sản phẩm lại khó kiểm soát hơn. Vì vậy họ mong chính quyền thành phố có thể tăng cường các biện pháp quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này thay vì cấm sử dụng.
Theo Bá Cường (Thời Đại)