Nói không với thịt chó?: Đâu phải chuyện dễ

15/09/2018 08:20:00

Với thói quen của người Việt Nam thì việc cấm ăn thịt chó là khó khả thi. Điều quan trọng là nhà nước cần ban hành quy định và có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn

Theo nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình, việc ăn thịt chó cần được nhìn nhận là một nét văn hóa chứ không phải là sự văn minh để so sánh với các nước phương Tây. Nhiều nước không ăn thịt chó không phải vì họ văn minh hơn chúng ta mà do khác biệt về văn hóa.

Không thể biết không làm được mà vẫn cứ làm

"Tôi không cổ xúy việc ăn thịt chó của người Việt Nam nhưng theo tôi, Hà Nội khuyến cáo như vậy là khó thực hiện và luật hóa cấm ăn thịt chó chưa khả thi. Tôi dám chắc không ai dại gì luật hóa vấn đề này, chúng ta không thể "ngồi xổm" lên văn hóa được. Không thể biết không làm được mà vẫn cứ làm" - ông Bình khẳng định.

Đồng ý kiến, PGS-TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, nhận định việc Hà Nội ra văn bản khuyến cáo người dân bỏ thói quen ăn thịt chó chưa phải là một văn bản có tính chất hành chính pháp lý, đó chỉ là văn bản có tính chất nội bộ trong các cơ quan, ban ngành của TP. Cũng vì vậy mà chưa trực tiếp tác động đến người dân. "Vấn đề quan trọng bây giờ là việc chăn nuôi chó như thế nào cho bảo đảm. Việc cấm ăn thịt chó hiện nay chưa có luật, không nên có luật và cũng không thể luật hóa được" - ông Đức nói.

Luật sư Nguyễn Văn Tiến (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng cho rằng do quan điểm của nền văn hóa của mỗi nước quy định về việc sử dụng thịt chó, mèo khác nhau nên rất khó để cấm hoặc hạn chế bán thịt chó, mèo. Về mặt pháp luật, chưa có văn bản pháp lý nào quy định về việc cấm ăn thịt chó, mèo ở nước ta. "Du khách một số nước coi chó, mèo là nguồn thực phẩm chính thì khi đến Việt Nam, họ vẫn thưởng thức bình thường, du khách nước khác thì cảm thấy ghê rợn vì quan điểm văn hóa các nước khác nhau" - luật sư Tiến lý giải.

Nói không với thịt chó?: Đâu phải chuyện dễ
Tình trạng giết mổ, kinh doanh chó diễn ra công khai mà nhưng hầu như bỏ ngỏ kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm Ảnh: HUY THANH

Ban hành luật để kiểm soát chó, mèo

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Thị Long Bình (Đoàn Luật sư TP HCM), chó, mèo cũng giống như các loại vật nuôi khác, không nằm trong danh mục động vật hoang dã cần được bảo vệ nên không thể cấm người dân giết mổ hoặc ăn thịt chó, mèo. Ở một số nước trên thế giới cũng có luật cấm giết, mổ, ăn thịt chó, mèo. Vì vậy, nếu muốn cấm ăn thịt chó, mèo thì nhà nước cần phải ban hành luật. Tuy nhiên, với văn hóa, thói quen của người Việt Nam thì việc cấm ăn thịt chó, mèo rất khó khả thi. Nhiều người vẫn có thói quen ăn thịt chó, mèo, một số nơi còn xem như là một nét văn hóa.

"Việc có cấm giết mổ, ăn thịt chó, mèo hay không cần phải được cân nhắc kỹ và có lộ trình. Cấm hay không cấm không phải là vấn đề, quan trọng là nhà nước phải có biện pháp quản lý chặt chẽ" - luật sư Bình nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Bình, Luật Thú y và Thông tư 09 ngày 1-6-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y không quy định chó, mèo thuộc danh mục động vật phải kiểm soát giết, mổ; sản phẩm thịt chó, mèo cũng không thuộc đối tượng phải kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Đây là một lỗ hổng pháp lý bởi trên thực tế, thịt chó, mèo vẫn được người dân sử dụng khá phổ biến, tình trạng giết mổ chó, mèo diễn ra công khai, tràn lan mà không có cơ quan nào kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, nếu không có quy định cụ thể về việc kiểm soát giết mổ chó, mèo cũng như kiểm soát thịt chó, mèo sẽ dẫn đến nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Đã đến lúc pháp luật cần đưa chó, mèo vào diện phải kiểm soát giết mổ, đặc biệt là đối với các cơ sở kinh doanh.

Luật sư Bình cũng cho rằng cần tuyên truyền cho người dân về việc hạn chế sử dụng thịt chó, mèo. Việc giết mổ chó, mèo không được kiểm dịch và sử dụng thịt chó, mèo không rõ nguồn gốc có nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. 

Không có nguồn cung thịt chó hợp pháp

Nguyên tắc chung của thực phẩm khi kinh doanh phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thịt chó là sản phẩm động vật, muốn lưu hành hợp pháp trên thị trường phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, phải được kiểm soát giết mổ, được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm đủ điều kiện để sử dụng làm thực phẩm cho người. Để được kiểm soát giết mổ, chó phải đáp ứng quy định về nguồn gốc hợp pháp, được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Thế nhưng, do phần lớn chó được đưa vào giết mổ là chó trộm cắp hoặc chó nhập lậu nên không thể có những loại giấy tờ này.

Việc quản lý một số loại thịt mới được thương mại hóa trên thị trường như: dê, thỏ, cá sấu… tuy không phổ biến như heo, bò, gà nhưng có thể kinh doanh hợp pháp, được kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Lý do vì chủ hàng có thể chứng minh trại nuôi hợp pháp và quá trình giết mổ hợp vệ sinh.

Còn đối với chó, tại Việt Nam hầu như không có trại nuôi chó công nghiệp để phục vụ mục đích giết mổ lấy thịt. Một số hộ dân có thể nuôi chó để làm thịt với số lượng rất nhỏ, không có nguồn hàng để cung cấp đại trà ra thị trường. Do nguồn cung thịt chó ra thị trường phần lớn là trộm cắp và nhập lậu nên các cơ sở giết mổ gia súc hợp pháp không thể tiếp nhận nguồn hàng này để giết mổ và thực hiện theo quy trình như với thịt dê, thỏ, cừu. Vì vậy, chó được giết mổ tại các cơ sở chui với những điều kiện tối giản, mất vệ sinh, mang nhiều nguy cơ lây truyền dịch bệnh cho người, nhất là bệnh dại. Do hoạt động ngoài sự kiểm soát nên các loại chó từ chó già, chó bệnh, chó bị đánh bả đều được "hóa kiếp" để thành cầy tơ trước khi lên bàn ăn của thực khách.

Luật pháp không thể cấm người dân ăn thịt chó. Họ có quyền ăn nếu đó là dạng tự cung tự cấp, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, kinh doanh thịt chó làm thực phẩm cho người là chuyện khác vì ảnh hưởng đến số đông. Vì thế, nếu không đáp ứng quy định về nguồn gốc, an toàn thực phẩm thì các điểm kinh doanh thịt chó cần phải được dẹp bỏ, ít nhất là không để hoạt động công khai, tràn lan như hiện nay.

VƯƠNG NGỌC

Theo Huy Thanh - Trường Hoàng - Sỹ Thanh (Nld.com.vn)

Nổi bật