Video: Dân Hà Nội nói gì được kêu gọi bỏ thói quen ăn thịt chó?
Hơn 30 năm, chủ nhà hàng kiêm đầu bếp Oh Keum-il chỉ tập trung trau đồi chuyên môn với một món ăn truyền thống của Hàn Quốc, đó là thịt chó. Từ những năm 20 tuổi, bà đã đi khắp Hàn Quốc để tìm hiểu hương vị thịt chó của từng vùng miền, theo AP.
Vào thời điểm Hàn Quốc và Triều Tiên hòa hảo đầu thập kỷ trước, bà thậm chí còn nằm trong đoàn đại điểu doanh nhân tới Bình Nhưỡng và thưởng thức hơn chục món thịt chó. Tất cả đều được phục vụ tại Koryo, một trong những khách sạn sang trọng nhất Triều Tiên. Bà cũng tìm cách chế biến các món ăn nổi tiếng bằng thịt chó, như thay thịt chó cho thịt bò trong món cơm trộn bibimbap đặc trưng của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, hàng chục năm kinh nghiệm với món ăn này của bà chủ 62 tuổi đang lui dần vào dĩ vãng. Năm 2014, Daegyo, nhà hàng thịt chó mà bà mở tại một con ngõ ở Seoul từ năm 1981, đã dừng bán món súp thịt chó hầm boshintang trong bối cảnh việc tiêu thụ chó gây nhiều tranh cãi trong xã hội Hàn Quốc.
Cuộc chiến trong ngành kinh doanh thịt chó
Theo AFP, Hàn Quốc không đưa chó vào danh sách vật nuôi và việc bán thịt chó trong các nhà hàng cũng không bị cấm. Các giống chó để tiêu thụ được gọi là Nureongi, khác với các giống chó cảnh không lấy thịt.
Thịt chó đứng thứ tư trong số các loại thịt phổ biến ở Hàn Quốc, sau thịt bò, gà và lợn. Tuy nhiên, chính phủ nước này cũng gặp không ít áp lực từ những người yêu động vật và các nhà hoạt động về việc loại bỏ ngành kinh doanh thịt chó.
Cuộc tranh cãi trở nên căng thẳng nhất khi Hàn Quốc bước vào mùa hè nóng nực. Món bosintang, nghĩa là "súp tăng sinh lực", là một món súp cay được chế biến bằng cách đun sôi thịt chó cùng nhiều loại rau củ như hành tây, tía tô, có hương vị gần giống món thịt dê.
Món ăn được nhiều người Hàn Quốc rất yêu thích vì tin rằng nó có các công dụng về y học. Họ sẽ ăn bosintang vào 3 ngày nóng nhất trong năm để tăng cường thể lực. Ngoài súp, người Hàn Quốc còn có nhiều món khác như thịt chó hấp với rau và gia vị, hay thậm chí một loại thuốc bổ có tên là "gaesoju" từ thịt chó, gừng, hạt dẻ và táo tàu.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động về quyền động vật từ tổ chức Passion For Compassion cho hay có một sự khác biệt về thế hệ trong thói quen ăn thịt chó ở Hàn Quốc. Những người ăn món này chủ yếu là người già, trong khi thế hệ trẻ ngày càng từ chối.
Thực tế, có chưa đến một phần ba người Hàn Quốc từng ăn thịt chó và số người thường xuyên ăn thậm chí ít hơn. Khoảng một triệu con chó được tin là bị giết lấy thịt ở Hàn Quốc mỗi năm nhưng con số này đang giảm dần.
Hầu hết hiện nay giới trẻ Hàn Quốc ăn súp gà thay cho súp bosintang vào ngày nóng và thậm chí cả những người hay ăn thịt chó cũng hạn chế việc trao đổi công khai về chuyện này.
Dù không có lệnh cấm cụ thể, giới chức Hàn Quốc vẫn nêu ra các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc các luật cấm tàn sát động vật để trấn áp các trang trại chó và các nhà hàng trước những sự kiện quốc tế như Thế vận hội Pyeongchang.
Có khoảng 17.000 trang trại chó ở Hàn Quốc và các nhà khai thác kêu gọi chính phủ đưa ra luật pháp rõ ràng để hợp pháp hóa việc tiêu thụ thịt chó cũng như giấy phép cho các lò mổ.
Hồi tháng 6, tòa án ở thành phố Bucheon xét xử vụ kiện của tổ chức về quyền động vật Care với một chủ trang trại chó. Care cáo buộc người đàn ông này giết động vật không có lý do chính đáng và vi phạm các quy định về xây dựng và vệ sinh.
Tòa án sau đó đã đưa ra phán quyết rằng tiêu thụ thịt không phải là lý do hợp pháp để giết chó và phạt chủ trang trại 3 triệu won. Theo các nhà hoạt động, phán quyết này có ý nghĩa quan trọng, mở đường cho việc cấm tiêu thụ thịt chó hoàn toàn ở Hàn Quốc. Care cho hay tổ chức này sẽ theo dõi các trang trại cho và lò mổ khắp cả nước để đệ đơn kiện tương tự tới các cơ quan tư pháp.
Những năm 1980, nhà hàng của bà Oh bán được tới 700 bát chó hầm một ngày nhưng đến năm 2014 chỉ chưa đầy một nửa và nhà hàng phải chuyển hướng sang bán thịt nướng. Với rất ít nhà hàng thịt chó còn tồn tại ở trung tâm Seoul, bà Oh cảm thấy buồn khi thế hệ trẻ đang ngày càng xa cách với món ăn truyền thống này.
Một cuộc khảo sát vào năm cho thấy có 70% người Hàn Quốc không ăn thịt chó nhưng chỉ có khoảng 40% tin rằng nên cấm ăn thịt chó. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế Nonghyup dự đoán ngành kinh doanh thú cưng ở Hàn Quốc sẽ tăng lên 6 nghìn tỷ won (6 triệu USD) vào năm 2020 và cứ 5 gia đình thì có một nhà nuôi cho hoặc mèo.
Shin Jang-gun, người cung cấp thịt chó cho các nhà hàng ở Seoul, cho biết lượng người bán thịt chó đã giảm mạnh, còn khoảng 700 - 800 nhà hàng, dù trước đây có lúc lên tới 1.500 nhà hàng.
Cha anh bán thịt chó suốt mấy chục năm. Sau khi Shin tiếp quản cửa hàng năm 2002, anh phải thêm thịt dê vào thực đơn để giảm lượng thịt chó.
"Thịt chó không phải là ngành công nghiệp có tương lai dài lâu", Shin nói. "Thế hệ trẻ không ăn thịt chó nhiều".
Theo Anh Ngọc (VnExpress.net)