Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) vừa có công văn nêu rõ, việc các chùa tổ chức dâng sao, giải hạn là sự biến tướng, lợi dụng nhu cầu của người dân để trục lợi. Cục đề nghị địa phương có biện pháp chấn chỉnh, xử lý.
Giải thích thêm về việc dâng sao giải hạn, Thứ trưởng Văn hóa Trịnh Thị Thủy chia sẻ, nhu cầu mong ước sức khỏe, hạnh phúc, bình an, may mắn... là chính đáng. Nhưng để đạt được điều đó thì "bản thân mỗi người phải nỗ lực rèn luyện, học tập, làm việc, tu tâm dưỡng tính, biết chia sẻ, yêu thương".
"Nếu nghĩ rằng mọi ước mong đều dễ dàng đạt được bằng việc cúng sao giải hạn, trông chờ may rủi là không đúng giáo lý nhà Phật. Nhiều năm nay, các nhà nghiên cứu văn hóa, chức sắc của Giáo hội đã lên tiếng khẳng định, nhưng hiện tượng này không thuyên giảm mà ngày càng bùng phát", bà Thủy nói.
Theo bà, thay vì đổ xô đi dâng sao giải hạn, mỗi người nên góp phần tạo cuộc sống an vui bằng cách làm điều thiện từ những việc nhỏ nhất. Bộ Văn hóa sẽ có giải pháp chấn chỉnh.
Lãnh đạo Bộ Văn hóa kiến nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng cảnh tỉnh người dân, nghiêm cấm các cơ sở thờ tự tổ chức dâng sao giải hạn. "Năm 2018, Giáo hội có văn bản đề nghị tăng ni, phật tử không đốt vàng mã được dư luận đồng tình ủng hộ. Nếu Giáo hội có văn bản tương tự về hiện tượng dâng sao giải hạn sẽ giúp người dân có nhận thức và hành vi đúng đắn hơn trong đời sống tín ngưỡng", bà Thủy nói.
Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định giáo lý Phật giáo chỉ có lễ cầu an chứ không có dâng sao giải hạn. "Giáo hội không khuyến khích tổ chức dâng sao, giải hạn trong các cơ sở thờ tự. Những nơi này tổ chức nghi lễ cho phật tử và người dân phải theo chính pháp và giáo lý đức Phật dạy", Hòa thượng nói.
Trả lời về hiện tượng hàng nghìn người dân đổ về chùa Phúc Khánh (Hà Nội) mỗi dịp đầu năm để làm lễ dâng sao giải hạn, hòa thượng Thích Gia Quang cho biết, Giáo hội chỉ quản lý chung về hành chính chứ không can thiệp được vào công việc cụ thể của các cơ sở thờ tự. "Các nghi lễ ở chùa do trụ trì đứng ra tổ chức và tự chịu trách nhiệm, chúng tôi không can thiệp được", ông nói.
Nhận định sự bùng phát hiện tượng dâng sao giải hạn xảy ra một phần bởi tâm lý bất an của người dân trong xã hội hiện đại, hòa thượng Quang đề nghị nhà nước cần thay đổi các chính sách và quy định pháp luật để chấn chỉnh vấn nạn này.
Đồng tình với các ý kiến trên, thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam khẳng định, việc cúng sao giải hạn, bói toán đều là "hành nghề phi pháp". Kinh Phật không có thần sao chiếu mệnh, không có vận hạn tốt, xấu.
TS Nguyễn Văn Vịnh, cựu Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển phân tích, dâng sao giải hạn có nguồn gốc từ Đạo giáo. Tinh thần của Phật giáo không có cúng tế, dâng sao, xem ngày tháng.
Ông cho rằng phải nhìn nhận việc đầu năm nào tổ đình Phúc Khánh cũng làm lễ dâng sao giải hạn cho hàng nghìn người, tràn ra đường, ngồi trên cầu vượt Ngã Tư Sở... "là hiện tượng buôn thần, bán thánh". Đây là chỉ dấu cho thấy xã hội đang mất thăng bằng, nhiều hệ giá trị bị đảo lộn, làm con người mất phương hướng, phải tìm đến đặt niềm tin vào những chuyện hoang đường.
"Pháp luật không cấm những hoạt động này nhưng Giáo hội cần khuyến cáo để người dân hiểu rằng việc dâng sao giải hạn đó không giúp ích gì cho cuộc sống", ông Vịnh nói.
Những ngày đầu năm, rất nhiều chùa ở miền Bắc tổ chức dâng sao giải hạn cho người dân và phật tử. Điển hình là chùa Phúc Khánh (Hà Nội) luôn trong tình trạng quá tải người đến làm sớ xin dâng sao, giải hạn. Có những đêm, hàng nghìn người ngồi kín quãng đường dài trước cửa đình để thực hiện nghi lễ này.
Theo Viết Tuân (VnExpress.net)