Thu tiền đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm chúng tôi cũng khổ lắm

17/09/2023 06:15:53

Hầu hết giáo viên chủ nhiệm đều mỏi mệt khi phải làm công việc thu tiền học sinh. Nhiều lúc, chúng tôi còn tủi thân khi nghe các em nói rằng: “Cô T., thầy L. cứ gặp mặt là đòi tiền”.

Thu tiền đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm chúng tôi cũng khổ lắm
Ảnh minh hoạ.

Năm học mới 2023-2024 đã bắt đầu, bên cạnh mức lương, môi trường làm việc được đảm bảo, nhiều giáo viên chia sẻ họ mong được tập trung vào việc dạy mà không phải ôm đồm quá nhiều việc bất đắc dĩ như thủ quỹ, thu tiền... 

Điều này nhằm giải phóng giáo viên khỏi những thủ tục “hành chính” theo tinh thần đổi mới căn bản toàn diện ngành giáo dục đang hướng đến hiện nay.

Lâu nay, tất cả các khoản tiền như: tiền học phí, tiền bảo hiểm y tế, tiền bảo hiểm thân thể, tiền hội phụ huynh học sinh, tiền phiếu liên lạc, ghế nhựa, nước uống, tiền giấy thi… giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp thu, viết biên lai từng khoản. Sau đó, giáo viên nộp lại cho kế toán và thủ quỹ. Cũng có một số trường đã thực hiện phương thức phụ huynh nộp các khoản tiền đầu năm bằng cách chuyển khoản cho kế toán trường.

Hầu hết giáo viên chủ nhiệm đều than phiền mỏi mệt vì hàng ngày phải đến lớp để nhắc nhở học sinh việc nộp tiền. Nhiều lúc, chúng tôi còn tủi thân khi nghe học sinh bảo rằng cô T., thầy L. “cứ gặp mặt là đòi tiền”. Các em đâu biết rằng đây là nhiệm vụ của nhà trường giao cho thầy, cô phải hoàn thành đúng thời gian nếu không muốn bị nhắc nhở, phê bình. 

Lý giải cho yêu cầu này là do trường chỉ có một kế toán và một thủ quỹ nên không thể nào thu được với số lượng lớn học sinh, do vậy trường phân công giáo viên chủ nhiệm thu. Vậy việc làm trên có phải là nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm hay không? 

Đến nay, dù đã nhiều năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ lời khẩn cầu tha thiết của một phụ huynh, cũng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều giữa trách nhiệm và tình cảm của một người thầy đối với học sinh.

Hôm nay, tôi muốn chia sẻ điều đó cùng đồng nghiệp và phụ huynh, để mong rằng thầy cô chúng ta hãy thật sự quan tâm đến học sinh. Đừng vì chỉ tiêu, thành tích vô tình thêm gánh nặng cho nhiều gia đình.

Năm đó, tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 9/3. Vào đầu năm học, ngoài những công việc chuyên môn như tổ chức lớp, phổ biến thời khóa biểu, triển khai học nội quy, lao động... một việc không thể thiếu với giáo viên chủ nhiệm đó là thông báo các khoản tiền thu đầu năm học.

Việc thu tiền các khoản đầu năm với học sinh vùng nông thôn Diên Khánh (Khánh Hòa) - nơi tôi công tác, thật là khó khăn. Đa số phụ huynh làm nông nghiệp chỉ đủ ăn hằng ngày. Tất cả phải chờ đến mùa thu hoạch lúa, may ra mới có ít tiền để trang trải. Vì thế việc thu tiền là điều không phải dễ và cũng là việc làm đa số giáo viên rất ngại dù biết rằng đây là nghĩa vụ của phụ huynh.

Chính vì chỉ tiêu đó, giáo viên chủ nhiệm phải thúc giục hằng ngày để thu đủ các khoản theo quy định. Nhiều lúc giáo viên nói đùa với nhau là “đi đòi nợ học sinh”. 

Với tinh thần 'thu đúng, thu đủ', một mặt giáo viên mệt mỏi, mặt khác đã gây thêm nhiều lo lắng cho phụ huynh. Một hôm, vừa thức dậy, mở điện thoại ra tôi thật bất ngờ trước tin nhắn: “Tôi là phụ huynh của em T. Xin thầy sáng nay đừng đọc tên con tôi chưa đóng tiền trước lớp. Tôi rất xấu hổ vì chưa thể đóng tiền được, chồng tôi đang bệnh. Mong thầy thông cảm, cảm ơn thầy!”. 

Đọc dòng tin nhắn này thật sự tôi áy náy trong lòng, dù chưa đọc tên em T. trước lớp. Tôi tự trách mình sao vô tình quá, không tìm hiểu hoàn cảnh học sinh để có thể giúp đỡ phần nào cho các em. Đó mới là lương tâm, trách nhiệm của người thầy, nhất là đối với giáo viên chủ nhiệm lớp. Nếu không nhận được tin nhắn này, như mọi khi, tôi sẽ đọc tên những học sinh chưa đóng tiền trước lớp! 

Chắc rằng T., sẽ rất mặc cảm với bạn bè, phụ huynh buồn phiền. Thật cảm ơn phụ huynh em T. Từ hôm đó và về sau này, tôi không bao giờ đọc tên học sinh chưa đóng tiền trước lớp dù thầy hiệu trưởng có phê bình lớp 9/3 chưa hoàn thành việc thu tiền. 

Ngày thầy hiệu trưởng gọi lên văn phòng, tôi đã trao đổi về trường hợp em T., gia đình khó khăn, bố bệnh nặng, mẹ không có việc làm. Em cũng là học sinh giỏi liên tục ở các lớp 6, 7, 8 nên đề nghị nhà trường xem xét. 

Nghe tôi trình bày, thầy hiệu trưởng đồng ý đưa em vào diện thất thu. Có lẽ đây là điều tôi có thể giúp em T. và đó cũng là bài học cho tôi và đồng nghiệp.

Được biết hiện nay còn nhiều trường học, thầy cô vẫn sử dụng biện pháp nêu tên học sinh vi phạm nội quy như không học bài, không mang khăn quàng, bảng tên, logo, đi dép hai quai, không đóng tiền… mà quên rằng đây là việc làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm học sinh. 

Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

Theo VietNamNet