Hai ngày qua, mạng xã hội xôn xao khi một phụ huynh chia sẻ một danh sách các khoản phải đóng đầu năm học với tổng chi phí lên tới hơn 8,7 triệu đồng. Đáng nói, trong bản danh sách này có nhiều khoản thu quá cao, có khoản không cần thiết, cũng có khoản không biết thu để làm gì.
Cụ thể, theo bản danh sách, tiền tivi 150.000 đồng; gửi xe 360.000 đồng/năm; ghế ngồi 25.000 đồng, học thêm 2,176 triệu đồng, photo 200.000 đồng, xã hội hóa 300.000 đồng, sổ liên lạc điện tử 150.000 đồng/năm...
Vào thời điểm 'nhạy cảm' đầu năm học, với những gia đình phải lo cho 2 con ăn học thì danh sách này khiến phụ huynh hốt hoảng và gây bức xúc dư luận.
Một phụ huynh cho hay, nhiều khoản thu cao và vô lý. Ví dụ như tiền gửi xe, theo vị phụ huynh này, hàng năm tiền dạy thêm học thêm chia ra 3 gói: 70% cho giáo viên dạy, 15% cho quản lý, 15% cho cơ sở vật chất. 15% chi cho cơ sở vật chất này dùng để xây dựng, tu bổ nhà để xe, phòng ốc, bàn ghế... bảo vệ (nhân viên trông xe) cũng được chia trong 15% quản lý. Vậy tiền gửi xe chi cho ai? Chi như thế nào?.
Sổ liên lạc điện tử tại sao phải đóng khi tất cả thông tin về học sinh đều liên lạc trực tiếp qua giáo viên chủ nhiệm. Nhà trường không cập nhật đầy đủ kịp thời như giáo viên chỉ nhiệm đối với từng học sinh. Khoản này không cần thiết, nên bỏ.
Ngoài ra, khoản photo là photo gì khi học sinh đã đóng 500.000 đồng tiền quỹ lớp và khoản này lớp sẽ trích để in ấn. Nhiều khoản khác như tivi, xã hội hóa, ghế ngồi... Một chiếc ghế học sinh mua từ đầu cấp, ra trường để lại cho khóa sau, nếu gẫy thì bổ sung. Tại sao lại bắt học sinh đóng? Ghế cũ bỏ đi đâu? Tiền khảo sát hè, khảo sát năm học cũng không có quy định thu.
Được biết, hình ảnh danh sách các khoản thu trên là của trường THPT Thanh Miện 3, Hải Dương. Đến hôm nay, các khoản thu này vẫn đang thành tâm điểm của dư luận.
Liên quan đến vấn đề này, thầy Phạm Chu Hy, hiệu trưởng Trường THPT Thanh Miện cho biết đây là các khoản thu dự kiến của học sinh đầu cấp, không phải của học sinh toàn trường. Đồng thời thầy lý giải cụ thể:
Tiền ghế ngồi 25.000 đồng/học sinh bao gồm ghế, xích, khóa. Các em mua để sử dụng cho 3 năm học chứ không phải đóng hàng năm. Đúng là sau khi ra trường các em sẽ để lại cho học sinh khóa sau nhưng tôi về đây một năm không thấy lớp nào để lại từ ghế ngồi, tivi, quạt...
Về khoản tivi 150.000 đồng/học sinh, đây là khoản xã hội hóa, phụ huynh huynh mua để phục vụ cho việc học tập của các con. Đầu cấp học phụ huynh đã mua tivi với giá hơn 10 triệu đồng. Sau khi con ra trường, phụ huynh đã bán thanh lý lại với giá khoảng 6 triệu đồng và các lớp sau đã mua lại để sử dụng cho 3 năm.
Tiền sổ liên lạc điện tử bao gồm tin nhắn và thông tin học sinh trong cơ sở dữ liệu ngành. Nếu phụ huynh sử dụng sẽ đóng còn nếu không giáo viên chủ nhiệm sẽ sử dụng Zalo.
Tiền xã hội hóa là khoản nhà trường dự kiến làm lại đường điện riêng vì đường điện ở đây đã 20 năm, không đủ tải cho lắp điều hòa.
Thầy Huy cho biết thêm, đây là danh sách các khoản thu do một giáo viên chủ nhiệm lớp 10 gửi cho phụ huynh học sinh nhưng là những khoản dự kiến và nhiều khoản chưa thu. Ví dụ như học phí hiện chưa có quyết định mức học phí của UBND tỉnh, học thêm cũng chưa tổ chức nên phụ huynh không phải đóng nhưng giáo viên đã gộp tất cả lại để thông báo cho phụ huynh gây hiểu lầm là phải đóng.
Theo thầy Hy, Trường THPT Thanh Miện 3 là trường bán công chuyển sang công lập. Trường được xây dựng từ lâu, có khối trường xây từ năm 2001 khá cũ. Chất lượng học sinh cũng chưa cao. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, trường đứng thứ 34/39 điểm thi.
"Tôi mới về trường một năm với tâm nguyện muốn thay đổi chất lượng cơ sở vật chất cũng như chất lượng dạy và học của trường, thúc đẩy trường tốt hơn. Nếu có điều gì chưa đúng, tôi luôn lắng nghe, điều chỉnh, không trốn tránh", thầy Hy nói.
Được biết, ngay sau khi hình ảnh được chia sẻ, UBND huyện, Phòng GDĐT cũng đã về kiểm tra các khoản thu này.
HL (SHTT)