Tâm sự của nữ bác sĩ có con khóc đòi bế khi thấy mẹ trên ti vi: Dù hứa với con 'ngoan, mấy hôm nữa mẹ về', nhưng đó là nói dối

30/05/2021 10:15:32

Trưa 29/5, trong khi gia đình đang ăn cơm và xem bản tin thời sự trên VTV1. Nghe giọng mẹ Hạnh, bé Kem đã oà khóc, hai tay giơ lên, tiến gần đến ti vi chỉ mong được mẹ bế. Mọi người đều bất ngờ khi nữ điều dưỡng đeo khẩu trang mà em bé vẫn nhận ra.

10h đêm 18/5, nhận lệnh chi viện cho "điểm nóng" Bắc Giang, chị Phùng Thị Hạnh, 28 tuổi, điều dưỡng tại Khoa Chẩn đoán Chức năng, Bệnh Viện Quân y 103, nhanh chóng sắp quân tư trang, trong lòng nặng trĩu.

Đây là lần đầu tiên chị xa con, bé Vũ An Bảo My (tên gọi ở nhà là Kem) mới 20 tháng tuổi, không nỡ dứt "hơi mẹ". Cả đêm hôm đó chị trằn trọc không thể ngủ. Cứ nhìn con, chị lại khóc.

7h30 sáng hôm sau, nữ chiến sĩ có mặt tại bệnh viện. Chồng động viên nhiều, nhưng chị vẫn không yên tâm khi để 2 bố con ở nhà. Ngồi trên xe hướng về Bắc Giang, nghĩ đến con, chị khóc không ngừng.

Tâm sự của nữ bác sĩ có con khóc đòi bế khi thấy mẹ trên ti vi: Dù hứa với con 'ngoan, mấy hôm nữa mẹ về', nhưng đó là nói dối
Hình ảnh bé Kem thấy mẹ trên ti vi bật khóc nức nở gây xúc động mạnh (Ảnh: FB)

Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 2 do Bộ Quốc Phòng thành lập tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân Covid-19. Nhiệm vụ chính của chị Hạnh là trực tiếp điều trị các F0, đặc biệt những ca nặng. Công việc thăm khám, điều trị hàng ngày của đoàn vô cùng vất vả.

Khi tiếp nhận thêm bệnh nhân mới, đoàn y bác sĩ lại thu dọn đồ đạc, nhường nơi ở làm phòng điều trị. Mọi người di chuyển 10km về Trung đoàn rồi nhận phòng. 6 chị em một phòng, mỗi giường cách nhau 2m, đúng khoảng cách quy định. Hôm nào có lệnh sáng mai đi làm sớm, chị Hạnh phải uống thuốc ngủ để đêm chợp mắt vài tiếng cho đủ sức làm việc.

Không chỉ bí bức mỗi khi mặc đồ bảo hộ suốt nhiều tiếng, 3 ngày đầu tại Bắc Giang, chị bị tắc sữa và sốt. Chị phải vắt sữa vào chai nhựa rồi bỏ đi, không thể tích trữ gửi về cho con. Trong khi đó bé Kem ở nhà buộc phải cai sữa mẹ, tập uống sữa ngoài.

Tâm sự của nữ bác sĩ có con khóc đòi bế khi thấy mẹ trên ti vi: Dù hứa với con 'ngoan, mấy hôm nữa mẹ về', nhưng đó là nói dối - 1
Điều dưỡng Phùng Thị Hạnh đang làm việc tại Bệnh viện dã chiến Trung đoàn 831, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang

"Thường ngày đi làm, buổi trưa chị vẫn tranh thủ về nhà cho con bú. Nhiều khi bầu ngực căng sữa khiến tôi khó chịu, phải uống nhiều loại thuốc để tiêu sữa. Cứ mỗi lúc như thế tôi lại nhớ đến con nhiều hơn", chị kể.

Nhớ con, gọi điện thoại về cũng không dễ dàng. Khi con thức, người mẹ chiến sĩ bận bịu chăm sóc bệnh nhân, điện thoại cũng chẳng dám dùng. Khi mẹ được nghỉ ngơi, thì con đã ngủ say. Từ hôm mẹ đi công tác, bé Kem mỗi ngày chỉ được gặp mẹ qua video call. Thỉnh thoảng bé con đòi "Mẹ ơi, bế!", khiến chị không thể kìm lòng. Dù hứa với con "ngoan, mấy hôm nữa mẹ về", nhưng đó là nói dối.

Trưa 29/5, trong khi gia đình đang ăn cơm và xem bản tin thời sự trên VTV1. Nghe giọng mẹ Hạnh, bé Kem đã oà khóc, hai tay giơ lên, tiến gần đến ti vi chỉ mong được mẹ bế. Mọi người đều bất ngờ khi chị Hạnh đeo khẩu trang mà bé Kem vẫn nhận ra. Bà nội vội tới dỗ dành, em bé mới chịu nín.

"Có người bình luận "sao con còn nhỏ thế mà còn tình nguyện đi", nhưng đây là nhiệm vụ, dù thương con nhưng tôi sẵn sàng tinh thần cùng đồng đội lên đường", chị Hạnh tâm sự.

Tâm sự của nữ bác sĩ có con khóc đòi bế khi thấy mẹ trên ti vi: Dù hứa với con 'ngoan, mấy hôm nữa mẹ về', nhưng đó là nói dối - 2
Mỗi lần gọi điện thoại, nhìn thấy mẹ, bé Kem lại khóc đòi bế

Gác chuyện gia đình sang một bên, chị Hạnh cùng đồng đội tập trung chống dịch. Chị luôn nhắc nhở bản thân phải giữ gìn sức khỏe, bởi nếu không may bị lây nhiễm, thành F0 thì thời gian được trở về bên con sẽ còn lâu hơn nữa.

Cuộc chiến chống Covid-19 còn dài, dù không tiếng súng, nhưng kẻ thù vô hình thì nguy hiểm hơn nhiều. Mong ước lớn nhất của gia đình chị Hạnh là dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát, để các bác sĩ có thể trở về bên người thân. Và khi đó, bé Kem có thể được mẹ ôm chặt vào lòng.

"Tôi tin rằng với sự cố gắng ngày đêm của lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng như sự chung tay của người dân cả nước, dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi để những người mẹ xa con nhỏ như tôi sớm được về nhà", chị Hạnh bật khóc.

Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)

Nổi bật