Chiều 17/5, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, nữ điều dưỡng bị sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin Covid-19 đã ổn định sức khỏe , không để lại di chứng và xuất viện sáng nay.
Sau khi xuất viện, nữ điều dưỡng sẽ được nghỉ ngơi khoảng 1 tuần sau đó quay trở lại công việc.
“Đến thời điểm này đã có khoảng 1.300 nhân viên của bệnh viện tiêm vắc xin Covid-19, thời gian tới bệnh viện sẽ tiếp tục tiêm cho số còn lại. Trước khi triển khai tiêm vắc xin bệnh viện đã tập huấn nhiều lần về công tác xử trí các biến chứng và phác đồ cấp cứu phản vệ, chuẩn bị đầy đủ phương tiện đảm bảo an toàn sau tiêm”, giám đốc BV Đà Nẵng thông tin.
Trước đó, sáng 10/5, sau khi tiêm vắc xin Covid-19 nữ điều dưỡng của Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng bị sốc phản vệ.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng, bệnh nhân không có tiền sử dị ứng, đã được khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng. Sau khi tiêm, bệnh nhân bị ù tai, khó thở, đã được xử lý chống sốc theo đúng phác đồ và sau đó được cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đà Nẵng.
Hiện, ghi nhận tỷ lệ sốc phản vệ nguy kịch sau tiêm vắc xin Covid-19 trên thế giới khoảng 8/1.000.000 ca tiêm chủng. Ở Việt Nam, tính tới thời điểm này có 2 bệnh nhân nguy kịch, trong đó một trường hợp đã tử vong.
Đối với sốc phản vệ sau tiêm vắc xin Covid-19, TS.Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng khuyến cáo, cần ưu tiên khám sàng lọc kỹ trước khi tiêm chủng, phân loại những người có cơ địa dị ứng để tiêm chủng tại các BV.
“Tại các điểm tiêm chủng cũng cần chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, cũng như nhân lực. Việc này đóng vai trò quan trọng trong việc xử trí ban đầu các trường hợp phản vệ nặng, góp phần giảm tỷ lệ biến chứng nặng. Cần đảm bảo an toàn tiêm chủng, để tiếp tục chương trình tiêm vắc xin, vốn là giải pháp hiệu quả để vượt qua đại dịch Covid-19”, bác sĩ Nhân nói trên báoThanh Niên.
HL (Nguoiduatin.vn)