Cơ sở hạ tầng vùng núi thấp kém, công tác dự báo, cảnh báo, truyền thông tin đều còn hạn chế - ông Trần Quang Hoài, tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), chỉ ra một trong những nguyên nhân.
Ông Trần Quang Hoài, tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Ông Trần Quang Hoài trao đổi với chúng tôi về những thiệt hại nặng nề của đợt mưa lũ vừa qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
* Theo ông, vì sao với cơn bão mạnh như bão số 10, thiệt hại được giảm thiểu đáng kể mà đợt áp thấp nhiệt đới, mưa lũ vừa qua lại gây thiệt hại rất nặng nề đến vậy?
Để giảm thiểu được thiệt hại trên biển như hiện nay rõ ràng là đã có cả một quá trình từ nâng cao năng lực phòng ngừa tới xây dựng khả năng chống chịu.
Ví dụ, vừa qua nếu không đầu tư xây dựng hệ thống đê biển ở Nam Định, chắc cả khu vực Hải Hậu - Nam Định ngập hết. Người dân ven biển cũng có kinh nghiệm hơn, hệ thống thông tin tốt hơn, cơ sở hạ tầng được đầu tư nhiều hơn.
Còn miền núi, đến giờ vẫn là "vùng lõm" từ đời sống kinh tế - xã hội, thu nhập, nhận thức, cơ sở hạ tầng đến truyền thông tin.
Cơ sở hạ tầng vùng núi còn rất thấp kém, công tác dự báo, cảnh báo cho người dân, rồi hệ thống truyền thông tin đến người dân đều còn hạn chế.
Ở đây, người dân vẫn còn tập quán sống ven sông suối, ven sườn đồi - những nơi rất hay xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Ngoài ra, cũng phải nhìn nhận thực tế là rừng đã bị chặt phá quá nhiều, làm gia tăng sự khốc liệt của lũ, làm dòng lũ đổ về nhanh hơn.
Thiệt hại, mất mát riêng lần này đã hơn trăm người, thiệt hại kinh tế thì chưa tổng hợp được, đã đến "nút thắt" phải thay đổi tập quán.
Phải đầu tư nâng cao năng lực dự báo, cho việc di dân, tái định cư khỏi khu vực nguy hiểm và phải từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai cho vùng núi.
Chắc chắn phải xác định ưu tiên với khu vực có nguy cơ cao trước, không để tình trạng như hiện nay xảy ra tiếp.
Chính quyền địa phương cũng phải chủ động quyết liệt từ giai đoạn trước thiên tai, từ khi nghe bản tin dự báo. Sau thiên tai cũng phải quyết liệt đánh giá lại xem những chỗ nào không còn an toàn.
Một trong những sự cố nghiêm trọng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua: Vụ sạt lở tại thôn Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình làm 4 căn nhà và 18 người bị vùi lấp, đến nay đã tìm thấy thi thể của tất cả nạn nhân - Ảnh: VIỆT DŨNG |
* Nếu xác định nơi có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất có đến hơn 100.000 ngôi nhà cần di dời thì theo ông nguồn vốn ra sao để thực hiện được?
Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai xác định lần này phải rà soát đánh giá tổng thể về nơi ở không an toàn của người dân. Ban chỉ đạo đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí ngân sách, ưu tiên kinh phí để di dời dân, nhất là khu vực vùng núi phía Bắc.
Các tổ chức quốc tế đã đánh giá rồi, bỏ 1 đồng phòng chống thiên tai sẽ tiết kiệm được 8 đồng ứng phó. Bỏ 1 đồng bỏ xây dựng đê hiệu quả bằng hàng nghìn đồng khi xảy ra vỡ đê.
Bên cạnh đó, dứt phải phải có giải pháp lồng ghép, bắt buộc các dự án, công trình phải có giải pháp phòng chống thiên tai. Ví dụ làm đường phải tính mở đủ khẩu độ cho thoát lũ.
Các địa phương vùng núi cũng phải chủ động thông tin tới người dân về mưa lũ, ngăn chặn việc người dân tự phạt đồi xuống làm nhà vì như vậy là tự tạo ra nguy hiểm ngay cạnh mình.
Và phải xác định rừng là số một, khôi phục ngay rừng đầu nguồn bằng việc sắp xếp lại đời sống dân cư. Phải nhìn nhận chuyện bảo vệ rừng liên quan rất nhiều đến sinh kế người dân. Chắc chắn phải sơ tán, di dời người dân ra khỏi hầu hết các khu vực rừng mà hiện nay dân đang khai thác. Đây là việc rất lớn, nhưng tôi nghĩ phải làm điểm, gắn việc giao dân giữ rừng với lo sinh kế cho người dân. Hiện nay ta chặt phá rừng làm nương rẫy quá nhiều rồi. Như ở Sơn La, rừng có chỗ bị cạo trọc để làm nương ngô lên đến tận đỉnh núi. Không thể hi sinh rừng như thế mãi. Ông Trần Quang Hoài |
Đã tránh được giải pháp khó khăn Theo quy trình vận hành liên hồ khu vực phía Bắc, mùa mưa lũ ở miền Bắc đến ngày 15-9 là kết thúc. Khi đó, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai sẽ chuyển toàn bộ hoạt động vận hành liên hồ về các công ty thủy điện. Nhưng năm nay tới 10-10 vẫn còn đợt mưa lũ muộn, và có thể còn tiếp, Ban chỉ đạo vẫn phải tiếp tục giành quyền điều hành liên hồ. Lũ muộn nhưng lượng mưa cũng rất lớn, chỉ 2 ngày các hồ thủy điện lẫn thủy lợi đều đầy nước. Hồ Hòa Bình có lúc nước về lên tới 15.900m3/s, bắt buộc phải xả lũ để đảm bảo an toàn cho hồ. Mực lũ trên hệ thống sông ở Thanh Hoá, Ninh Bình cũng vượt lịch sử năm 1985. Sông Hoàng Long đã vượt lũ lịch sử năm 1985 tới 29cm. Theo quy định, ở mực nước 5,3m đã phải phân lũ, còn thực tế lũ đã lên tới 5,52m, nhưng nhờ chủ động ứng phó đã tránh được việc phải phân lũ. Phân lũ có nghĩa là đổ lũ vào xã Lạc Khoái (huyện Gia Viễn, Ninh Bình), nơi có tới 55.000 hộ dân đang sinh sống. Chưa kể khó đảm bảo an toàn tính mạng cho con người, mà phải 2 tháng sau lũ mới có thể rút hết khỏi nơi này. Đợt mưa lũ vừa qua cũng gây ra sự cố ở 143 vị trí đê điều, nhưng không một tuyến đê nào phải phân lũ, tức là với đê cấp 4 trở lên không có tuyến đê nào bị vỡ. |
Theo Xuân Long (Tuổi Trẻ)