Sau khi đi vào đảo Hải Nam, do chịu tác động của nhiều hình thế nên có rất nhiều kịch bản bão số 11 được đưa ra.
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 11 chiều nay, ông Hoàng Đức Cường, GĐ TT Dự báo Khí tượng thuỷ văn TƯ cho biết, từ khi vào biển Đông, bão số 11 đi chậm lại theo hướng Tây.
Khó dự báo
Từ chiều nay bão có xu hướng đi lên phía Bắc với cường độ gió mạnh cấp 11, giật cấp 13, sau đó di chuyển hướng Tây Bắc với tốc độ 15km/h.
Ông Hoàng Đức Cường cho biết, dự báo bão số 11 sau khi đi qua Hải Nam rất khó với hàng loạt kịch bản |
Theo ông Cường, sau khi qua đảo Hải Nam, hiện có rất nhiều kịch bản được đưa ra do khi đó bão chịu chi phối cùng lúc nhiều hình thế như không khí lạnh, gió mùa... Có phương án bão có thể đi lên hướng Bắc vào TQ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Các trung tâm khí tượng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hongkong (TQ) nhận định khi qua đảo Hải Nam, bão sẽ tiếp tục đi lên hướng Bắc, vào vịnh Bắc Bộ. Đúng lúc không khí lạnh mạnh tràn xuống kết hợp với gió mùa sẽ làm bão giảm cấp độ, dịch chuyển xuống phía Nam, ảnh hưởng trực tiếp Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.
“Chúng tôi với tinh thần cao và dũng cảm đưa ra nhận định trước khi vào đảo Hải Nam bão sẽ mạnh cấp 11-12, khi vào Vịnh Bắc Bộ suy yếu còn cấp 7-8, thậm chí yếu hơn và đổ bộ Thanh Hoá – Quảng Trị với cấp 6-7, giật cấp 9”, ông Cường thông tin.
Trên biển, vùng nguy hiểm bao gồm toàn bộ khu vực Bắc biển Đông, từ hôm nay gió mạnh dần lên, khu vực Vịnh Bắc Bộ từ đêm 15/10 sẽ có gió cấp 7-8.
Ông Cường cho biết: “Trong nhiều phương án, chúng tôi với tinh thần cao và dũng cảm đưa ra nhận định như vậy. Phương án chúng tôi đưa ra chưa hẳn đã đúng nhất”.
Nhiều khả năng bão số 11 sẽ giảm cấp khi sát đất liền Thanh Hoá - Quảng Trị |
Trước tình hình trên, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng không nên quá hoang mang nhưng cần phải chuẩn bị các tình huống, động viên cơ quan khí tượng: “Chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần cao, dũng cảm. Đoán thì đoán thật chắc không rất gay go”.
Bộ trưởng Cường dự đoán, có lẽ đây là cơn bão khó dự báo nhất từ đầu năm đến nay, không chỉ Việt Nam mà cả đài quốc tế. Hiện đến đảo Hải Nam dự báo được nhưng sau đó các hình thái đan xen, trộn cấp độ nên hoàn lưu ảnh hưởng đến đâu rất khó xác định.
Do đó Bộ trưởng đề nghị cơ quan dự báo cố gắng bám sát 3 tiếng cập nhật 1 lần, khi bão vào gần tăng lên 1 tiếng/lần.
Địa chất không thể chịu thêm được nữa
Dự báo, khi vào đất liền, bão có thể gây mưa cho các tỉnh vùng núi trung du phía Bắc (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái) với lượng 100-200mm.
Khu vực Yên Bái, Hoà Bình, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An mưa 50-100mm/đợt. Các tỉnh từ Hà Tĩnh trở vào mưa vừa 50mm.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp |
Bộ trưởng Cường cho biết, vùng núi phía Bắc đã trải qua mưa lịch sử, lũ trên sông Hoàng Long qua Ninh Bình đã cao hơn mức lịch sử năm 1985, các địa phương đang gồng mình khắc phục chưa xong, trong khi bão số 11 lại tiếp tục có xu hướng vào miền Trung, nên khu vực này đang trong bối cảnh cực kỳ nguy hiểm.
“Giờ nếu mưa tiếp 100-200mm thì hậu quả cực kỳ lớn, tổn thương không lường. Chưa bao giờ chúng tôi dùng từ này. Lớp địa chất sâu đến vài chục mét cũng không thể chịu thêm được nữa, đó là lý do vì sao có hiện tượng đá chạy là vì vậy”, Bộ trưởng nói.
Dù chưa rõ mức độ ảnh hưởng của bão song Bộ trưởng yêu cầu khu vực từ Bắc Trung Bộ trở ra cần tập trung đảm bảo an toàn; tổng kiểm tra công trình đập; rà soát 29 hồ thuỷ điện nguy cơ cao; các hồ thuỷ lợi xung yếu chỗ nào xung yếu phải có phương án vận hành đúng quy trình, có bộ phận thường trực.
Song song đó cần tiếp tục tìm kiếm người mất tích; tập trung khắc phụ hạ tầng sau lũ, sạt lở, đặc biệt là giao thông và điện (hiện còn 126 xã chưa có điện); lưu ý xử lý môi trường, đặc biệt tại khu vực 6.000 con lợn bị chết do lũ tại Thanh Hoá.
Tại cuộc họp chiều nay, BCĐ TƯ về PCTT quyết định tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho PV Đinh Hữu Dư vì đã có hành động dũng cảm hi sinh thân mình trong khi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về phòng chống thiên tai. PV Đinh Hữu Dư (phóng viên TTXVN) bị lũ cuốn trôi ngày 11/10 vừa qua khi đang tác nghiệp trên cầu Thia, Nghĩa Lộ, Yên Bái. |
Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)