Sửa luật có giải quyết khiếu kiện, tranh chấp đất đai phức tạp?

22/05/2018 09:29:44

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội ngày 21-5.

Sửa luật có giải quyết khiếu kiện, tranh chấp đất đai phức tạp?

* Những phức tạp nảy sinh từ một số vụ việc liên quan đến quản lý đất đai ở TP.HCM, Đà Nẵng và ở các địa phương dự kiến thành lập đặc khu kinh tế vừa qua cho thấy pháp luật về đất đai đang có vấn đề. Xin ông cho biết tiến độ nghiên cứu sửa đổi Luật đất đai đã được bộ thực hiện đến đâu?

- Việc sửa đổi Luật đất đai đã được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Chúng tôi đã và đang khẩn trương nghiên cứu, soạn thảo để trình Quốc hội xem xét vào tháng 10 năm nay. 

Tất cả tồn tại, những vấn đề đặt ra thuộc cơ chế, chính sách không phù hợp, những vấn đề gì thực tiễn đang phát sinh, kể cả những vấn đề quản lý đất đai ở các đặc khu kinh tế cũng sẽ được chúng tôi phân tích, tính toán để đưa vào dự thảo sửa đổi Luật đất đai.

Đặc biệt là vấn đề khiếu kiện liên quan đến đất đai rất phức tạp, khiếu kiện đông như vậy, tại sao lại xảy ra nhiều xung đột liên quan đến đất đai? Đây là những vấn đề được chúng tôi phân tích, tính toán kỹ để trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật đất đai lần này.

Sửa luật có giải quyết khiếu kiện, tranh chấp đất đai phức tạp? - 1

Nhiều dự án đang xây dựng tại Phú Quốc

* Những vấn đề cơ bản mà bộ sẽ đề nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung chính sách, thể chế về đất đai là gì, thưa ông?

- Tới đây chúng tôi sẽ cung cấp cho báo chí nội dung chi tiết những vấn đề, nội dung được bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung. 

Trong đó chúng tôi đề cập trước tiên đến vấn đề xác định giá đất, thế nào là giá thị trường và thế nào được coi là giá phù hợp. Vấn đề thứ hai là bộ đề xuất tính toán lại các công cụ quản lý nhà nước, các quy hoạch sử dụng đất đai như thế nào cho hợp lý.

Hiện nay công tác quy hoạch, cơ sở dữ liệu đất đai, dịch vụ công về đất đai, vấn đề thu hồi đất, đền bù đất, đấu giá đất… đều có những tồn tại mà chúng ta phải giải quyết. 

Ví dụ, tại sao chúng ta chỉ có thu hồi mà không tạo ra quỹ đất sạch để từ đó tổ chức đấu giá theo quy định của luật. Bây giờ phải làm sao để có nguồn lực, tạo quỹ đất sạch để tổ chức đấu giá. 

Chúng tôi cũng đặt ra việc bổ sung chính sách tập trung, tích tụ đất đai phù hợp với việc đổi mới các mô hình sản xuất, mô hình kinh tế như tư nhân, hợp tác xã theo hướng sản xuất lớn trong nông nghiệp. 

Vấn đề các dự án lớn đã được cấp giấy phép nhưng chậm triển khai, để lãng phí quỹ đất cũng cần được điều chỉnh, xử lý.

Rồi tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn chưa đạt 100%, nguyên nhân tại sao, cần phải sửa đổi quy định gì? Đây là vấn đề cũng phải làm. Nói tóm lại rất nhiều vấn đề được đặt ra đối với việc sửa đổi Luật đất đai.

* Ông có kỳ vọng việc sửa đổi Luật đất đai sẽ giải quyết được cơ bản tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai hiện đang rất phức tạp?

- Một trong những mục tiêu của sửa đổi Luật đất đai là tạo ra sự hài hòa trong quá trình thu hồi, giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong vấn đề nâng cao hiệu quả nguồn lực đất đai đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. 

Chúng ta đã có rất nhiều cố gắng, nhưng chính sách hiện hành chưa đạt được những mục tiêu mà chúng ta mong muốn. Lần này, chúng ta phải đặt ra quyết tâm sửa đổi căn bản.

Tất nhiên, chúng tôi sẽ tiến hành việc này một cách rất cẩn trọng, từ tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan chức năng, cử tri và nhân dân, trên cơ sở xem xét tình hình thực tế bối cảnh đất nước để đảm bảo hài hòa nhất giá trị đất đai đem lại cho người dân, cho doanh nghiệp, cho Nhà nước.

Không thể lấy giá đền bù 10 năm trước để bắt dân di dời

Sửa luật có giải quyết khiếu kiện, tranh chấp đất đai phức tạp? - 2
Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng)

Một dự án đã áp giá đền bù cách đây cả chục năm, nhưng dân vẫn còn ở lại trên vùng dự án, nay Nhà nước cần bàn giao mặt bằng và yêu cầu người dân di dời thì cũng phải xem xét lại việc đền bù.

Bởi mức giá đất mà họ được áp giá đền bù 10 năm về trước so với giá đất họ mua lại hiện tại thì quá chênh lệch, đất đai sốt qua ba bốn lần rồi.

Theo tôi, nguyên tắc là dự án có thể đền bù 10 năm trước, nhưng tới nay mới thu hồi thì phải tính giá đền bù hỗ trợ cho người dân theo giá hiện tại để đảm bảo dân không quá thiệt.

Thời điểm nào áp dụng việc thu hồi thì phải tính giá đất tái định cư cho người dân cũng phải theo văn bản của thời điểm đó chứ không thể làm theo hướng bất lợi cho người dân.

Đại biểu Quốc hội VÕ THỊ NHƯ HOA (Đà Nẵng)

Cảnh báo hiện tượng đầu cơ đón đầu chính sách

Đây là một trong những vấn đề nổi cộm trong năm 2018 mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề cập trong báo cáo thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội.

Theo đó, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu "nóng" lên ở một số địa phương, nhất là các thành phố lớn, và tiềm ẩn rủi ro; cơ cấu sản phẩm chưa đầy đủ, thông tin thị trường chưa minh bạch.

Một số loại hình sản phẩm mới như căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng... chưa được quy định một cách chặt chẽ. Đặc biệt tại các địa điểm chuẩn bị hình thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), Vân Đồn (Quảng Ninh) có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến đất nền trước những thông tin về cơ chế, chính sách mới đang được Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo Lê Kiên- Viễn Sự (Tuổi Trẻ)