Mỹ-Triều họp hội nghị thượng đỉnh nhưng Trung Quốc mới là nước chiếm thế thượng phong

15/05/2018 20:13:34

Bằng chứng là, trước mỗi chuyến công du của tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều bí mật sang thăm Trung Quốc.

Mỹ-Triều họp hội nghị thượng đỉnh nhưng Trung Quốc mới là nước chiếm thế thượng phong
Ảnh KCNA

Dọc theo biên giới Trung Quốc với Triều Tiên, bằng chứng về sức ảnh hưởng đáng kể của Bắc Kinh tới cuộc đàm phán sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiện diện ở khắp mọi nơi.

Trên một màn hình lớn ngoài trời ở thành phố Đan Đông, hình ảnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un trong chuyến thăm hồi tuần trước được phát đi phát lại nhiều lần.

Người dân biên giới bày tỏ sự háo hức trước dòng chảy thương mại sẽ tiếp tục được thông thương khi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên được nới lỏng. Các thương nhân Trung Quốc cho biết, họ đã đặt mua trước mặt hàng than đá với các nhà cung cấp Triều Tiên.

Tại một khu chung cư mới đang được xây dựng, doanh số bán căn hộ đang tăng cao với giá tăng gấp đôi, các khách hàng cạnh tranh quyết liệt để mua được những căn hộ có view nhìn ra sông Áp Lục, trong đó có rất nhiều người Triều Tiên mang những sấp Nhân dân tệ dày cộp, một nhân viên bán hàng cho biết.

Trong khi đó, hiện nay, chính quyền Tổng thống Trump vẫn khẳng định họ sẽ duy trì lệnh trừng phạt cứng rắn nhất đối với Triều Tiên cho tới khi nước này cho thấy họ đã phá hủy đáng kể kho vũ khí hạt nhân.

Vì thế, theo New York Times, bầu không khí háo hức ở Đan Đông đang nhắc nhở chính quyền Bắc Kinh rằng, là đối tác thương mại chính của Triều Tiên, Trung Quốc có thể quyết định mực độ thi hành lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Mỹ-Triều họp hội nghị thượng đỉnh nhưng Trung Quốc mới là nước chiếm thế thượng phong - 1
Trung Quốc dường như đang đóng vai trò quan trọng tại thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới. Ảnh: KCNA

Trung Quốc chiếm ưu thế

Đứng trước tương lai quan hệ Mỹ-Triều ấm lên - hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ tổ chức vào 12/6 tới đây tại Singapore, Bắc Kinh đã định vị bản thân như một đối tượng liên quan quan trọng trong việc định hình kết quả đàm phán Mỹ-Triều.

Bằng chứng là, trước mỗi chuyến công du của tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều bí mật sang thăm Trung Quốc.

Thông điệp cả hai lần đều rõ ràng: Ông Kim muốn Trung Quốc ủng hộ cách Bình Nhưỡng giải trừ vũ khí hạt nhân - một quá trình hành động từng bước, trong đó Triều Tiên sẽ đạt được lợi ích cho mỗi động thái phi hạt nhân hóa, NYT nhận định.

Trong cuộc gặp với ông Kim Jong-un hôm 7-8/5 vừa qua, ông Tập đã ủng hộ triển khai đồng bộ song song hai phương án tiến hành phi hạt nhân hóa và duy trì hòa bình lâu dài trên bán đảo.

NYT cho rằng, ngay cả khi ông Trump hoan hỉ trước việc Bình Nhưỡng phóng thích ba tù nhân Mỹ thì Trung Quốc cũng có rất nhiều lý do để tin rằng, họ sẽ chiếm "thế thượng phong" trong cuộc đàm phán Mỹ-Triều sắp tới.

Thứ nhất, Trung Quốc có ảnh hưởng quan trọng đối với việc thực hiện các biện pháp trừng phạt, quan điểm của Bắc Kinh về phương pháp và tốc độ tiến hành phi hạt nhân hóa có trọng lượng đối với cả Triều Tiên và Mỹ.

Bên cạnh đó, dù Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động hủy bỏ hạt nhân nhanh chóng nhưng ông cũng ủng hộ thực hiện "từng bước một" nên giới quan sát cho rằng, lập trường của ông gần với Trung Quốc và Triều Tiên hơn là Mỹ. Thông báo chung sau thượng đỉnh liên Triều hồi tháng trước cũng không đưa ra quy định về thời hạn kết thúc tiến trình phi hạt nhân hóa.

Điều này có thể giúp Triều Tiên dễ dàng từ chối yêu cầu loại bỏ vũ khí hạt nhân một cách nhanh chóng, buộc ông Trump phải lựa chọn giữa việc chấp nhận một quá trình tiến hành từng bước một hoặc trắng tay rời khỏi hội nghị, NYT bình luận.

Hugh White, Giáo sư Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Australia cho biết: "Nguy cơ rõ ràng mà Mỹ phải đối mặt trong hội nghị thượng đỉnh là ông Trump sẽ đưa ra sự nhượng bộ lớn đối với ông Kim, mà không nhận được bất kỳ điều gì từ tiến trình xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân".

Nếu Tổng thống Trump không thể có được bước đột phá lớn mà ông mong muốn trong việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân, ông có khả năng sẽ đàm phán một hiệp ước thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Trước đó, ông chủ Nhà Trắng đã tán dương khi Triều Tiên ký hiệp ước hòa bình với Hàn Quốc và cho rằng, động thái này có lợi cho tất cả các bên. Tuy nhiên, kết quả như vậy lại cũng dễ dàng bị Trung Quốc nắm thóp.

"Một thỏa thuận để giảm bớt căng thẳng với Triều Tiên dù rất được hoan nghênh nhưng nó rất có thể sẽ đánh dấu sự kết thúc cho ưu thế lâu dài của Mỹ ở châu Á," ông White nói. "Và đó sẽ là một chiến thắng lớn cho Trung Quốc."

Các chuyên gia Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh không có kế hoạch tung ra các biện pháp trừng phạt một cách công khai vào thời điểm này. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ miễn cưỡng ký kết các lệnh trừng phạt năm ngoái mà phần lớn theo yêu cầu của ông Trump.

Theo lệnh trừng phạt, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ tinh chế sang Triều Tiên và ngừng nhập khẩu thủy sản, than đá và lao động Triều Tiên. Đây đều là những nguồn thu ngoại tệ quan trọng của chính quyền Bình Nhưỡng.

Do Triều Tiên có ý nghĩa chiến lược lớn trong quan hệ Trung-Mỹ nên Trung Quốc không còn mặn mà với việc áp đặt lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng.

"Trung Quốc không có động cơ để trừng phạt Triều Tiên nữa", Thành Hiểu Hà, Giáo sư tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho biết. "Quan hệ của [Trung Nam Hải] với Hàn Quốc đã trở nên xấu đi. Vài tháng trước, Trung Quốc có mối quan hệ tốt với Washington nhưng bây giờ hai nước lại xảy ra cuộc chiến thương mại "

Nhiều ý kiến cho rằng, do Triều Tiên có ý nghĩa chiến lược lớn trong quan hệ Trung-Mỹ nên Trung Quốc không còn mặn mà với việc áp đặt lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng muốn ngăn chặn việc Triều Tiên quá lệ thuộc vào Trung Quốc, nên trong bản thông cáo chung sau cuộc họp liên Triều vào tháng trước, Seoul đã cam kết giúp Bình Nhưỡng hiện đại hóa đường sắt và đường cao tốc.

Cựu Ngoại trưởng Singapore Bilahari Kausikan cho rằng, sự phát triển của hình thế ngoại giao thời gian gần đây đã khiến Trung Quốc và Hàn Quốc hoàn toàn có lý do phản đối và bỏ qua các lệnh trừng phạt mới nếu Washington cố gắng áp đặt.

Ông Thành Hiểu Hà cho rằng, một khi nới lỏng lệnh trừng phạt, Trung Quốc thậm chí có thể giúp Triều Tiên tái thiết đường xá và cảng biển, như một bộ phận của sáng kiến Vành đai và con đường. Đây chính là mục tiêu của Bắc Kinh: Mở rộng ảnh hưởng bằng cách tài trợ vốn cho các dự án hạ tầng cơ sở quy mô lớn ở các nước khác.

Trong cuộc đàm phán tuần trước, ông Tập đã khen ngợi tuyên bố tập trung phát triển kinh tế của ông Kim. Và từ cuối tháng 3 sau chuyến thăm bí mật của ông Kim tới Bắc Kinh, ngày càng nhiều thương nhân Triều Tiên quay trở lại Đan Đông.

Theo Thủy Thu (Soha/Thời Đại)

Nổi bật