Khung xử lý này được Bộ GD-ĐT đặt ra kèm theo dự thảo thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp.
Dự thảo đang trong thời hạn lấy ý kiến góp ý đến ngày 26-11.
Theo đó, sinh viên nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học. Nếu vi phạm lần đầu tiên trong cả khóa học sẽ bị khiển trách và lần thứ 2,3 sẽ chịu hình thức kỷ luật tương ứng: cảnh cáo, đình chỉ có thời hạn.
Còn nếu hoạt động chứa chấp, môi giới mại dâm sẽ chịu hình thức xử lý nặng hơn, bị buộc thôi học ngay lần đầu tiên bị phát hiện vi phạm.
Theo dự thảo khung xử lý kỷ luật học sinh, sinh viên này, nhiều nội dung vi phạm đều được áp dụng hình thức xử lý rất cụ thể, có căn cứ trên mức độ vi phạm và số lần tái phạm.
Trong đó, việc uống rượu bia trong giờ học, say rượu bia khi đến lớp thì mức độ xử lý cũng tương tự như… hoạt động mại dâm: sẽ lần lượt bị khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ có thời hạn, buộc thôi học tương ứng với số lần vi phạm từ 1 đến 4.
Mức xử phạt tương tự cũng được áp dụng với các hành vi khác như: đánh bạc dưới mọi hình thức, tàng trữ, lưu hành, truy cập, sử dụng văn hóa phẩm đồi trụy, tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động tôn giáo trái phép…
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT cũng đặt ra việc xử lý đối với sinh viên đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy; xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân; xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước trên mạng Internet.
Theo Bộ GD-ĐT, các trường sẽ tùy mức độ để xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Riêng học sinh, sinh viên tham gia biểu tình, tụ tập đông người, khiếu kiện trái quy định pháp luật sẽ bị xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học tương ứng với số lần vi phạm từ 1 đến 4. Trường hợp nghiêm trọng sẽ bị giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Cá nhân và tập thể học sinh sinh viên nếu xét thấy các hình thức khen thưởng và kỷ luật không thỏa đáng có quyền khiếu nại lên hiệu trưởng.
Nếu nhà trường đã xem xét lại mà chưa thỏa đáng có thể khiếu nại lên cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Xử lý từ cảnh cáo: sẽ thông báo cho gia đình
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hình thức kỷ luật của học sinh, sinh viên từ cảnh cáo trở lên sẽ được lưu vào hồ sơ và thông báo cho gia đình.
Trường hợp học sinh, sinh viên bị kỷ luật mức đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học, nhà trường phải gửi thông báo cho địa phương và gia đình biết để phối hợp quản lý, giáo dục.
Theo Ngọc Hà (Tuổi Trẻ)