Trình bày tờ trình dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục sáng nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 36 điều; bổ sung 3 điều mới, bãi bỏ 10 điều.
Đáng chú ý, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về học phí của HSSV sư phạm theo hướng thực hiện việc đóng học phí như SV các ngành khác.
Theo lý giải của Bộ trưởng GD-ĐT, hiện nay, do nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số SV sư phạm ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực đầu tư cho giáo dục.
“Vì vậy, dự thảo không quy định miễn học phí đối với HSSV sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm.
HSSV sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học, được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định.
Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm”, ông Nhạ nói.
Thay thế bằng tín dụng sư phạm
Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Phan Thanh Bình cho hay, đa số thành viên UB tán thành với đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho HSSV sư phạm bằng tín dụng sư phạm để thực hiện chính sách theo đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi với đối tượng làm việc trong ngành giáo dục, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học, bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những người tự đóng học phí.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho HSSV sư phạm để thể hiện chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.
Ông Phan Thanh Bình cho hay, dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí đều cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Đồng thời sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm; bổ sung các quy định nhằm nâng cao vị thế nhà giáo, xác định đúng vai trò, vị trí của nghề giáo để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.
Theo Hương Quỳnh (VietNamNet)