Rà soát hồ sơ giáo sư của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

27/02/2018 10:56:19

Theo GS Phạm Gia Khánh, hồ sơ của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vừa được rà soát. Kết quả cho thấy bộ trưởng đủ tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư.

Sau khi Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn năm 2017 với số lượng tăng đột biến, dư luận lo ngại chất lượng phó giáo sư, giáo sư không đảm bảo, với "chuyến tàu vét" trước khi quy định 174 hết hiệu lực. 

Với trường hợp của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, dư luận quan tâm việc bà tập trung cho thời gian quản lý, không tham gia giảng dạy, tại sao lại đủ yêu cầu xét duyệt hồ sơ giáo sư?

Chia sẻ về vấn đề này với chúng tôi sáng 27/2, GS Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y tế, nguyên Giám đốc Học viện Quân y -cho hay Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thuộc diện rà soát hồ sơ công nhận chức danh giáo sư.

Thừa điểm xét duyệt hồ sơ

GS Phạm Gia Khánh cho biết về tiêu chí giảng dạy bà Tiến đã đào tạo 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ lấy bằng và đang đào tạo 3 nghiên cứu sinh. Bà tham gia giảng dạy tại ĐH Y dược TP.HCM, kiêm 2 chủ nhiệm bộ môn, giảng dạy tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Bộ trưởng cho ra đời 2 cuốn chuyên khảo, 3 giáo trình, 3 sách tham khảo và 2 sách hướng dẫn.

Rà soát hồ sơ giáo sư của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến
GS Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y tế, nguyên Giám đốc Học viện Quân y. Ảnh: Khoa học và Phát triển. 

Về nghiên cứu khoa học, bà Tiến chủ trì 2 đề tài cấp Nhà nước, số đề tài cấp bộ đã nghiệm thu là 6, cùng 15 đề tài cấp cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Kim  Tiến có 91 bài báo khoa học, 14 bài đăng trong tạp chí quốc tế ISI, tổng điểm quy điểm đạt cao là 34,38 điểm. Trong khi đó, chức danh giáo sư chỉ yêu cầu 20 điểm.

Ở nước ngoài, người đứng đầu ngành y tế thỉnh giảng 2 nhiệm kỳ của ĐH hàng đầu thế  giới là Oxford, Anh.

Tháng 10/2013, Bộ trưởng Tiến lần đầu được ĐH Oxford trao chức danh giáo sư thỉnh giảng nhiệm kỳ 3 năm. Khi đó, bà là người Việt Nam đầu tiên được nhận chức danh vinh dự này từ ngôi trường nổi tiếng thế giới.

Lần thứ hai, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến được Đại sứ quán Vương Quốc Anh trao chức danh giáo sư thỉnh giảng của Đại học Oxford là ngày 10/3/2017, trong giai đoạn từ 2016-2021.

Về nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Tiến được  trao huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp.

"Hai yếu tố quốc tế này không được xét điểm trực tiếp cộng vào hồ sơ của bà Tiến, chỉ làm tăng uy tín cho bộ trưởng", GS Phạm Gia Khánh nói.

Ngoài ra, bà còn được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Trường - Chánh Văn phòng Bộ Y tế - nói Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hoàn toàn xứng đáng với chức danh giáo sư. Giới học thuật trên thế giới đã ghi nhận với những quy định khắt khe hơn ở Việt Nam. Vậy không có lẽ gì ở Việt Nam, bộ trưởng lại không được công nhận giáo sư?

Ông Nguyễn Xuân Trường cho hay nói việc nghiên cứu, giảng dạy của Bộ trưởng Tiến ảnh hưởng thời gian giảng dạy là không đúng, vì bà cũng là nhà nghiên cứu khoa học.

Khi được hỏi: “Bộ trưởng làm quản lý thì không có thời gian đi dạy để đạt đủ số thời gian lên lớp trong hồ sơ làm giáo sư?”, ông Xuân Trường trả lời bộ trưởng vẫn đi dạy và giảng bài ở các trường đại học, cơ sở y tế. Đó là những kiến thức không có trong trường mà thực tế của toàn ngành.

Cũng theo ông Trường, hai việc làm quản lý và nghiên cứu không ảnh hưởng nhau, mà còn hỗ trợ cho nhau tốt hơn trong việc truyền kinh nghiệm cho thế hệ sau.

Rà soát hồ sơ giáo sư của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến - 1
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Thanh Hải.

Còn nhiều băn khoăn

GS.TS Phạm Gia Khải - nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai - cho rằng ở mỗi trường đại học, quá nhiều giáo sư và phó giáo sư sẽ dẫn đến trường hợp họ lấy danh này để làm việc khác không phải giảng dạy. 

Danh hiệu giáo sư hay phó giáo sư chỉ nên dành cho những người giảng dạy ở cơ sở đào tạo nhất định. Vì chỉ người giảng dạy mới có những bí quyết nghề nghiệp, đáp ứng việc hỏi và đáp. Người làm quản lý, ở phòng trà, chỉ có trình độ giáo sư mà không giảng dạy thì không nên.

Rà soát hồ sơ giáo sư của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến - 2
Giáo sư Phạm Gia Khải (giữa) hướng dẫn các thực tập sinh cách thăm khám bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh tim. Ảnh: VietnamPlus

Theo GS Gia Khải, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến không cần có chức danh giáo sư vẫn nổi tiếng, nếu làm tốt công việc của mình. Khi bộ trưởng không làm giáo sư, có lẽ hình ảnh của bà sẽ tốt hơn.

“Tôi nhớ cố Bộ trưởng Y tế Vũ Văn Cẩn (1914-1982) từng ngăn cấp dưới của mình khi đăng ký phó giáo sư. Cố bộ trưởng nói: 'Anh làm quản lý thì không nên ham chức danh  giáo sư, phó giáo sư làm gì cả'. Ngày ấy, tất cả cấp dưới của cố bộ trưởng làm chức năng quản lý Nhà nước không xét duyệt chức danh này. Bây giờ, tôi thấy đông giáo sư, phó giáo sư quá, thành ra loạn", ông Khải nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, bày tỏ những năm trước, khi còn là thành viên của hội đồng xét duyệt chức danh phó giáo sư, giáo sư ngành y, có tình trạng ứng viên đến gặp, biếu quà để “mua danh”. Vì vậy, chuyện ngày nay ứng viên có tiêu cực là điều không khó hiểu.

Theo GS Phạm Gia Khánh, đợt rà soát vừa qua kéo dài 10 ngày, kèm theo sự giám sát của Thanh tra Bộ GD&ĐT. Theo chỉ đạo, hội đồng sẽ rà soát: Đối tượng bị khiếu nại, đối tượng thanh tra phản biện, đối tượng là giảng viên kiêm nhệm các đơn vị quản lý, bộ trưởng, thứ trưởng…

Hội đồng tìm ra được 19 người cần được xem xét, đề nghị cơ sở đào tạo làm rõ. Kết quả cuối cùng, 19 ứng viên vẫn đủ tiêu chuẩn.

Theo Quyên Quyên (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật