Phát hiện ứng viên chưa đạt chuẩn vẫn được công nhận phó giáo sư

27/02/2018 09:48:53

Kết quả rà soát sơ bộ cho thấy trong số những người được công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017, đã có ứng viên bị phát hiện chưa đủ tiêu chuẩn theo các quy định hiện hành.

Hôm nay 27-2, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước sẽ họp về kết quả rà soát ứng viên giáo sư, phó giáo sư vừa được công nhận năm 2017 với sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Việc rà soát này thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Trước đó, với nhiều thông tin về đợt công nhận chức danh GS, PGS 2017 "có dấu hiệu bất thường, thời gian nộp hồ sơ được kéo dài như một "đợt vét" trước khi có quy định mới", Thủ tướng đã yêu cầu Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20-2.

Phát hiện ứng viên chưa đạt chuẩn vẫn được công nhận phó giáo sư
Các tân phó giáo sư năm 2013 nhận giấy chứng nhận chức danh phó giáo sư tại lễ vinh danh ở Văn Miếu - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tuy nhiên, sau đó, Bộ GD-ĐT đã xin lùi thời hạn báo cáo đến ngày 28-2.

Theo yêu cầu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tất cả hồ sơ các ứng viên đều được rà soát, trong đó các hội đồng ngành đặc biệt tập trung rà soát kỹ hồ sơ của những ứng viên có đơn thư khiếu nại, ứng viên thỉnh giảng thuộc diện cán bộ quản lý... 

Số ứng viên được "quan tâm" rà soát kỹ lưỡng này có hội đồng chỉ 2-3 người, nhưng cũng có hội đồng lên đến hàng chục người.

Ngày 26-2, thông tin từ các hội đồng chức danh giáo sư ngành cho biết Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã yêu cầu các hội đồng ngành chưa được tiết lộ thêm thông tin cụ thể, đầy đủ về kết quả rà soát trước khi báo cáo hội đồng vào phiên họp chốt kết quả ngày 27-2.

Được biết, sau khi rà soát, trong số những người được công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017, đã có ứng viên bị phát hiện chưa đủ tiêu chuẩn theo các quy định hiện hành. Trong đó, có cả ứng viên phó giáo sư là giảng viên đang công tác tại trường đại học lớn.

Với những trường hợp này, nếu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước trong công văn gửi các hội đồng ngành, thì phải báo cáo Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước "kiên quyết không công nhận".

Trao đổi với chúng tôiPGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - đại biểu Quốc hội, phó giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, cho rằng để kết quả rà soát minh bạch, khách quan và công bằng thì không chỉ dừng lại ở việc rà soát hơn 1.200 tân giáo sư, phó giáo sư mà còn rà soát cả ứng viên bị trượt để đảm bảo chất lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận, đồng thời không để có người bị "trượt oan".

Theo đó, thực tế các hội đồng có sự chênh lệch trong đánh giá, có hội đồng "quá nghiêm", có hội đồng lại quá dễ dãi. 

Vì vậy, ông Hiếu đề xuất các thành viên hội đồng thay vì bỏ phiếu kín mà công khai ý kiến của mình một cách đàng hoàng và chịu trách nhiệm với điều đó. 

"Bỏ phiếu kín thì có thể xảy ra trường hợp bỏ phiếu không vì khoa học mà vì cảm tính. Còn khi công khai bỏ phiếu thì trách nhiệm với khoa học sẽ được đảm bảo cao hơn, minh bạch hơn. Như vậy thì kể cả người bị loại cũng sẽ tâm phục, khẩu phục. 

Sự rành mạch, công khai trong đánh giá giúp tránh hiện tượng ứng viên phải chịu thêm nhiều áp lực ngoài khoa học. Như vậy, sự trong sạch trong học thuật mới được bảo vệ", ông Hiếu nói.

Theo Ngọc Hà (Tuổi Trẻ)